Nhiều nhà xe chưa tôn trọng khách hàng
- Pháp luật
- 14:26 - 23/01/2015
Anh Phan Văn Minh, quê xã Diễn Yên (huyện Diễn Châu, Nghệ An), phản ánh với Báo LĐ&XH. Sau mấy ngày nghỉ cuối tuần về quê, ngày 18/1, anh bắt xe khách biển kiểm soát (BKS) 37V 3679 của nhà xe Thạch Thành, từ ngã ba Yên Lý (xã Diễn Yên) ra Hà Nội để tiếp tục đi làm. Anh Minh thuê trọ ở khu vực Mễ Trì nên chỉ bắt xe chạy tuyến Nghệ An – Bến xe Mỹ Đình.
Tuy nhiên hôm đó khi về Hà Nội, nhà xe gỡ biển tuyến Mỹ Đình và trả khách ở Bến xe Nước Ngầm. Không hài lòng về thái độ nhà xe, anh Minh phản ánh với ban quản lý bến, sau đó nhà xe này đã bị lập biên bản vi phạm, đồng thời phải xin lỗi khách hàng và thuê một xe taxi đưa anh Minh về tận nhà.
Để đảm bảo quyền lợi, người dân nên vào bến mua vé.
Anh Minh là trường hợp may mắn, bởi với rất nhiều người đi xe khách, việc bị “chặt chém”, hay nhồi nhét là rất bình thường, thậm chí có người còn bị hành hung khi “có ý kiến” với nhà xe. Điển hình là vụ hành hung hành khách xảy ra ngày 19/8/2014 tại khu vực chợ Trung tâm TP.Uông Bí (Quảng Ninh).
Nạn nhân là ông Nguyễn Xuân Quảng, quê ở huyện Kinh Môn, Hải Dương, bị phụ xe khách BKS 14M-9123 chạy tuyến Quảng Ninh - Hà Nội, hành hung gây thương tích.
Trước đó, do xe chạy chậm để liên tục dừng đỗ xe bắt khách nên ông Quảng có đôi lời phàn nàn. Sau khi lời qua tiếng lại, nhà xe đuổi ông Quảng xuống đường, 2 phụ xuống theo và đánh đạp ông dã man.
Trong những dịp lễ tết, nhiều nhà xe chở vượt đến 50% lượng khách. Để nhồi nhét thêm “thượng đế”, đối với xe bình thường, họ bố trí ở giữa 2 ghế chèn thêm 1 người đứng, thậm chí là 1 ghế 2 người ngồi, hành khách phải ngồi bó gối sát vào với lái xe, ngồi xoay mặt vào nhau, nhiều người trong suốt hành trình đường dài... chỉ đứng được 1 chân.
Tình trạng lôi kéo, cò mồi vẫn thường xuyên xảy ra tại các bến xe.
Với những xe giường nằm, các nhà xe thường bố trí hành khách ngồi co cụm, chật cứng dọc lối hành lang di chuyển. Do là dịp lễ, tết nên mặc dù bị nhồi nhét và “chém đẹp”, nhiều hành khách vẫn chấp nhận quăng quật, miễn sao sớm được trở về bên gia đình.
Trao đổi với phóng viên Báo LĐ&XH ông Nguyễn Anh Toàn, Giám đốc Bến xe Mỹ Đình (Hà Nội) cho biết, hiện nay với tâm lý ngại vào bến xe mua vé, nhiều người dân vẫn có thói quen bắt xe dọc đường, trong khi đó, tình trạng xe cóc, xe dù, xe không đảm bảo chất lượng rất khó kiểm soát, vì vậy quyền lợi của khách hàng khó được đảm bảo.
Theo ông Toàn, dự kiến lượng khách đi lại vào dịp Tết Nguyên đán 2015 sẽ tăng từ 20-40% so với ngày thường. Số ngày nghỉ dài nên lượng khách sẽ dàn đều, nhưng lượng khách qua bến trong thời gian cao điểm tăng khoảng 30-50% so với ngày thường.
Một số tuyến xe về các tỉnh có nhiều lao động làm việc tại Thủ đô như Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình... sẽ rất đông khách, khả năng xảy ra tình trạng ùn tắc, vì vậy bến sẽ tăng cường xe, và huy động 100% CBCNV đi làm để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
“Chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn để đảm bảo an ninh trật tự, xử lý các bến cóc, bến dù, xe chạy vòng vo, vượt tuyến, dừng đỗ đón trả khách sai quy định; xử lý các đối tượng trộm cắp, gây rối, “cò mồi’, lôi kéo khách, bán vé cao hơn giá đăng ký và kiểm tra việc tăng giá vé của các đơn vị vận tải”, ông Toàn nói.
Tại Bến xe Giáp Bát, Giám đốc Nguyễn Tất Thành cho biết, đơn vị vừa xử lý 30 trường hợp lái xe, phụ xe để hành khách lên xe không có vé. Trước đó, trong năm 2014, Bến xe Giáp Bát đã xử lý gần 190 trường hợp xe vi phạm với các lỗi chủ yếu như đón trả khách không đúng quy định, đón khách trên đường ra bến, thu tiền cao hơn giá vé quy định...
Ông Thành nhấn mạnh: “Để đảm bảo quyền lợi cho bản thân, hành khách nên vào bến xe mua vé và phản ánh kịp thời thông tin với Ban quản lý bến, hoặc các cơ quan chức năng để xử lý xe vi phạm”.