Tư vấn việc làm, dạy nghề cho người lao động
- Bài thuốc hay
- 19:00 - 03/08/2023
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai đã tổ chức 9 sàn giao dịch việc làm với sự tham gia của trên 180 lượt DN và trên 3,6 ngàn NLĐ. Kết quả, đã tư vấn việc làm cho trên 2,5 ngàn lượt người và tiếp nhận hơn 2 ngàn hồ sơ.
Trung tâm đã kết nối 33 DN có nhu cầu tuyển dụng khoảng 3 ngàn lao động thất nghiệp có việc làm ổn định. Bên cạnh đó, tư vấn việc làm cho gần 40 ngàn lượt lao động, giới thiệu việc làm cho hơn 4,6 ngàn lượt NLĐ.
Hiện, bên cạnh những lao động thất nghiệp sớm tìm lại việc làm, nhiều người sau khi hưởng trợ cấp thất nghiệp vẫn đang chật vật đi tìm việc. Nguyên nhân chính là NLĐ rào cản tuổi tác, tay nghề và chưa có việc làm phù hợp. Ngoài ra, khi có việc làm phù hợp, DN lại ở địa bàn xa, không thuận lợi cho việc đi lại để làm việc. Nhất là những lao động ngoài 40 tuổi lại càng khó khăn hơn nếu không có tay nghề vững vàng.
Để NLĐ tìm được công việc phù hợp và đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các DN, trung tâm đã tư vấn, khuyến khích NLĐ đăng ký học nghề để có nhiều lựa cho công việc. Song đa số NLĐ đều muốn xin việc làm ngay chứ không muốn học nghề nên tỷ lệ đăng ký học nghề rất hạn chế. Trong khi đó, chính sách ưu việt của bảo hiểm thất nghiệp là NLĐ không chỉ được nhận một khoản trợ cấp sau khi nghỉ việc để bù đắp một phần chi phí mà còn được hỗ trợ học nghề để chuyển đổi mục đích nghề nghiệp, sớm quay lại thị trường lao động.
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai Trần Thị Thùy Trâm cho hay, thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục đẩy mạnh kết nối cung cầu trực tuyến cho NLĐ qua website, Zalo Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai (OA) và tổ chức sàn giao dịch việc làm trực tiếp, trực tuyến phù hợp với đặc điểm của địa phương và đối tượng tham gia để kết nối thị trường lao động. Từ đó, tạo điều kiện cho những người chưa tìm kiếm được việc làm lựa chọn được công việc thích hợp với khả năng để ổn định đời sống và gắn bó lâu dài DN, địa phương. Đồng thời, liên kết, hỗ trợ lao động thất nghiệp học nghề nhằm nâng cao tay nghề, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của DN.
Dự kiến khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động cần trình độ phổ thông khoảng 1,7 ngàn người; sơ cấp, trung cấp và cao đẳng khoảng 5,7 ngàn người; đại học khoảng 5 ngàn người; còn lại là trình độ khác.
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, năm 2020, khi dự án chưa khởi công, Sở LĐ-TBXH đã làm việc với Cục Hàng không Việt Nam về nhu cầu nhân lực. Sau đó, Sở có văn bản đề nghị Viện Khoa học - công nghệ hàng không Việt Nam hỗ trợ xây dựng đề cương và dự thảo Dự án Đào tạo nhân lực hàng không chất lượng cao nhưng đến nay chưa có văn bản trả lời.
Để chủ động việc này, Sở làm việc với các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh và tháng 6/2023, Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 (tại H.Long Thành) đã ký hợp tác với Học viện Hàng không Vietjet (VJAA) đào tạo 4 ngành nghề là: Nhân viên bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay và thiết bị tàu bay; nhân viên điều độ, khai thác bay; nhân viên điều khiển, vận hành thiết bị hàng không; nhân viên khai thác mặt đất. Năm học 2023-2024 sẽ đào tạo khóa đầu tiên.
Ngoài ra, Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 đang hợp tác với Công ty TNHH MTV Kỹ thuật máy bay (trụ sở tại TP. Hà Nội) đào tạo một số ngành trong lĩnh vực kỹ thuật hàng không. Trong năm học này sẽ tuyển sinh các nghề: Kỹ thuật bảo dưỡng máy bay, kỹ thuật sửa chữa cấu trúc máy bay, logistics trong lĩnh vực hàng không.