Nhiều mặt hàng nhập khẩu sẽ giảm giá
- Huyệt vị
- 15:46 - 12/10/2015
TPP là đường đi ngắn nhất để đạt lợi ích cao nhất
Chia sẻ với báo chí về mục tiêu của các nước khi tham dự Hiệp định TPP, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, việc tham gia TPP sẽ tạo ra một mô hình mới về hội nhập và hợp tác kinh tế khu vực, tạo thuận lợi hơn nữa cho dòng chảy thương mại và đầu tư và nếu có thể thì biến TPP thành hạt nhân để hình thành một khu vực thương mại tự do chung cho toàn khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
"TPP là đi đường ngắn nhất để đạt lợi ích cao nhất" - Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định. Đó là bởi khu vực thương mại tự do mà TPP tạo ra rất lớn (có tổng GDP hơn 28.000 tỷ USD, chiếm 40% tổng GDP và hơn 30% tổng thương mại toàn cầu), nên các dây chuyền cung ứng sẽ có động lực dịch chuyển về khu vực này, tạo ra lợi thế và lợi ích kinh tế to lớn cho tất cả các nước tham gia. Những nước chưa có quan hệ FTA với Hoa Kỳ như Nhật Bản, Niu Di-lân, Malaysia và Việt Nam đều mong muốn thông qua TPP, để thiết lập FTA với Hoa Kỳ và tiếp cận thị trường rộng lớn này.
Hiệp định TPP sẽ giúp hàng hóa nhập khẩu giảm do xóa bỏ thuế xuất giữa 12 nước thành viên
Trả lời câu hỏi của PV về việc giá hàng hóa có cơ hội giảm như thế nào sau TPP, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, nguyên tắc chung của TPP là đưa thuế nhập khẩu về 0% đối với tất cả các dòng thuế. Với một số ít dòng thuế nhạy cảm nhất, có thể áp dụng hạn ngạch thuế quan hoặc hình thức giảm thuế đáng kể, với điều kiện là phải được cả 11 nước còn lại chấp nhận.
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, sau khi gia nhập TPP, thuế nhập khẩu từ 12 nước thành viên sẽ giảm đi, làm cơ sở để giá giảm. Tuy nhiên, việc giá hàng hóa có giảm trên thực tế hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như sức mua, lạm phát triên thị trường. Bên cạnh đó, với thuế và phí nội địa, TPP không can thiệp vào vấn đề nội bộ quốc gia, do đó Chính phủ các nước vẫn có quyền duy trì các khoản này. “Việt Nam có thể là nước được hưởng lợi nhiều nhất trong số 12 nước tham gia TPP”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhận định.
Liên quan đến câu hỏi của PV về việc doanh nghiệp hiện vẫn thiếu thông tin về TPP, do đó mong muốn Bộ Công Thương và các bộ ngành liên quan tổ chức các cuộc hội thảo chuyên đề cung cấp thêm các thông tin về TPP, Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng cho biết, chưa thể công bố chi tiết các điều khoản, cam kết trong hiệp định do các nước thành viên còn hoàn tất khâu dịch thuật, rà soát pháp lý tại nước mình. Thời điểm công bố chi tiết sẽ được ấn định chung cho cả 12 thành viên, dự kiến ngay nửa đầu tháng này.
Chúng ta đang sống những ngày cảm xúc quá nhiều
Phát biểu tại buổi họp báo thông tin về Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa được Bộ Công Thương vừa tổ chức, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, cố vấn cao cấp cho đoàn Việt Nam đàm phán TPP cho rằng, Việt Nam có nhiều cơ hội nhưng cơ hội không tự nó không thành lợi ích hay sức mạnh trên chiến trường. “Thách thức là sức ép trực tiếp và tuỳ thuộc vào khả năng của chúng ta là điều đáng chú ý, nếu như không nhấn mạnh điều này chúng ta sẽ vỡ mộng hoặc bi quan. Cơ hội xuất khẩu là có nhưng quan trọng Việt Nam có tận dụng được không", ông Tuyển nhấn mạnh.
Chia sẻ tại buổi gặp mặt báo chí của Bộ Công Thương, ông Tuyển cũng bày tỏ lo ngại rằng các doanh nghiệp sẽ đối mặt với sức ép cạnh tranh lớn. Trong đó, có những doanh nghiệp sẽ chết, có doanh nghiệp trưởng thành.
Dẫn chứng về vấn đề này, ông Trương Đình Tuyển cũng cho biết, nhiều công bố cho thấy nhờ TPP, xuất khẩu và tăng trưởng GDP của Việt Nam tăng mạnh là không sai nhưng không phản ánh biến động, thái độ của Chính phủ và phản ứng của Việt Nam.
Ông Tuyển cũng chia sẻ, chúng ta sống cảm xúc quá nhiều, giống như gia nhập WTO, sống trong trào lưu cảm xúc đến nỗi có những cuộc đi bộ để ăn mừng. "Tôi nói rằng đó là vớ vẩn. Việt Nam từng thắng một trận bóng đá đã tung hô chiến thắng đó nhưng thua một trận lại chê bai", ông Tuyển so sánh.
Trong khi đó, theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, cũng như các hiệp định FTA khác, Hiệp định TPP còn có nhiều quy định liên quan đến thương mại và đầu tư như quy định về các hàng rào kỹ thuật trong thương mại, các biện pháp kiểm dịch động thực vật và vệ sinh an toàn thực phẩm, các quy định về hải quan và tạo thuận lợi cho thương mại, các quy định về môi trường đầu tư, về bảo hộ đầu tư. Trong đó, có việc cho phép nhà đầu tư được kiện chính phủ trong một số trường hợp đặc biệt như khi Chính phủ tước đoạt tài sản của nhà đầu tư...
Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng cho biết, sau khi kết thúc đàm phán, Việt Nam sẽ cùng các nước rà soát pháp lý để đảm bảo lời văn và biểu cam kết thể hiện đúng cam kết đàm phán, đồng thời dịch thuật và công bố rộng rãi hiệp định, cố gắng hoàn thành trong đầu tháng 10/2015. Sau đó, cơ quan quản lý sẽ dành thời gian để tham vấn ý kiến người dân và các doanh nghiệp, tiến hành ký kết hiệp định và thực hiện quy trình thông qua TPP. Dự kiến, thời gian mất từ 18 tháng tới 2 năm.