THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 01:36

Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm: Giúp người dân Hà Tĩnh thoát nghèo bền vững

Những năm qua, việc triển khai, thực hiện hoạt động cho vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã mang nhiều ý nghĩa quan trọng trong tạo việc làm, tăng thu nhập cho hàng vạn lao động. Quỹ quốc gia về việc làm là một trong những chính sách quan trọng đã góp phần hỗ trợ để khuyến khích các tổ chức, đơn vị và người lao động tự giải quyết việc làm và tạo việc làm mới trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

Nguồn vốn vay từ Quỹ quốc gia về việc làm đã phát huy hiệu quả, góp phần tạo việc làm và thu nhập cho hàng vạn lao động. Vốn cho vay chủ yếu đầu tư phát triển kinh tế hộ gia đình, làm trang trại, các cơ sở sản xuất kinh doanh, hợp tác xã... Nhiều hộ vay vốn chương trình giải quyết việc làm đã vươn lên làm giàu và tạo được nhiều việc làm cho người dân địa phương. Điển hình là gia đình ông Lê Viết Hưng, ở thôn Đông Hà, xã Kỳ Lâm (Kỳ Anh - Hà Tĩnh). Đây là một trong những hộ có sự chuyển biến rõ nét về điều kiện kinh tế sau khi được tiếp cận vốn ưu đãi.

Trước đây, gia đình ông vô cùng khó khăn. Năm 2016, ông được vốn vay 50 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm. Với số tiền này, ông đã đầu tư mở trang trại chăn nuôi lợn và trồng rau sạch. Tận dụng nguồn thức ăn dồi dào, cũng như tích cực chăm sóc, đàn lợn của gia đình ông phát triển tốt. Nhờ trang trại của gia đình, ông đã tạo việc làm cho 3 người con và còn thuê thêm lao động nhàn rỗi tại địa phương.

Trang trại chăn nuôi lợn của gia đình ông Lê Viết Hưng, ở thôn Đông Hà, xã Kỳ Lâm (Kỳ Anh - Hà Tĩnh)

Trang trại chăn nuôi lợn của gia đình ông Lê Viết Hưng, ở thôn Đông Hà, xã Kỳ Lâm (Kỳ Anh - Hà Tĩnh)

Ngoài ông Lê Viết Hưng, gia đình chị Nguyễn Thị Hoa ở thôn Sơn Bình 2, xã Kỳ Sơn (Kỳ Anh – Nghệ An) cũng là một trong những hộ được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Năm 2015, chị Hoa được vay vốn giải quyết việc làm của NHCSXH đầu tư phát triển kinh tế gia đình gồm trồng rừng, chăn nuôi. Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt nên trang trại gia đình chị cho thu nhập cao, giúp gia đình chị vượt qua khó khăn và luôn trả lãi, trả nợ đúng thời hạn. Năm 2016, gia đình chị tiếp tục được NHCSXH cho vay 50 triệu đồng mở rộng mô hình chăn nuôi và đầu tư trồng rừng. Đến nay, trang trại của chị không chỉ đem lại thu nhập cao cho gia đình mà còn tạo việc làm cho một số lao động nông nhàn tại địa phương.

Ngoài ông Hưng, chị Hoa, nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm đã hỗ trợ nhiều hộ gia đình khác phát triển kinh tế như: ông Nguyễn Văn Sỹ xã Kỳ Khang vay số tiền 50 triệu đồng về chăn nuôi trâu, bò và lợn thịt; bà Trần Thị Thức xã Kỳ Xuân, bà Nguyễn Thị Vân xã Kỳ Hải (Kỳ Anh - Hà Tĩnh) vay vốn phát triển nuôi trồng thủy sản và chế biến nước mắm...

Có thể khẳng định, nguồn vốn Quỹ Quốc gia về việc làm đã hỗ trợ nhiều gia đình tại huyện Kỳ Anh đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo của địa phương.  

Theo ông Nguyễn Trí Lạc - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh cho biết: "Hà Tĩnh đặt mục tiêu trong giai đoạn 2021 – 2025, toàn tỉnh phấn đấu giải quyết việc làm mới cho 100.000 người, bình quân mỗi năm là 20.000 lao động; giảm tỷ lệ thất nghiệp, ổn định việc làm tại các địa phương, doanh nghiệp.  UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa ban hành Kế hoạch số 403 ngày 17/9/2021 về việc thực hiện công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021 – 2025. Qua đó, nhằm tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm; nâng cao năng lực quản lý nhà nước; phát huy vai trò của Ủy ban MTTQ, các tổ chức đoàn thể và các tầng lớp nhân dân trong thực hiện chính sách việc làm; xác định đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động là trách nhiệm chung của các cấp, các ngành và bản thân người lao động".

Trang trại gà của gai đình chị Nguyễn Thị Hoa phát triển từ nguồn vốn vay Quỹ Quốc gia GQVL

Trang trại gà của gai đình chị Nguyễn Thị Hoa phát triển từ nguồn vốn vay Quỹ Quốc gia GQVL

"Đồng thời, phát triển thị trường lao động, nâng cao chất lượng dịch vụ việc làm; ứng dụng công nghệ thông tin trong kết nối thông tin cung cầu lao động; đảm bảo người lao động có khả năng làm việc, có nhu cầu tìm kiếm việc làm được tiếp cận thông tin thị trường lao động và được tư vấn giới thiệu việc làm phù hợp với khả năng, nguyện vọng... Đối với công tác giải quyết việc làm, Hà Tĩnh đặt mục tiêu trong giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh phấn đấu giải quyết việc làm mới cho 100.000 người, bình quân mỗi năm tạo việc làm cho 20.000 lao động; giảm tỷ lệ thất nghiệp, ổn định việc làm tại các địa phương, doanh nghiệp. Tập trung ưu tiên tạo việc làm mới cho đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực nông nghiệp và nông thôn, người tốt nghiệp các nhóm nghề nghệ thuật nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, di sản văn hóa. Cụ thể, giải quyết việc làm cho 40.000 người thông qua các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nhằm ổn định việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống dưới 3%" - ông Nguyễn Trí Lạc thông tin thêm.

Phát huy hiệu quả nguồn vốn cho vay Quỹ quốc gia về việc làm và nguồn ngân sách tỉnh ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng CSXH để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác là 7.500 người.

Tư vấn, giới thiệu việc làm thông qua các Trung tâm DVVL, các doanh nghiệp dịch vụ việc làm và các phiên giao dịch việc làm hàng năm tại các địa phương là 52.500 người; trong đó, xuất khẩu lao động 37.500 người; đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm 10.000 người; đi làm việc ngoại tỉnh 5.000 người.

Tỉnh Hà Tĩnh sẽ ưu tiên giải quyết việc làm cho lao động hồi hương có nhu cầu làm việc trên địa bàn tỉnh; cung ứng nguồn lực cho các doanh nghiệp, dự án, khu công nghiệp trọng điểm của tỉnh đảm bảo đủ nhân lực theo yêu cầu của nhà đầu tư. Thực hiện đầy đủ các chính sách cho công nhân như: chính sách về nhà ở, tiền lương, chế độ và điều kiện làm việc, điều kiên vui chơi, học tập cho con em người lao động… và các chính sách an sinh xã hội, đảm bảo người lao động an tâm làm việc.

Để đạt mục tiêu đề ra, trong thời gian tới, Hà Tĩnh đã đưa ra các giải pháp lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu về tạo việc làm vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và phối hợp tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh; trong triển khai thực hiện dự án, trong đó trọng tâm là tháo gỡ những khó khăn của các dự án lớn, trọng điểm, có sự lan tỏa, có đóng góp lớn đối với tăng trưởng kinh tế - xã hội, tác động lớn đến việc hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch của ngành, lĩnh vực.

Bên cạnh đó, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn cho vay hỗ trợ việc làm, xác định nhu cầu vay vốn tạo việc làm để cân đối, điều chỉnh nguồn vốn cho vay phù hợp. Ưu tiên cho vay vốn tạo việc làm đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh sử dụng nhiều lao động; các dự án tạo việc làm ở vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp; chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm cho người lao động ở nông thôn; thanh niên lập nghiệp, khởi sự doanh nghiệp; lao động nữ... để tạo nhiều việc làm ổn định… xoá đói giảm nghèo, tạo nhiều việc làm mới, đảm bảo an sinh xã hội.

THU HƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh