THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:15

Nhiều giải pháp giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số

 

Anh Lý Seo Châu (xã Bản Phố, huyện Bắc Hà) đang theo học lớp sơ cấp nghề nông - lâm tại Trường Cao đẳng Lào Cai. Trong thời gian tham gia khóa học, anh được Nhà nước hỗ trợ học phí là 300.000 đồng/khóa, 200.000 đồng chi phí đi lại và mức hỗ trợ tiền ăn là 15.000 đồng/ngày.  Mong ước của anh Châu là tìm được một công việc phù hợp tại doanh nghiệp nào đó ở địa phương để trau dồi thêm kinh nghiệm và hỗ trợ cho công việc sau này.
Cũng như anh Châu, rất nhiều thanh niên dân tộc thiếu số ở Lào Cai đang  được hưởng những chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và tìm việc làmGiai đoạn 2016 - 2018, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã thực hiện chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học nghề cho 3.895 học sinh, sinh viên với tổng số hơn 20 tỷ đồng. Một số chính sách giảm nghèo bền vững với hợp phần dự án đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động, hỗ trợ hệ thống dịch vụ việc làm, vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm được triển khai đồng bộ ở các cấp. Từ đó, nhiều thanh niên dân tộc thiểu số đã phát huy tinh thần xung kích, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn khởi nghiệp và đạt được nhiều kết quả nổi bật. Điển hình như Tẩn Thị Su (dân tộc Mông), Giám đốc Công ty SaPa O’Chau; Nông Văn Lương (dân tộc Giáy), chủ chuỗi nhà hàng, trang trại cá nước lạnh ở Sa Pa; Hà Thị Vân (dân tộc Tày) khởi nghiệp bằng mô hình kinh doanh nhà nghỉ cộng đồng tại xã Tà Chải, huyện Bắc Hà... Toàn tỉnh có 191/4.011 doanh nghiệp có chủ sở hữu là người dân tộc thiểu số, góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 62.500 người.

 
Dạy nghề dệt cho thanh niên dân tộc thiểu số 

Là huyện vùng cao phía Bắc của tỉnh Tuyên Quang, huyện Na Hang có 46.000 người với 12 dân tộc sinh sống, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 89,3%. Công tác giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số được xác định là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xóa đói, giảm nghèo của địa phương.
Để giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số hiệu quả, huyện Na Hang tập trung thực hiện tốt công tác đào tạo nghề, tư vấn, hướng nghiệp; thực hiện tốt các chính sách tín dụng, hỗ trợ việc làm, phát triển kinh tế cho đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đầu năm đến nay, huyện đã mở được 12 lớp đào tạo nghề cho 389 lao động nông thôn, kinh phí gần 791 triệu đồng. 100% học viên đều là người dân tộc thiểu số.
Huyện còn tập trung chỉ đạo các địa phương khai thác hiệu quả tiềm năng thế mạnh để phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Hiện nay, xã Hồng Thái đã xây dựng được 5 ha rau an toàn và 24 ha cây lê. Tại các xã Yên Hoa, Đà Vị, Sinh Long, Côn Lôn phát triển mô hình trồng đậu tương, đậu xanh; mô hình cải tạo chè Shan tại xã Sinh Long, Hồng Thái, Sơn Phú; mô hình nuôi cá lồng trên Hồ thủy điện Na Hang, mô hình nuôi trâu vỗ béo tại xã Năng Khả... Toàn huyện đã phát triển được 3 hợp tác xã nông lâm nghiệp, thủy sản. Các mô hình đã tạo việc làm, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân.
Bên cạnh đó, thông qua các chương trình, dự án hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất, thu nhập của người dân ngày càng được nâng lên. Bằng nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững và Chương trình Xây dựng nông thôn, từ năm 2016 đến nay, toàn huyện đã có 2.704 hộ được vay 14,8 tỷ đồng phát triển kinh tế. Thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất của tỉnh, toàn huyện có 567 hộ vay trên 30,3 tỷ đồng đầu tư mua trâu sinh sản, phát triển mô hình cá lồng…
Về vấn đề tạo việc làm cho thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện chính sách dân tộc cuối năm 2018, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết,  hiện chúng ta có 116 chính sách khác nhau, trong đó có 7 chính sách hỗ trợ thanh niên dân tộc miền núi học nghề và nâng cao trình độ đào tạo từ bồi dưỡng, đến sơ cấp, trung cấp
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, việc liên kết đào tạo với doanh nghiệp  để thực hiện đào tạo nghề theo đơn đặt hàng nếu làm tốt, sẽ là hướng đi đúng đắn để giải quyết việc làm cho thanh niên đồng bào dân tộc trên đại bàn. Chủ trương này thời gian qua đã được thực hiện khá hiệu quả tại Hà Giang và Điện Biên.
Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng, cần thực hiện tốt hai chương trình mục tiêu quốc gia, trong kết nối đầu tư kinh phí cho chương trình này. Chương trình giảm nghèo và đầu tư nông thôn mới cần quan tâm nhiều đến đào tạo nghề, hỗ trợ để có việc làm cho thanh niên; tập trung đổi mới chương trình kết nối doanh nghiệp; đẩy mạnh xuất khẩu lao động cho khu vực đặc biệt khó khăn. Thời gian tới, công tác xuất khẩu lao động cần được quan tâm nhưng phải có sự thay đổi, ví dụ đào tạo dài hơn, yêu cầu trình độ ngoại ngữ thấp hơn, lựa chọn công việc phù hợp, quan tâm đến tâm lý các thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số...

DIỆU NGỌC

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh