THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 12:40

Nhiều lao động chới với khi bị sa thải tuổi xế chiều

Bấp bênh tuổi xế chiều

Trong căn phòng trọ khoảng 10m2, vợ chồng anh Nguyễn Lương Bằng (SN 1978, quê ở Nghệ An) - là công nhân làm việc ở Công ty TNHH PouYuen hơn 7 năm đượm buồn nói: Mới đây cả 2 vợ chồng tôi đều nằm trong danh sách cắt giảm. Mất việc, nguồn thu nhập nuôi sống gia đình nhỏ của hai vợ chồng, 2 con và lo cho ba mẹ già ở quê đột ngột đứt.  

“Mặc dù rất buồn nhưng mình cũng không thể trách doanh nghiệp được vì từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay tình hình kinh doanh rất khó khăn nhưng doanh nghiệp vẫn luôn cố gắng duy trì mọi chế độ cho người lao động”, anh Bằng chia sẻ. 

Từ ngày thất nghiệp, vợ chồng anh Bằng tìm công việc thời vụ để có tiền trang trải qua ngày.

Từ ngày thất nghiệp, vợ chồng anh Bằng tìm công việc thời vụ để có tiền trang trải qua ngày.

Chia sẻ về dự định sắp tới của 2 vợ chồng, anh Bằng cho biết, trước mắt 2 vợ chồng sẽ tìm công việc thời vụ để có tiền trang trải qua ngày, chờ kinh tế ổn định rồi nộp hồ sơ vào các công ty may mặc để xin việc. 

Tương tự vợ chồng anh Bằng, chị Nguyễn Thị Hoa (quê Hà Tĩnh) bị công ty cho nghỉ việc từ đầu năm 2023, khi chị 45 tuổi và có thâm niên hơn 20 năm. Khi nhận quyết định sa thải từ công ty chị Hoa mất ăn mất ngủ cả tuần.  

Những tháng qua chị Hoa đi xin việc khắp nơi, nhiều bộ hồ sơ đã nộp vào các công ty may mặc nhưng không nhận được hồi đáp gì. Vì xin nhiều nơi nhưng không có công việc đúng tay nghề nên nay chị nhận dọn dẹp, vệ sinh nhà theo giờ cho những người có nhu cầu.

Công việc này mỗi tháng chị thu nhập khoảng 5 - 8 triệu đồng, với thu nhập cơ bản cũng đủ để chị trang trải cho bản thân và gửi tiền về quê đóng học phí cho con. 

Gian nan bám trụ lại thành phố 

Làn sóng cắt giảm đơn hàng, sa thải lao động ở các doanh nghiệp tăng mạnh, nhiều người tìm đến xe ôm công nghệ như một giải pháp trong bối cảnh kinh tế suy thoái. Tuy nhiên, nhiều tài xế cho biết, đây cũng là lựa chọn bấp bênh không kém.   

Anh Đỗ Xuân Lý (50 tuổi, quê Quảng Nam) chia sẻ, trước đây anh làm bảo vệ công trình xây dựng với mức lương hơn 10 triệu đồng/tháng. Từ đầu năm đến nay do công ty không có dự án mới nên anh bị sa thải.

Anh Đỗ Xuân Lý cho biết, thu nhập từ chạy gram rất bấp bênh, tiền kiếm được chỉ nuôi sống bản thân, không đủ nuôi sống vợ và con.

Anh Đỗ Xuân Lý cho biết, thu nhập từ chạy gram rất bấp bênh, tiền kiếm được chỉ nuôi sống bản thân, không đủ nuôi sống vợ và con.

Nhiều tháng nay anh Lý đến các doanh nghiệp trong khu Vsip (Bình Dương) để xin việc làm nhưng công ty nào cũng không nhận với lý do đang cắt giảm lao động. 

Grab vừa thông báo sẽ sa thải hơn 1.000 nhân viên - khoảng 11% lực lượng lao động của hãng. Đây được xem là đợt cắt giảm nhân sự quy mô lớn nhất của Grab kể từ sau đại dịch Covid-19.

Để có tiền trang trải qua ngày, anh Lý đã đăng ký chạy grab, khi mới bắt đầu chuyển sang chạy grab, tài xế 50 tuổi vẫn kỳ vọng đây là công việc có thể cứu nguy cho mình sau khi thất nghiệp. 

Dắt xe ra khỏi nhà trọ từ 5h sáng, đến 21h tối mới về phòng trọ, mỗi ngày ‘cơm đường cháo chợ” anh Lý thu nhập chỉ khoảng 250 - 300 nghìn đồng. 

"Khi chưa chạy grab cứ nghĩ mỗi ngày thu nhập cũng được 400 - 500, tuy nhiên khi chuyển sang chạy grab đến nay mỗi ngày cùng lắm cũng chỉ kiếm được khoảng 300 nghìn đồng, có những ngày chỉ hơn 100 nghìn đồng", Lý nói và lý giải nguyên nhân là do nhiều tài xế mới xuất hiện, lượng khách đi ít hơn, thu nhập cũng theo đó mà giảm sút. 

Tương tự anh Lý, anh Nguyễn Văn Hùng (47 tuổi, quê Quảng Bình) khuôn mặt cháy nắng, làn da ngăm đen do nhiều ngày chạy grab giữa trời nắng, anh chia sẻ: "Nghe mấy người bạn bảo chạy grab thu nhập khoảng 15 triệu đồng/tháng, nhưng mới chạy được thời gian mà thấy thấp quá".

"Làm việc vất vả, nhưng tiền kiếm được chỉ nuôi sống bản thân, không đủ nuôi sống vợ và con nhỏ. Nếu chọn chạy grab là nghề chính chắc không bám trụ nổi ở thành phố", anh Hùng trải lòng thêm.

Trò chuyện với phóng viên, đa số người lao động cho hay bản thân sẽ bám trụ đến khi nào cảm thấy không còn chịu được nữa. Nếu làn sóng sa thải "ập" đến cùng lắm thì họ sẽ về quê rồi tính tiếp.

XUÂN TRƯỜNG

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh