THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:38

Nhiều người dân ở Thường Xuân thoát nghèo nhờ vay vốn Quỹ Quốc gia GQVL

Là huyện miền núi 30a phía Tây của tỉnh Thanh Hóa, những năm qua, Thường Xuân đã có bước tiến đáng kể trên các lĩnh vực, đời sống vật chất, tinh thần của người dân trong huyện từng bước được cải thiện. Trong những năm qua, nhờ nuồn vốn từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm, nhiều hộ dân ở huyện Thường Xuân không chỉ thoát nghèo mà còn trở thành hộ gia đình giàu có, giải quyết việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương.  

Mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ Cửa Đạt của gia đình ông Trịnh Xuân Châu

Mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ Cửa Đạt của gia đình ông Trịnh Xuân Châu

Ông Trịnh Xuân Châu là một trong số 16 hộ dân tiên phong nuôi cá lồng trên lòng hồ Cửa Đạt. Hiện nay ông cùng với các hộ dân sở hữu và khai thác 30 lồng cá trên hồ. Đây là vụ thứ 3 ông Châu thả nuôi, với các giống cá mang lại giá trị kinh tế cao như: cá lăng; cá trắm ốc, cá chép... Ông Châu chia sẻ: Nuôi cá lồng trên hồ không khó, nhưng đòi hỏi sự cần mẫn và tuân thủ quy trình kỹ thuật chăm sóc, đảm bảo vệ sinh lồng nuôi, lựa chọn thức ăn phù hợp cho từng loại cá và từng thời kỳ phát triển của cá. Mặc dù gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, kinh nghiệm nuôi cá trên hồ chưa nhiều, song mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ Cửa Đạt bước đầu cho thấy đây là giải pháp hiệu quả mang lại việc làm và thu nhập cho người dân. 

Trước đây, anh Vi Văn Vĩnh ở thôn Chiềng, xã Yên Nhân, chuyên vào rừng săn bọng ong rừng lấy mật. Những năm gần đây do người dân khai thác tràn lan, sai cách, đàn ong tản mát đi nhiều nên khan hiếm. Được thụ hưởng dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, giai đoạn 2016-2020; gia đình anh được hỗ trợ 3 tổ ong mật để nuôi. Đồng thời, được phòng giao dịch NHCSXH huyện Thường Xuân cho vay 100 triệu đồng từ nguồn Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm, anh Vĩnh đầu tư thêm giống, nhân rộng mô hình nuôi ong lấy mật. Công sức bỏ ra đã được đền đáp xứng đáng. Hiện gia đình anh Vĩnh đã nhân đàn lên 340 tổ ong mật. Trừ chi phí, bình quân mỗi năm gia đình anh lãi khoảng 250 triệu đồng từ bán sản phẩm mật ong.

Mô hình nuôi ong mật của gia đình anh Vi Văn Vĩnh đóng vai trò chủ lực xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP 3 sao mật ong hoa rừng Yên Nhân của xã Yên Nhân (Thường Xuân).

Mô hình nuôi ong mật của gia đình anh Vi Văn Vĩnh đóng vai trò chủ lực xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP 3 sao mật ong hoa rừng Yên Nhân của xã Yên Nhân (Thường Xuân).

Ông Lê Văn Thiện, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Nhân, cho biết: "Sản phẩm mật ong của gia đình anh Vĩnh được khách hàng tin dùng, đánh giá cao, đóng vai trò chủ lực xây dựng thương hiệu sản phẩm “Mật ong hoa rừng Yên Nhân” vừa được UBND tỉnh công nhận, xếp hạng sản phẩm OCOP 3 sao.Tuổi đời còn rất trẻ nhưng anh Lương Ngọc Lai ở thôn Tiến Hưng 1, xã Luận Thành đã xây dựng được mô hình làm kinh tế điển hình tại địa phương. Hiện anh là chủ trang trại chăn nuôi gà kết hợp nuôi giun quế và trồng dưa vàng, dưa chuột, được nhiều người biết, tìm đến học hỏi kinh nghiệm".

Theo anh Lai, có được mô hình trang trại chăn nuôi là nhờ được NHCSXH huyện cho vay 200 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm. Hiện trang trại của anh tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động. Lợi nhuận hằng năm sau khi trừ chi phí khoảng trên dưới 220 triệu đồng. Làm công nhân tại tỉnh Bắc Ninh, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, anh Hoàng Huy Long ở thôn Xuân Thắng, xã Ngọc Phụng đã khăn gói trở về địa phương đầu tháng 10-2021. Biết mình đủ điều kiện được hỗ trợ vay vốn ưu đãi nên ngay sau khi hết thời gian cách ly, anh Long đã làm thủ tục vay NHCSXH huyện Thường Xuân từ nguồn Quỹ Quốc gia GQVL với số tiền 80 triệu đồng, cùng với số tiền tích cóp sau một thời gian dài đi làm xa quê, anh đầu tư mở trang trại chăn nuôi lợn với ý chí quyết tâm lập nghiệp “Ly nông bất ly hương”.

Trang trại gà của gia đình bà Mạch Thị Tân (xã Thọ Thanh, Thường Xuân, Thanh Hoá)

Trang trại gà của gia đình bà Mạch Thị Tân (xã Thọ Thanh, Thường Xuân, Thanh Hoá)

Từng là hộ nghèo, thuộc diện khó khăn nhất xã Thọ Thanh, được sự quan tâm của chính quyền địa phương và sự hỗ trợ vốn của Chính phủ, gia đình bà Mạch Thị Tân ở thôn 1 được vay 50 triệu đồng từ nguồn Quỹ Quốc gia về GQVL để đầu tư mua sắm thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp. Vốn là người siêng năng, chịu thương chịu khó, biết sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi nên gia đình bà Tân không những thoát nghèo bền vững mà còn có của ăn của để, xây được căn nhà khang trang. Trong nhà luôn nuôi hàng chục con lợn, trâu, bò và hàng trăm con gà. Không chỉ hộ bà Tân mà hàng nghìn hộ đồng bào nghèo, dân tộc thiểu số tại các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, vùng sâu vùng xa trên địa bàn huyện Thường Xuân được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Ông Lê Thanh Sơn, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Thường Xuân, cho biết: "Tổng doanh số cho vay tính đến nay là gần 150 tỷ đồng với trên 3.000 lượt khách hàng được vay vốn, tổng dư nợ là trên 455 tỷ đồng, tăng 25,2% tỷ đồng so đầu năm, với trên 10.260 khách hàng có dư nợ. Trong đó, cho vay từ nguồn Quỹ Quốc gia hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm là gần 7 tỷ đồng. Thời gian tới, từ nguồn vốn thu hồi và bổ sung từ cấp trên, đơn vị sẽ tiếp tục tham mưu cho ban đại diện NHCSXH huyện ưu tiên phân bổ để giải ngân cho các lao động tham gia vào mô hình, dự án đã xây dựng nhưng chưa được vay vốn. Đồng thời, chỉ đạo cán bộ ngân hàng phối hợp với UBND các xã có lợi thế trong sản xuất các sản phẩm đạt OCOP hay VietGAP triển khai rà soát các mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao nhưng thiếu nguồn vốn, chưa mở rộng sản xuất quy mô tập trung được nhiều, để thẩm định cho vay vốn".

Trong thời gian tới, huyện Thường Xuân tiếp tục thực hiện nhiều chương trình tín dụng chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, tăng cường công tác tuyên truyền về nguồn Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm cho người dân được vay vốn, hỗ trợ người lao động có nguồn vốn nhằm giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động, góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn. 

Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân Nguyễn Thành Lương cho biết: "Huyện Thường Xuân đang phấn đấu ra khỏi danh sách huyện nghèo của tỉnh trước năm 2023, đến năm 2025 trở thành huyện khá của khu vực miền núi . Tăng cường công tác tuyên truyền về các chính sách ưu đãi của Nhà nước, đặc biệt là về Quỹ Quốc gia GQVL cho các hộ dân, người lao động trên địa bàn huyện vay vốn giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng ngay trên quê hương mình, đảm bảo an sinh xã hội".

"Trong thời gian tới cấp ủy, chính quyền huyện Thường Xuân tiếp tục tập trung triển khai các chương trình phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2020-2025; tập trung chỉ đạo các địa phương, đơn vị có liên quan tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển một số ngành nghề công nghiệp có tiềm năng và điều kiện phát triển. Tập trung thu hút và phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, may mặc, công nghiệp vật liệu xây dựng không nung,... nhằm tạo thêm nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Khuyến khích phát triền công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp chế biến nông sản. Với những giải pháp đồng bộ, cụ thể, huyện Thường Xuân sẽ tận dụng và phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương để sớm thoát ra khỏi huyện nghèo và trở thành huyện khá ở khu vực miền núi" - ông Nguyễn Thành Lương nhấn mạnh.   

THU HƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh