THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:29

Nhiều hoạt động phong phú, đón Xuân với chủ đề “Xuân vùng cao"

Cụ thể, từ 1 - 31/1/2020, "Xuân vùng cao" sẽ diễn ra nhằm giới thiệu không khí nô nức đón xuân đầu năm cùng các nghi lễ, lễ hội, phong tục tập quán, qua đó du khách thêm hiểu những nét văn hóa, các hoạt động truyền thống đón Tết vui xuân đặc trưng của các dân tộc; góp phần bảo tồn, phát huy quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, tăng cường giao lưu giữa các dân tộc, đoàn kết, gắn bó, hỗ trợ cùng phát triển.

Các hoạt động với sự tham gia của khoảng hơn 100 đồng bào của 15 dân tộc (Tày, Dao, Mông, Nùng, Thái, Mường, Ơ Đu, Khơ Mú, Ba Na, Tà Ôi, Cơ Tu, RagLai, Ê Đê, Khmer) với sự tham gia của 12 địa phương, với các điểm nhấn của các địa phương có đồng bào hoạt động hàng ngày (Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Ninh Thuận, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Sóc Trăng).

Điểm nhấn là chương trình "Xuân về trên bản Mường", tái hiện Lễ giải hạn đầu năm của đồng bào dân tộc Tày, Nùng tỉnh Thái Nguyên. Đây là phong tục, hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng dân gian độc đáo của bà con dân tộc Tày, Nùng đã tồn tại từ lâu đời và còn được lưu giữ, bảo tồn cho đến tận ngày nay. Đây là một nét đặc sắc của loại hình văn hóa tín ngưỡng cần được gìn giữ, bảo tồn và phát huy.

Cùng với đó, chương trình giới thiệu nghi thức "Lẩu Then" và khúc hát ngày Xuân. Hát then không những là loại hình văn hóa, văn nghệ đặc sắc mà còn gắn một phần tâm linh trong đời sống xã hội.

Hát Then luôn có sức sống mãnh liệt trong đời sống nhân dân, là niềm tự hào đối với người dân tộc Tày, Nùng… Đi thăm bản làng của đồng bào dân tộc Tày, Nùng đều bắt gặp nghe những làn điệu Then truyền thống. Hòa trong vẻ đẹp của núi rừng Việt Bắc, tiếng đàn tính, những câu Then của đồng bào dìu dặt, hòa quyện trong tiếng gió, tiếng xào xạc của lá rừng… Những làn điệu Then càng tạo thêm vẻ yên bình, nét đẹp văn hóa của đồng bào nơi đây.

Vừa qua, ngày 13/12/2019, Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã ghi danh "Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam" vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.

Ngoài ra, du khách còn được chiêm ngưỡng các hoạt động chuẩn bị, trang trí không gian đón Tết tại các làng dân tộc đang hoạt động hàng ngày; trang trí tiểu cảnh điểm nhấn để du khách chụp hình. Đặc biệt làm nổi bật không khí đón mừng năm mới của các làng dân tộc Tây Bắc (Mường, Thái, Mông, Dao, Tày, Nùng, Khơ Mú, Ơ Đu…), gắn với hoa đào, hoa mận, tăng cường các loại cây hoa, màu xanh của bản làng để thấy được sự no ấm, trù phú của ngày Xuân.

Song song, còn có các hoạt động đón Tết Canh Tý 2020 và Ngày hội "Gói bánh chưng xanh cùng người nghèo ăn Tết"; chúc phúc đầu năm mới và "Bát hội đầu xuân"; hành trì bình khất thực đầu Xuân để mang đến sự may mắn, an lành, tĩnh tâm cho tất cả mọi người.

Khách du xuân được giao lưu các tiết mục văn nghệ và các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống tiêu biểu mang âm sắc mùa xuân; tìm hiểu văn hóa ẩm thực và thưởng thức các món ăn đặc sắc; chương trình du lịch homestay để du khách trải nghiệm tại nhà Mường, nhà Tày và một số nhà dân tộc phong tục đón Tết truyền thống…

Các trò chơi dân gian truyền thống được đẩy mạnh giới thiệu cho du khách như: Ném pao, nhảy sạp, đi cà kheo, kéo co, bập bênh, đánh đu được liên tục sửa sang trang trí để thu hút khách; đồng bào cùng hướng dẫn du khách trải nghiệm để hòa cùng với không khí vui tươi ngày xuân.

Thanh Nhung

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh