THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:13

Cần định hướng nghề nghiệp, việc làm cho thanh niên

Đại đa số thanh niên mong có việc làm

Trình bày báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Long Hải cho biết, đa số thanh niên tin tưởng, đánh giá cao những thành tựu đạt được của đất nước trên các lĩnh vực. Giới trẻ tự hào về những giá trị như bản sắc văn hóa dân tộc. Nhìn chung thanh niên yên tâm, tin tưởng và ủng hộ các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Tuy nhiên, những hiện tượng tiêu cực về văn hóa, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận thanh niên vẫn chưa được ngăn chặn và đẩy lùi. Cùng với sự phát triển của công nghệ, internet nên giới trẻ ngày càng có xu hướng sống thế giới ảo, tính cộng đồng kém. Tình hình tệ nạn xã hội và vi phạm luật trong thanh niên còn nhiều diễn biến phức tạp. Tình trạng bạo lực học đường trong lứa tuổi học sinh trung học còn tiếp diễn phức tạp, có những vụ việc gây bức xúc trong dư luận.

Ông Nguyễn Đắc Vinh phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Các vấn đề thanh niên mong muốn được giải quyết, đó là nạn chạy chức chạy quyền; tình trạng suy thoái đạo đức của cán bộ, đảng viên; thất nghiệp, thiếu việc làm; tệ nạn xã hội; nạn sản xuất hàng giả; ô nhiễm môi trường; tình trạng vi phạm pháp luật trong thanh thiếu niên, bạo lực học đường, cải cách giáo dục. Thanh niên lo lắng và phải đối mặt với những khó khăn của chính thanh niên trong tìm kiếm việc làm do thiếu kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn và thiếu sự tư vấn về nghề nghiệp, việc làm phù hợp với năng lực bản thân và nhu cầu của thị trường lao động.

Tình trạng tiêu cực trong tuyển dụng ở các cơ quan doanh nghiệp nhà nước, khó khăn về đời sống sinh hoạt tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; thiếu môi trường và điều kiện để thanh niên được rèn luyện và phát huy hết năng lực. Mong muốn của đại đa số thanh niên là được học tập, có việc làm, nghề nghiệp ổn định. Đồng thời, Nhà nước tạo điều kiện để thanh niên tiếp cận nhiều hơn các chính sách hỗ trợ, nhất là các chính sách về học tập, thi cử, việc làm, thu nhập, thông tin, giải trí; hỗ trợ thanh niên tham gia các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh: “Hàng năm, Ủy ban có đánh giá nhu cầu, nguyện vọng thanh niên. Vấn đề lớn nhất thanh niên quan tâm là nghề nghiệp và việc làm. Năm 2015, cả nước giải quyết được 1,63 triệu việc làm cho lao động. Tuy nhiên, qua khảo sát địa phương và tiếp xúc cử tri, sinh viên ra trường không có việc làm, cử nhân, thạc sỹ sau khi tốt nghiệp không có việc làm phải chuyển đổi học nghề, làm lao động phổ thông, các cơ quan đang tinh giảm biên chế… Vì thế, cần tính lại, cơ cấu ngành nghề và hướng thanh niên học nghề kỹ thuật; cần phân luồng và định hướng cho các gia đình và thế hệ trẻ để tránh lãng phí”.

Nhiều trăn trở về thanh niên...

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm chia sẻ: Thanh niên là lực lượng nòng cốt để phát triển đất nước. Đại đa số thanh niên sống có hoài bão, lập trường tư tưởng, quan điểm phù hợp với yêu cầu của Đảng, làm tròn vai đội dự bị, cánh tay nối dài của Đảng. Nhưng vẫn còn nhiều trăn trở, còn nhiều vấn đề thanh niên lo lắng, đó là học nghề, việc làm, tiếp cận các dịch vụ xã hội. Thanh niên muốn được học tập, lao động, cống hiến và được ghi nhận.

Thanh niên cần được tư vấn, định hướng nghề nghiệp để tránh lãng phí.

“Tỉ lệ thất nghiệp chung của thanh niên không cao, nhưng những người được đào tạo bài bản lại thất nghiệp nhiều. Có những thời điểm, trên 300.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp. Rất nhiều người quay lại học nghề, đi giúp việc gia đình, bán trà đá… Họ đã tự bươn chải, tự đi làm để không ăn bám, đó là điều tốt nhưng chúng ta cần trăn trở. Tại sao thanh niên học cao mà vẫn thất nghiệp. Chúng ta chưa xoay chuyển được tâm lý, nhận thức xã hội: Sính bằng cấp. Ai có bằng cấp càng cao càng được trọng vọng. Có bằng cấp cao là tốt, nhưng lại không gắn được với thực tiễn, cứ miễn vào được đại học là tốt, việc làm sau ra trường không quan tâm. Vì thế, cần thay đổi nhận thức của cả cộng đồng”- Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cho hay.

Hiện nay, hầu hết học viên cao đẳng nghề ra trường có việc làm và có thu nhập ổn định đúng chuyên ngành, hoặc chỉ chờ việc thời gian ngắn. Thậm chí, đang học năm thứ 2 nhưng nhiều học viên đã được các nhà máy nhận, năm thứ 3 đã được nhận lương. Thuận lợi về công việc, nhưng có thực tế, nhiều học sinh khi vào các trường học nghề là không dám gặp bạn bè học tại các trường đại học vì tự ti, cho rằng mình kém cỏi. Hệ thống tư vấn, hướng nghiệp có từ Trung ương đến cơ sở, nhưng thanh niên thiếu thông tin. Học hết lớp 12, thanh niên bơ vơ không biết nên chọn ngành nào, trường nào, lại a dua đăng ký dự thi theo bạn bè.

Thanh niên tiếp cận các dịch vụ xã hội cũng là một vấn đề cần được quan tâm. Thực tế nhiều thanh niên thiếu vốn để khởi nghiệp. Thanh niên yếu thế, đặc biệt là thanh niên khuyết tật vẫn chịu nhiều thiệt thòi. Tỷ lệ thanh niên khuyết tật được đi học nghề, học lên cao gặp nhiều khó khăn. Tổ chức dạy nghề cho thanh niên khuyết tật làm đại trà, không làm cụ thể nên hiệu quả không cao, dù chính sách, nguồn lực đều được quan tâm bố trí.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm, tập hợp thanh niên hiện gặp nhiều khó khăn. Việc tập hợp thanh niên mới chỉ thực hiện được ở các cơ quan nhà nước, trường học, khối lực lượng vũ trang, doanh nghiệp nhà nước, còn lại hầu hết thanh niên không tham gia vào các tổ chức nên không tiếp cận được với họ, không hỗ trợ, giúp đỡ. Đây cũng là lý do khiến một bộ phận thanh niên có nhận thức thấp, bị rủ rê vào tệ nạn xã hội... Hiện cả nước có khoảng 200.000 người nghiện ma túy, đặc biệt là nghiện ma túy tổng hợp trong giới trẻ đang gia tăng. Ra đường, vẫn nhìn thấy hình ảnh thanh niên tham gia giao thông càn phá, đua xe chen lấn,... 

ĐỨC THỌ/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh