THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 04:18

Nhiều nước đánh thuế sử dụng người máy để giữ việc làm cho người lao động

Toàn cảnh Hội nghị

 

Hội nghị Toàn quốc về phát triển bền vững năm 2018 với chủ đề "Nâng cao năng lực cạnh tranh, hiện thực hoá các Mục tiêu phát triển Bền vững trong thời kỳ Cách mạng Công nghiệp 4.0" vừa khai mạc trọng thể tại Hà Nội sáng 5.7.

Những kiến nghị từ Hội nghị sẽ góp phần thúc đẩy việc triển khai các chương trình hành động của Chính phủ và khu vực tư nhân nhằm nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh để phát triển bền vững trong kỷ nguyên số.

Trong buổi sáng đã diễn ra Diễn đàn hợp tác cấp cao vì mục tiêu xanh toàn cầu 2030 nhằm tạo điều kiện và thúc đẩy quan hệ hợp tác công – tư đóng góp vào tiến trình thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu 2030.

Phát biểu tại Hội nghị, TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Đồng Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển Bền vững Việt Nam (VBCSD) nhìn nhận, cần phải đặt sự phát triển của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu. 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc được coi là nền tảng; từ đó đề ra hệ chương trình hành động của Việt Nam bám vào những căn cứ, mục tiêu này.

Với nhiệm vụ nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam, theo ông Vũ Tiến Lộc, trong cuộc đua năng lực cạnh tranh toàn cầu, cộng đồng doanh nghiệp phải đóng vai trò quan trọng, thậm chí với tư cách là trung tâm của mục tiêu phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Ông Kamal Malhotra, điều phối viên thường trú Liên hợp Quốc tại Việt Nam cho rằng: "Công nghệ 4.0 làm thay đổi cách thức sản xuất, hình thức sở hữu và quản trị của các nền kinh tế. Trong đó có xuất hiện các ngành, nghề mới. Tuy nhiên, tác động lớn nhất của cuộc cách mạng cũng đe doạ đến hàng triệu việc làm sẽ bị mất đi".

Điều này đòi hỏi các nền kinh tế phải có sự ứng phó kịp thời. Trong đó lựa chọn hướng đi về phát triển bền vững vào đào tạo nguồn lao động có nguy cơ bị thay thế bằng người máy, với những kỹ năng mới để phù hợp với yêu cầu công việc mới. 

Theo đó việc đào tạo người lao động hướng đến những kỹ năng ngày càng cao hơn, sử dụng kỹ thuật, máy móc công nghệ cao. 

Ngoài ra, ông Kamal cũng đề xuất, để trở thành nền kinh tế dẫn đầu Việt Nam cần thực hiện quy trình, chính sách hoà nhập toàn diện và bao trùm gắn với nhu cầu chung của xã hội, tạo việc làm và tạo được thu nhập cơ bản của mọi người. 

Ở các nước trên thế giới họ đã đánh thuế vào việc sử dụng người máy để giảm thiểu việc sử dụng lao động robot, để giữ việc làm cho người lao động, ông Kamal cho biết.

Ông Kamal Malhotra, điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam 

 

Đưa ra những khuyến nghị cho Việt Nam, ông Ousmane Dione - Giám đốc WB tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam nên tập trung vào bốn xu hướng lớn là: hình thái thương mại mới, nền kinh tế tri thức, biến đổi khí hậu và già hóa dân số.

Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam nhấn mạnh: “Tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động đã lên tới đỉnh điểm và đang giảm vào năm nay. Tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên là 6,5% vào năm 2017, dự kiến sẽ đạt 21% vào năm 2050. Có nghĩa, cứ 5 người thì có 5 người cao tuổi. Điều này có nhiều tác động tiêu cực đến nguồn cung lao động của Việt Nam, đến tăng trưởng năng suất dài hạn. Đặc biệt, điều này tác động tiêu cực đến lao động nữ, do họ có thể chịu nhiều gánh nặng nhất trong việc phải chăm sóc người cao tuổi. Mặt khác, ngành công nghiệp chăm sóc có thể sẽ mở rộng để phục vụ cho người cao tuổi, như đang diễn ra ở các nước châu Á phát triển, châu Âu và Mỹ”.

Hội nghị cũng sẽ thảo luận và công bố những thông tin cập nhật về định hướng, kế hoạch, chương trình và sáng kiến nổi bật mà Chính phủ Việt Nam, các bộ ngành, địa phương và các tổ chức quốc tế đang triển khai nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Trong phiên toàn thể diễn ra trong buổi chiều, Hội nghị sẽ nghe các báo cáo về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; báo cáo cải cách kinh tế và tương lai của việc làm tại Việt Nam của WB; báo cáo về hợp tác công tư thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của VCCI; báo cáo về đổi mới sáng tạo và cách mạng công nghiệp 4.0 của Bộ Khoa học và Công nghệ; báo cáo về bài học kinh nghiệm xây dựng thành phố thông minh của TPHCM…

Được biết, năm 2015, Việt Nam cùng với 192 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc đã chính thức thông qua 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) trọng tâm của Chương trình Nghị sự 2030.

Để hiện thực hóa 17 SDG này, tháng 5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định ban hành kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 về sự phát triển bền vững.

Nguyễn Thanh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh