THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:12

Dạy trẻ khuyết tật kỹ năng sống độc lập

 

Hoạt động của câu lạc bộ Sống độc lập cho trẻ khuyết tật tại Đà Nẵng (ảnh: TT Cung cấp dịch vụ Công tác xã hội Đà Nẵng)


Kỹ năng sống độc lập là những kỹ năng sống giúp con người có khả năng tự mình bảo đảm được những nhu cầu cơ bản để tồn tại mà không cần phụ thuộc vào người khác.

 Đối với trẻ tự kỷ hay trẻ có rối loạn phát triển, kỹ năng sống độc lập là sự đan xen của các kỹ năng. Bao gồm kỹ năng sống hằng ngày, kỹ năng chức năng (như khả năng hoạt động trong một môi trường nào đó ở lớp học, bến xe bus, nhà ăn... mà không cần có sự hỗ trợ đặc biệt nào); kỹ năng giải trí, làm việc, giao tiếp xã hội hay tiếp cận công nghệ (sử dụng điện thoại di động, máy tính...).

Trong mỗi kỹ năng lại được chia nhỏ thành nhiều các kỹ năng khác liên quan. Làm sao để trẻ khuyết tật có các kỹ năng cần thiết để có thể sống độc lập, bà Trương Thị Như Hoa, Giám đốc Trung tâm Cung cấp dịch vụ Công tác xã hội (thuộc Sở LĐ-TB&XH TP. Đà Nẵng) cho biết, dạy trẻ khuyết tật kỹ năng sống độc lập là cả một quá trình. Trẻ cần được học từ các kỹ năng đơn giản nhất như tự chải đầu, vệ sinh cá nhân, vệ sinh thân thể, mặc quần áo, ăn uống, đến các kỹ năng phức tạp hơn. Các kỹ năng sống độc lập sẽ là “thước đo” để cha mẹ nhận ra được mức độ tiến bộ, trưởng thành của con em mình. Theo đó, trẻ có thể tham gia vào các hoạt động có tính chất xã hội như hoạt động sinh hoạt trong gia đình, lớp học, hoạt động giao thông; hoạt động mua - bán; hoạt động vui chơi - giải trí; hoạt động nghề nghiệp... và dần tạo nên khả năng sống độc lập của trẻ.

Tuy nhiên, để làm được những điều này, đó là cả một quá trình thử thách không chỉ đối với bản thân trẻ mà ngay cả những người thân, những người kèm cặp, luôn bên cạnh, giúp đỡ các em cũng cần phải có sự kiên trì, quyết tâm.

“Đã có không ít trường hợp ở cơ sở, cha mẹ trẻ khi nhìn thấy con được các cô dạy lau nhà, dọn dẹp vệ sinh thì phản ứng dữ dội lắm. Có chị còn nói, “Ở nhà con tôi không phải làm gì hết”. Còn có trẻ đã 6 tuổi nhưng vẫn chưa biết mặc quần áo, cài nút áo... Tất cả là do sự bao bọc của cha mẹ trẻ một cách thái quá, mà chính những điều này, càng khiến cho trẻ khó có thể có được những kỹ năng cần thiết để sống độc lập”, cô Phạm Thị Nụ, Cơ sở Giáo dục hoà nhập Ước mơ xanh (Đà Nẵng) chia sẻ.

Cũng theo cô Nụ, đối với trẻ khuyết tật mà nhất là đối với các em bị rối loạn phát triển, thì kỹ năng sống độc lập lại càng có có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với gia đình trẻ, mà cả đối với cộng đồng xã hội. Bởi, kỹ năng giúp các em có thể hòa nhập, biết bảo vệ bản thân mình trước những nguy cơ như tai nạn, bị lạm dụng... tạo nên cuộc sống an toàn, hạnh phúc và hữu ích.

Tại Cơ sở giáo dục hòa nhập Ước Mơ Xanh Đà Nẵng, việc hình thành các kỹ năng sống độc lập cho trẻ rối loạn phát triển được chú trọng ngay từ trẻ có độ tuổi can thiệp sớm. Nội dung giáo dục cũng được thực hiện dưới nhiều hình thức như tổ chức giáo dục kỹ năng sống độc lập qua hoạt động sống hằng ngày: Chăm sóc bản thân; chăm sóc quần áo; làm việc vặt trong nhà; ăn uống (ở lớp, ở nhà, quán ăn, nhà hàng), giao tiếp với người khác (người thân quen, người lạ); tổ chức cho trẻ tham gia các hoạt động xã hội; hướng nghiệp - dạy nghề; hoạt động giáo dục giới tính...

Cở sở này cũng cho biết, nhằm mang lại môi trường giáo dục và thực hành các kỹ năng sống độc lập tốt nhất cho trẻ, thời gian tới cơ sở sẽ xây dựng và đưa vào hoạt động hai mô hình giáo dục là mô hình nhà chuyển tiếp và mô hình nông trại giáo dục. Theo đó, mô hình nhà chuyển tiếp sẽ tạo nên một không gian giống như môi trường tại gia đình trẻ. Trẻ sẽ được học và thực hành tất cả các kỹ năng sống độc lập như một người trưởng thành trong gia đình và cộng đồng, từ việc chăm sóc bản thân, chăm sóc nhà cửa, tham gia các hoạt động trong cộng đồng... Còn mô hình nông trại giáo dục sẽ xây dựng khu trồng trọt và chăn nuôi để trẻ có môi trường trải nghiệm và thực hành.

“Không phải phụ huynh nào cũng có thể nhận thức được đầy đủ tầm quan trọng của việc hình thành khả năng sống độc lập cho trẻ. Chưa kể với thói quen chăm sóc và giúp đỡ con quá nhiều, chưa thực sự hiểu con, đặt sự kỳ vọng quá cao, hoặc có những bậc cha mẹ không tin vào khả năng của con mình... chính là những rào cản gây nên những khó khăn cho việc hình thành khả năng sống độc lập của trẻ.”, bà Trương Thị Như Hoa, Giám đốc Trung tâm Cung cấp dịch vụ Công tác xã hội Đà Nẵng cho biết.

Vì vậy, để thực hiện mô hình sống độc lập cho trẻ khuyết tật trên địa bàn thành phố, Trung tâm Cung cấp dịch vụ Công tác xã hội Đà Nẵng đã phải đặt công tác tuyên truyền về mô hình lên đầu tiên, sau đó mới đến sự tham gia của trẻ, gia đình và các tổ chức cá nhân liên quan với vai trò khác nhau; hình thành CLB sống độc lập cho trẻ khuyết tật trí tuệ tại các quận, huyện; vận hành mô hình tại các CLB sống độc lập và kết nối du lịch, quảng bá giới thiệu sản phẩm. Trong đó, qua khảo sát 215 gia đình có trẻ khuyết tật về trí tuệ trên địa bàn thành phố, có đến hơn 67% gia đình mong muốn được cho con em tham gia vào mô hình sống độc lập này.

Ông Trần Công Nguyên, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP. Đà Nẵng cho biết, đây là mô hình được thành phố rất quan tâm và được Sở Khoa học và Công nghệ phê duyệt làm đề tài khoa học cấp cơ sở của thành phố. Với hiệu quả tích cực trong việc giúp trẻ khuyết tật có những kỹ năng sống cần thiết, ngoài việc nhân rộng mô hình, ông Nguyên cũng cho rằng, cần có sự liên kết giữa các cơ sở, đơn vị hoạt động liên quan nhằm tạo nên một mạng lưới trợ giúp để phát huy thế mạnh của mô hình, đồng thời phục vụ nhu cầu của các gia đình có trẻ khuyết tật trí tuệ trên địa bàn thành phố. 

BÙI MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh