THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 01:47

Nghệ An: Phát huy hiệu quả vay vốn từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm

Chương trình mục tiêu quốc gia giải quyết việc làm đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp trong toàn tỉnh Nghệ An, và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Góp phần đắc lực đảm bảo an sinh xã hội. Vốn vay giải quyết việc làm được xác định là một trong những kênh quan trọng hỗ trợ người lao động có thêm “cần câu” để tìm kiếm cơ hội việc làm. 

Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An vừa phê duyệt đề án việc làm giai đoạn 2021-2025, trong đó phấn đấu giải quyết việc làm mới cho khoảng 210.000 lao động, bình quân mỗi năm có 42.000 lao động. Cụ thể, trong 5 năm tới, lao động nội tỉnh sẽ tăng từ 37% lên 66%; giảm lao động ngoại tỉnh từ 29% xuống còn 6,5% và xuất khẩu lao động cũng sẽ giảm từ 34% xuống 27%.

Nhờ được vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm, hàng nghìn hộ dân trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã phát triển chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất và kinh doanh. Người dân Diễn Châu (Nghệ An) thu hoạch tôm

Nhờ được vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm, hàng nghìn hộ dân trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã phát triển chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất và kinh doanh. Người dân Diễn Châu (Nghệ An) thu hoạch tôm

Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện và các văn bản hướng dẫn thi hành, Nghị định 61 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm đã đi vào cuộc sống, góp phần quan trọng trong việc duy trì, mở rộng và giải quyết việc làm cho hàng triệu người lao động trong cả nước.

Tại Nghệ An, đã có hàng nghìn hộ vay vốn từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm và sử dụng hiệu quả để phát triển kinh tế gia đình; góp phần giải quyết việc làm, giảm hộ nghèo, góp phần ổn định đời sống, nâng cao thu nhập cho người dân.

Xác định vốn vay giải quyết việc làm là một trong những kênh quan trọng hỗ trợ người dân có thêm “cần câu” để thúc đẩy phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững, những năm qua, ngành LĐ-TB&XH Nghệ An đã phối hợp với NHCSXH tỉnh triển khai đầy đủ, kịp thời và công khai các chính sách liên quan đến chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng đến 108 điểm giao dịch xã trên địa bàn tỉnh; phối hợp với các Ban, ngành, hội, đoàn thể từ tỉnh xuống xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho Nhân dân tiếp cận nguồn vốn.

Để giúp người dân tiếp cận thuận lợi và sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả, Sở LĐ-TB&XH Nghệ An phối hợp với Ngân hàng CSXH tỉnh, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách vay vốn từ Quỹ Quốc gia về GQVL thông qua nhiều hình thức, để người dân biết quy trình vay vốn và đăng ký tham gia khi có nhu cầu.

Đến nay, nguồn vốn của chương trình mang lại hiệu quả rất tích cực, chất lượng tín dụng an toàn, vì tỷ lệ nợ xấu, nợ quá hạn thấp. Năm 2021, Nghệ An đã cho 797 người vay từ Quỹ quốc gia GQVL với số tiền 35.228 triệu đồng. Chỉ tính riêng số cho vay từ tháng 5 đến tháng 11/2021, đã có 560 người được vay vốn từ nguồn quxy này với số tiền là 25.003 triệu đồng. 

Từ số vốn vay từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm, đến nay, vợ chồng anh Lưu Văn Trung đã có một trại chăn nuôi gia súc và một cửa hàng kinh doanh thức ăn gia súc, ngoài ra, vào đầu năm 2021, vợ chồng anh Trung đã đầu tư thêm 340 triệu đồng để phát triển mô hình Trồng dưa lưới với diện tích đất trồng 1000m2, dự kiến tháng 8 năm nay sẽ cho thu hoạch vụ đầu tiên.

Trang trại chăn nuôi gà vịt của anh Nguyễn Văn Hùng ở xã Nam Giang, huyện Nam Đàn (Nghệ An)

Trang trại chăn nuôi gà vịt của anh Nguyễn Văn Hùng ở xã Nam Giang, huyện Nam Đàn (Nghệ An)

Chính nguồn vốn ưu đãi từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm đã tạo nên “bước đệm” giúp cho giấc mơ vươn lên làm giàu chính đáng, biến ước mơ trở thành hiện thực ngay trên chính mảnh đất quê hương mình.Trong lĩnh vực trồng trọt, từ nguồn vốn vay từ Quỹ Quốc gia việc làm cũng đã hình thành nên hàng trăm ha cây ăn trái, cây công nghiệp tập trung, trồng mới, cải tạo hàng trăm ha vườn tạp, hàng năm tạo ra được khối lượng sản phẩm hàng hóa đáng kể cho xã hội.

Có thể kể đến Dự án “Trồng keo” của anh Lương Văn Tuấn - bản Minh Châu, xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu (Nghệ An) với số vốn thực hiện 100 triệu đồng. Dự án đã phát huy hiệu quả kinh tế rõ rệt, mỗi vụ thu hoạch keo thu nhập 600 triệu đồng, thu hút thêm 3 lao động mới là người dân tộc thiểu số có thu nhập ổn định từ 5 triệu/tháng.

Bên cạnh đó, các dự án trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng được thực hiện hiệu quả cũng đã tạo ra một khối lượng sản phẩm hàng hóa hết sức đa dạng cho thị trường như các sản phẩm về gỗ, điêu khắc đá, dịch vụ ăn uống, đồ điện tử…Tiêu biểu như Dự án “Sản xuất đồ mộc dân dụng” của anh Trịnh Xuân Hòe - xóm 5 Tiến Thành, xã Quỳnh Thắng, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An); Dự án “Cơ sở điêu khắc đá” của anh Quán Vi Ba - xóm Đồn Mộng, xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An)…

Cũng ở xã Nam Giang, huyện Nam Đàn (Nghệ An), gia đình bà Trần Thị Trung (67 tuổi) vay 100 triệu đồng vốn thoát nghèo đầu tư trang trại diện tích 4 ha ở xóm 5, xã Nam Giang (Nam Đàn). Vườn cây ăn quả gồm bưởi hồng, vải, nhãn, đu đủ... quanh năm cho quả ngọt. Cùng với chăn nuôi gà lợn, đào ao thả cá, trang trại theo mô hình VAC của vợ chồng bà Trung cung cấp thực phẩm sạch, an toàn phục vụ du lịch sinh thái khu vực Eo Gió. 

Đến trang trại chăn nuôi gà vịt của anh Nguyễn Văn Hùng ở xã Nam Giang, huyện Nam Đàn. Từ 100 triệu đồng từ số vốn vay từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm, anh Hùng đầu tư chuồng trại con giống, chăn nuôi hiệu quả, giờ trang trại của anh Hùng được đánh giá là một trong những trang trại chăn nuôi phát triển của huyện Nam Đàn.

Theo ông Đoàn Hồng Vũ, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nghệ An: "Hiện chương trình tín dụng cho vay giải quyết việc làm đang được tỉnh triển khai thực hiện theo Nghị định số 74 của Chính phủ với nhiều ưu đãi thuận lợi cho người lao động. Cụ thể, đối với cơ sở sản xuất kinh doanh, mức vay tối đa là 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng cho 1 người lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; đối với người lao động, mức vay tối đa là 100 triệu đồng. Mức vay cụ thể do Ngân hàng Chính sách xã hội xem xét căn cứ vào nguồn vốn, chu kỳ sản xuất kinh doanh, khả năng trả nợ của đối tượng vay vốn; thời hạn vay vốn tối đa 120 tháng; lãi suất vay vốn bằng lãi suất vay đối với hộ cận nghèo theo quy định pháp luật về tín dụng đối với hộ cận nghèo”.

“Để chính sách tín dụng này tiếp tục đi vào cuộc sống, trong khi nguồn vốn thực hiện chương trình còn hữu hạn, dịch bệnh Covid-19 đang ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống người dân, gây đứt gãy các chuỗi sản xuất, tiêu dùng tại nhiều địa phương, ngành LĐ-TB&XH Nghệ An phối hợp cùng với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tiếp tục thực hiện các giải pháp thúc đẩy giải ngân nguồn vốn vay, bảo đảm cung ứng kịp thời nguồn vốn ưu đãi hỗ trợ người dân đầu tư sản xuất kinh doanh, giải quyết nhu cầu việc làm đang bức thiết do ảnh hưởng của dịch Covid-19” – ông Đoàn Hồng Vũ nhấn mạnh.   

THU HƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh