THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:09

Hội thảo "Khoa học để phát triển" tập trung thảo luận về cách mạng công nghiệp 4.0

 

Chương trình Gặp gỡ Việt Nam được tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam năm 1993. Năm nay nhân kỷ niệm 25 năm, Chương trình Gặp gỡ Việt Nam sẽ tổ chức 12 hội nghị quốc tế, 9 hội thảo chuyên đề gặp gỡ các nhà khoa học thế giới. Đây là dịp cảm ơn các nhà khoa học cũng như Chính phủ Việt Nam đã đồng hành trong suốt thời gian qua. Đồng thời cũng là dịp cùng nhìn lại hành trình 25 năm đã đi qua để thấy có được như ngày hôm nay nhờ có sự ủng hộ của Chính phủ Việt Nam và những đóng góp của các nhà khoa học trong nước và thế giới.

GS Trần Thanh Vân (phải) trò chuyện với GS Tsuyoshi và TS Nguyễn Thị Hồng Vân.

 

Giáo sư Trần Thanh Vân cho biết: “Lần đầu tiên chương trình Gặp gỡ Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội năm 1993, Chủ tịch nước đã gặp gỡ các nhà khoa học quốc tế khiến các nhà khoa học quốc tế đến Việt Nam rất cảm kích. Dù Việt Nam lúc đó đang còn nhiều khó khăn nhưng Chính phủ luôn đặc biệt quan tâm và trân trọng các nhà khoa học. Vì thế, nhân kỷ niệm 25 năm là cơ hội để cảm ơn sự ủng hộ của Chính phủ và sự đồng hành đóng góp của các nhà khoa học”.

Điểm nhấn của chương trình kỷ niệm 25 năm là hội thảo quốc tế “Khoa học để phát triển” với mục đích đối thoại khoa học giữa các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách, đại diện của các tổ chức quốc tế. Theo GS Trần Thanh Vân, hội thảo "Khoa học để Phát triển" sẽ thảo luận về tình hình thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững cũng như các viễn cảnh tương lai của nó, dưới góc nhìn của giới khoa học, công nghệ và đổi mới. Hội thảo cũng nhằm cung cấp một cái nhìn đa chiều về việc thực hiện Chương trình, với sự đóng góp của các nước đang phát triển từ các khu vực khác nhau.

Để bổ sung việc đánh giá thực hiện Chương trình nghị sự 2030, các cuộc thảo luận bàn tròn dự kiến khác sẽ đề cập đến các tác động kinh tế và xã hội của khoa học đối với xã hội, sự đóng góp của khoa học với việc hoạch định chính sách và sự liên quan của khoa học với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Hội thảo “Khoa học để Phát triển” cũng tập trung vào mục đích khuyến khích thảo luận và chuẩn bị các đề xuất cụ thể về vai trò của khoa học trong việc khuyến khích các cuộc đối thoại đa văn hoá và hòa bình, cũng như về vai trò của khoa học trong việc khởi xướng đưa ra các cảnh báo sớm và đề xuất các giải pháp giải quyết.

Khám phá và tìm hiểu về các cơ chế liên quan đến khoa học đối với sự phát triển có thể giúp nhiều quốc gia trong sự đầu tư của họ vì điều đó có thể giúp để đạt được thành công trong việc thực hiện các mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc ở cấp quốc gia.

 “Trong tương lai, khoa học Việt Nam sẽ có những chuyển biến mới, đi sâu vào những con đường mới. Vì thế, chỉ có thế hệ trẻ mới có thể làm được điều này. Việt Nam cần phải đầu tư nhiều hơn cho thế hệ trẻ vì đây chính là tương lai của Việt Nam”, Giáo sư Trần Thanh Vân nhấn mạnh.

 Giáo sư Trần Thanh Vân cho rằng, học sinh Việt Nam hiện chưa học về thiên văn và rất mong trong tương lai Việt Nam sẽ có những cải cách cũng như đầu tư nhiều hơn để các em sớm được tiếp cận bộ môn khoa học này.

Để bước đầu giúp các em có đam mê khoa học từ nhỏ, năm 2000, Giáo sư Trần Thanh Vân đã giới thiệu phương phương pháp dạy học bàn tay nặn bột cho các giáo viên. Sau 1 năm thí điểm với nhiều kết quả tích cực, phương pháp dạy học bàn tay nặn bột đã được Bộ GD&ĐT triển khai rộng trên phạm vi toàn quốc. Bàn tay nặn bột là một phương pháp dạy học dựa trên thí nghiệm nghiên cứu, áp dụng cho việc giảng dạy các môn khoa học tự nhiên, trong đó chú trọng đến việc hình thành các kiến thức cho học sinh bằng các thí nghiệm tìm tòi nghiên cứu để chính các em tìm ra câu trả lời cho các vấn đề của cuộc sống thông qua tiến hành các thí nghiệm, quan sát, nghiên cứu tài liệu hay điều tra…

Chia sẻ kinh nghiệm về giáo dục tình yêu khoa học từ nhỏ cho các em ở các nước trên thế giới, Giáo sư Trần Thanh Vân cho biết, tại Pháp mỗi địa phương đều có các trung tâm khoa học để các em được đến tìm hiểu. Tại các trung tâm này có các món đồ chơi giúp kích thích đam mê khám phá khoa học các em và có các sinh viên tình nguyện đến để hướng dẫn các em chơi mà không cần sự giám sát của bố mẹ. Tại Việt Nam, hiện mới chỉ có 1 trung tâm khoa học tại Bình Định.

Giáo sư Trần Thanh Vân cho rằng, các địa phương nên khuyến khích, tạo điều kiện để xây dựng các trung tâm khoa học với sự tham gia của tư nhân, nhà nước đóng vai trò tạo điều kiện về chính sách. “Chỉ cần các tư nhân được tin tưởng và tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế chính sách thì chắc chắn họ có nhiều đóng góp cho sự phát triển của đất nước và trong đó có cả khoa học”, Giáo sư Trần Thanh Vân chia sẻ. 

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh