THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:25

Bị cắt chế độ vì chống tiêu cực?

Bài 2: Bị cắt chế độ vì chống tiêu cực?

Ra quyết định trước, xác minh sau

          Theo phản ánh của ông Phạm Văn Giỏi (tên thường gọi là Phạm Đình Giỏi), tháng 3/1975 ông nhập ngũ tham gia chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên, đến năm 1981 trở về địa phương, ông được công nhận là thương binh hạng hai, tỷ lệ mất sức lao động 62%.

Tuy nhiên, chỉ căn cứ vào đơn thư tố cáo chưa rõ ràng, ngày 18/4/2008, Sở LĐ-TB&XH Hải Dương đã ra Quyết định số 25/QĐ-LĐTBXH về việc “Tạm dừng trợ cấp bệnh binh đối với ông Giỏi kể từ ngày 1/5/2008”.

Quyết định của Sở nêu lý do chính là sai tên, bởi qua xác minh tại xã Liên Hòa, huyện Kim Thành không có ông Phạm Đình Giỏi???Đáng nói là đến tận ngày 3/7, tức sau hai tháng rưỡi, Sở LĐ-TB&XH Hải Dương mới ra văn bản số 911 về việc: “Ông Giỏi hưởng chế độ bệnh binh không đúng chính sách”.

Theo kết quả xác minh hồ sơ lưu trữ của ông Giỏi tại Sở LĐ-TB&XH  thể hiện: Ông Phạm Văn Giỏi, sinh ngày 10/1/1954, nguyên quán xã Liên Hòa, huyện  Kim Môn, tỉnh Hải Hưng; nhập ngũ ngày 23/3/1975; chức vụ trung đội phó, đơn vị: Đại đội 2, Trung đoàn 720, Đoàn 333, Quân khu 5. Thời gian công tác 6 năm hai tháng, về nghỉ mất sức theo quyết định của đơn vị.

Tình trạng thương tổn bị viêm gan mãn tính, thấp khớp mãn tính, suy nhược cơ thể do sốt rét dai dẵng, tỷ lệ mất sức lao động 62%. Tại biên bản giám định y khoa số 228 ngày 28/12/1980 của Hội đồng giám định y khoa Đoàn 333 Quân khu 5 cũng ghi tương tự.

 Ông Phạm Văn Giỏi người bị cắt chế độ đã 7 năm nay vì lý do không rõ ràng.

Bản kết luận này nêu năm 1990, trong quá trình lập danh sách điều chỉnh chế độ trợ cấp, do sơ suất nên cán bộ chính sách xã đã lập nhầm tên ông Phạm Văn Giỏi thành Phạm Đình Giỏi. Tuy nhiên, chính Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hải Dương sau này kết luận: “Trường hợp hưởng trợ cấp bệnh binh có họ và tên Phạm Văn Giỏi và Phạm Đình Giỏi chỉ là một người”.

Thế nhưng thật trớ trêu, trong quyết định số 25 ngày 18/4/2008 về việc tạm dừng trợ cấp bệnh binh đối với ông Phạm Văn Giỏi lại nêu lý do là “Qua xác minh tại xã Liên Hòa không có ông Phạm Đình Giỏi..”

Bỏ sót người có công?

Mặt khác, trong văn bản số 911 ngày 3/7/2008, và Quyết định số 36 ngày 4/2/2009 của Sở LĐ-TB&XH Hải Dương lại căn cứ vào một biên bản giám định lại khả năng lao động (lưu trữ tại Sở LĐ-TB&XH), nhưng không có số ghi ngày 1/11/1985 của Hội đồng giám định y khoa lúc bấy giờ là tỉnh Hải Hưng. Với trường hợp ông Phạm Văn Giỏi, biên bản kết luận: Thể trạng trung bình khá; sốt rét cũ, khả năng lao động thuộc loại Đ.

Tuy nhiên, không  hề đả động gì đến những bệnh nguy hiểm trước đó, đã ghi trong biên bản giám định y khoa của Hội đồng giám định y khoa Đoàn 333 Quân khu 5, để tạm dừng chế độ. Theo ông Giỏi, năm 1985 khi có thông báo kiểm tra lại sức khỏe đối với quân nhân, ông có lên huyện kiểm tra lại, “chứ không hề đi giám định lại một lần nào” , và tình trạng bệnh tật của ông không có gì thay đổi.

Bên cạnh đó, ông Đoàn Văn Thử, cán bộ chính sách xã Liên Hòa thời kỳ năm 1982-1987 cũng xác nhận: Năm 1985, phòng LĐ-TB&XH huyện Kinh Môn (sau này tách ra lập huyện Kim Thành), có thông báo cho các đối tượng là công nhân, và quân nhân từng tham gia chiến đấu, đi kiểm tra lại sức khỏe.

Sau 15 ngày kể, xã nhận được quyết định của Phòng LĐ-TB&XH huyện chuyển về, thông báo những người bị dừng cấp lương(trong số đó 100% là công nhân vì không đủ 15 năm công tác), không hề có trường hợp nào là quân nhân. Trường hợp của ông Giỏi cũng không nhận được bất cứ giấy báo nào, do vậy ông vẫn được hưởng chế độ từ đó đến nay.

Trong văn bản số 911 có viện dẫn Điều 25 của điều lệ tạm thời số 101-CP, ngày 30/10/1964 của Hội đồng Chính phủ quy định: “Kể từ ngày phục viên, cứ hai năm một lần, quân nhân mất sức lao động được Hội đồng giám định y khoa nơi cư trú khám lại. Căn cứ vào kết luận của Hội đồng giám định y khoa, cơ quan quản lý sẽ quyết định việc ngừng hoặc trợ cấp mất sức lao động”. Theo ông Giỏi, nếu đúng theo hướng dẫn này, ông sẽ bị dừng trợ cấp từ năm 1985, chứ không phải đến tận năm 2008 mới bị dừng.

Kết luận tại văn bản số 911 do Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hải Dương lúc đó là ông Phạm Văn Thuấn ký, có nội dung: “Giao cho các phòng: Thương binh- liệt sĩ và người có công, Kế hoạch-tài chính tham mưu với lãnh đạo Sở quyết định thôi trả trợ cấp bệnh binh và các chế độ ưu đãi khác có liên quan đến chính sách ưu đãi bệnh binh đối với ông Phạm Văn Giỏi kể từ ngày 1/5/2008, mà quên mất rằng quyết định này, đã được Sở này ban hành trước đó hơn 2 tháng.

Ông Giỏi bức xúc cho rằng, từ khi phục viên trở về địa phương cho đến nay, hơn 20 năm ông tham gia chống tiêu cực, vì vậy rất có thể đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc ông bị trù dập???. Đáng chú ý, trong số những người đứng đơn tố cáo ông, đều là những người bị ông tố cáo trước đó.

Đó là ông Bùi Minh Thuần, nguyên cán bộ chính sách xã Liên Hòa, bị  tố cáo chạy tỷ lệ % thương tật từ 23% lên 51%, ăn chặn tiền mẹ liệt sĩ và đã phải trả lại vào năm 2000, ăn chặn tiền của Mẹ Việt Nam anh hùng, ăn chặn tiền trợ cấp của vợ liệt sĩ... Ngoài ra, ông Giỏi còn làm sáng tỏ hàng loạt vụ tiêu cực khác ở địa phương, thu hồi về ngân sách cho Nhà nước hàng trăm triệu đồng.

Bị tạm dừng hưởng chế độ đến nay đã 7 năm, ông Phạm Văn Giỏi đã gửi đơn cầu cứu đi khắp nơi.Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa được các cấp giải quyết dứt điểm. 

Chu Lương

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh