CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:32

Nhận thức về văn hóa đã đi sâu vào ngõ ngách của đời sống

Theo báo cáo của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2020 đã thu được nhiều kết quả, tác động tích cực đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần thực hiện dân chủ ở cơ sở, ổn định chính trị, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống các tệ nạn xã hội, sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đã có chuyển biến tích cực, đạt kết quả quan trọng. 

Trong đó, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" đã được mở rộng và đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực. Bên cạnh đó, các hoạt động văn hóa, văn nghệ diễn ra sôi động, đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ đa dạng của công chúng. Sản phẩm văn hóa, văn học nghệ thuật ngày càng phong phú, đa dạng, tăng đáng kể về số lượng, chất lượng; đã và đang hình thành thị trường sản phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật, khoa học, công nghệ. Xã hội hóa hoạt động văn hóa ngày càng được mở rộng, góp phần đáng kể vào việc xây dựng các thiết chế văn hóa…

Có thể nói, văn hóa đã trở thành một nội dung quan trọng trong các hoạt động của cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp, từng bước gắn bó chặt chẽ với các nhiệm vụ kinh tế, xã hội. Nhận thức rõ hơn trong việc gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quốc phòng - an ninh, đối ngoại với phát triển văn hóa và xây dựng con người. Vì thế, những năm gần đây, vai trò của văn hóa góp phần vào sự phát triển bền vững đã và đang được khẳng định.

Nhận thức về văn hóa đã đi sâu vào ngõ ngách của đời sống - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Nhận thức về văn hoá đã đi sâu vào ngõ ngách của đời sống. Ảnh: VGP/Đình Nam

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, 10 năm qua, việc thực hiện Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2020 đã đạt những kết quả tích cực. Nhiều lĩnh vực văn hóa đã có thể lượng hóa được bằng số liệu để nhìn nhận rõ sự phát triển, thay đổi chứ không chỉ là những nhận định cảm tính. 

Phó Thủ tướng cũng chỉ ra, đối với nhận định văn hóa đọc đang đi xuống thì trong năm 2019, ngành thư viện ghi nhận hơn 47 triệu lượt người đến các thư viện công cộng (so với 19 triệu người của năm 2009). Ngành xuất bản có bước tiến mạnh mẽ, tăng trưởng bình quân hàng năm từ 15 - 20% về số bản sách, từ 8 - 10% về số đầu sách, 10 - 15% về trang in. Sự phát triển đa dạng của hệ thống thư viện, phòng đọc tư nhân…

Cũng theo Phó Thủ tướng, từ báo cáo của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng cho thấy, số người, gia đình tham gia tập thể dục, tham gia vào các hoạt động văn hóa, thể thao tăng lên nhiều. "Ngay trong phong trào xây dựng nông thôn mới, việc người dân tích cực hiến đất, đóng góp tiền của, công sức cũng là một tiến bộ rất lớn về văn hóa", Phó Thủ tướng cho biết.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, thời gian tới, ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch cần đẩy mạnh chuẩn hóa các tiêu chí, xây dựng phương pháp lượng hóa làm cơ sở để đánh giá, định hướng xã hội trước các vấn đề văn hóa, đạo đức. Đặc biệt, Phó Thủ tướng nêu rõ nhận thức trong xã hội về văn hóa được nâng lên, trước hết là trong hệ thống chính quyền các cấp. Nhận thức về văn hóa trong xã hội đã nâng cao, đi sâu vào ngõ ngách của đời sống từ văn hóa công sở, văn hóa doanh nghiệp đến văn hóa gia đình, cộng đồng, làng xã.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng nhận xét, đó đây trong toàn hệ thống và xã hội, văn hóa vẫn chưa được coi trọng đúng mức. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa dành đủ thời gian chỉ đạo, nguồn lực cho văn hóa mà vẫn chạy theo sức ép tăng trưởng kinh tế. "Nơi nào nói nhận thức đủ rồi nhưng thực hiện chưa tốt có nghĩa là nhận thức chưa thực sự sâu sắc", Phó Thủ tướng nói.

Bên cạnh đó, sự thụ hưởng của người dân đối với các loại hình văn học nghệ thuật, tham gia vào sáng tác, phổ biến cũng hơn trước rất nhiều. Bên cạnh hệ thống thiết chế văn hóa do Nhà nước đầu tư, các doanh nghiệp và nhân dân rất tích cực tham gia phát triển các thiết chế văn hóa xã hội hoá. Nhiều chỉ số thành phần trong Chỉ số phát triển con người của Việt Nam như giáo dục, khoa học, văn hóa cao hơn so với nhiều nước cùng trình độ phát triển. Không chỉ mang văn hóa Việt Nam ra nước ngoài, đem những giá trị, sản phẩm văn hóa thế giới đến Việt Nam mà hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật của Việt Nam cũng đã tiếp thu, Việt hóa nhiều điểm mới của thời đại, của các nước với tốc độ nhanh hơn trước.

Theo Phó Thủ tướng, tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây của ngành du lịch (năm 2019, ước đạt 18 triệu lượt khách quốc tế) không thể thiếu sự đóng góp của văn hóa, con người Việt Nam với sự thân thiện, mến khách, cùng nhiều di sản đặc sắc, độc đáo đang được gìn giữ, phát huy, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Bên cạnh đó vẫn còn không ít thách thức trong bảo tồn, phát huy giá trị các di sản. Phó Thủ tướng cho biết, chúng ta không thể giữ nguyên tất cả di sản mà không khai thác, phát triển kinh tế hợp lý nhưng nếu phát triển kinh tế mà phá hỏng di sản thì sẽ có lỗi rất lớn.

Trước độ mở và sự phát triển ngày càng nhanh của khoa học công nghệ, không gian mạng đang ảnh hưởng ngày càng lớn đến tư duy, suy nghĩ của thế hệ trẻ, đặt ra những yêu cầu rất mới trong phát triển con người, Phó Thủ tướng cho rằng phải nhìn nhận rất nghiêm túc vấn đề này trong xây dựng chiến lược phát triển văn hóa 10 năm tới. 

"Phát triển văn hóa phải tuyên truyền, thuyết phục, vận động phát huy sáng tạo cá nhân, dân chủ nhưng phải đi liền với pháp luật, kỷ cương, nhất là phải làm gương. Trước hết từ bộ máy Đảng, chính quyền, các bộ, ngành, từ cao xuống thấp. Cán bộ phải làm gương trước người dân. Người lớn làm gương cho con trẻ", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

DUY LINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh