CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 03:06

Nhạc sĩ Tôn Thất Lập: Đấu tranh bằng âm nhạc - một thời để nhớ

 

Sinh ra và lớn lên ở đất cố đô Huế, nhạc sĩ Tôn Thất Lập ngay từ nhỏ đã được đắm mình trong những giai điệu âm nhạc truyền thống của ca Huế. Niềm đam mê, tình yêu âm nhạc vì thế sớm nảy nở trong tâm hồn vốn nhạy cảm của ông. Đầu những năm 60 của thế kỷ trước, khi còn đang là sinh viên ông đã có nhiều ca khúc trữ tình lãng mạn, được nhiều người biết đến, như: “Những con đường nhỏ”, “Tiếng hát về khuya”

Ngay trong giai đoạn khởi đầu dấn thân vào con đường âm nhạc, ông đã có tập ca khúc “Phố ca”, gây được ấn tượng trong lòng công chúng yêu âm nhạc cố đô Huế thời ấy. Hầu hết những ca khúc mà ông sáng tác trong giai đoạn này, đều phảng phất âm hưởng âm nhạc dân gian xứ Huế. Nhưng, ca từ của ông đã bắt đầu có xu hướng đi sâu khai thác về thân phận con người, về tình yêu lứa đôi với nhiều cung bậc cảm xúc đan xen đồng hiện giữa hạnh phúc và khổ đau, giữa ngọt ngào và cay đắng…

Những ca khúc của ông vì thế chiếm được cảm tình của công chúng, nhất là thanh niên học sinh, sinh viên. Họ tìm thấy trong âm nhạc của ông sự đồng cảm, chia sẻ với thân phận con người, yêu thương con người một cách chân thực và sâu sắc. Tuy nhiên giai đoạn sáng tác trữ tình lãng mạn, hào hoa này của ông cũng dần tạm lắng xuống, để nhường chỗ cho những cung bậc cảm xúc mới mẻ hơn, mạnh mẽ hơn, dũng khí hơn, hào sảng hơn. Đó là những năm tháng đánh dấu sự dấn thân của ông trong tranh đấu vì hòa bình và thống nhất đất nước, với những ca khúc tràn đầy niềm tự hào, tự tôn dân tộc sâu sắc.

 Trước 1975, ca khúc "Hát cho dân tôi nghe" của nhạc sĩ Tôn Thất Lập luôn vang lên trong những cuộc xuống đường tranh đấu của học sinh, sinh viên ở khắp các đô thị miền Nam.

Phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” ngay khi hình thành đã có sức lan tỏa rộng lớn, với những cuộc hội thảo, những đêm không ngủ, những cuộc xuống đường phản chiến rầm rộ.Trong đó có những chiến dịch đốt xe Mỹ bằng những chai xăng, của lực lượng thanh niên học sinh, sinh viên các trường đại học ở nhiều đô thị miền Nam thời bấy giờ, khiến cho người Mỹ nhiều phen khiếp sợ. “Hát cho dân tôi nghe, tiếng hát tung cờ ngày nào/ Hát qua đêm thiên thu, lửa cháy trên trại giặc thù/ Hát âm u trong đêm, muôn cánh tay đang dậy lên/ Hát cho anh công nhân xiềng xích như mây tan hoang/ Hát cho anh nông dân bỏ cày theo tiếng loa vang” (Hát cho dân tôi nghe).

Có thể nói, ca khúc “Hát cho dân tôi nghe” của ông khi ấy, giống như lời hiệu triệu không chỉ với thanh niên học sinh, sinh viên mà cả các tầng lớp khác trong xã hội chung sức, chung lòng vùng lên tranh đấu. Đó chính là sức mạnh của phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe”, mà ông với những ca khúc tiêu biểu ấy, được đánh giá là một trong những cánh chim đầu đàn của phong trào.

 Năm 1973 nhạc sĩ Tôn Thất Lập sang Pháp du học và tham gia Đại hội sinh viên Việt Nam hải ngoại tại Paris (Pháp) năm 1974.

Sau ngày 30/4/1975 nhạc sĩ Tôn Thất Lập về nhận công tác tại Sở Văn Hóa – Thông tìn TP.HCM và tiếp tục sự nghiệp sáng tác âm nhạc của mình. Nhưng, cũng như các nhạc sĩ cùng thời phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” khác, những ca khúc của ông trong thời kỳ hòa bình và dựng xây đất nước, đã mở ra một hướng đi mới vừa sôi động, vừa trữ tình, sâu lắng. Ông vẫn tiếp tục sở trường viết tình ca như thuở ban đầu đến với âm nhạc, nhưng những tình khúc của ông ở giai đoạn này nhiều suy tư trăn trở hơn thời “Phố ca” của thập niên 60, thế kỷ 20. Hầu hết những tình khúc trong giai đoạn này, cái tôi trữ tình dường như đã được hòa quyện vào tình yêu đất nước, con người một cách đầy chia sẻ, đầy trách nhiệm công dân của một nhạc sĩ vốn có trái tim nhạy cảm với thế sự thời cuộc.

Nhiều nhạc sĩ nhận xét, sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Tôn Thất Lập trải qua nhiều giai đoạn khác nhau và trong mỗi giai đoạn ấy, sự rung cảm và kỹ năng sáng tác của ông cũng có những sự đổi thay khác nhau. Nhưng tất cả các ca khúc của ông, dù ở thời điểm nào cũng  luôn mang một phong cách cá tính sáng tạo rất đặc thù, đầy tâm huyết. Những tình khúc của ông viết trong vòng 40 năm trở lại đây, cho thấy năng lực sáng tạo âm nhạc của ông thật sung mãn, với sự ra đời hàng loạt tác phẩm được công chúng yêu âm nhạc cả nước yêu thích.

Đó là những tình khúc như: “Tình ca mùa xuân”, “Tình ca tuổi trẻ”, “Trị An âm vang mùa xuân”, “Mưa thì thầm”, “Oẳn tù tì”, “Cô bé dễ thương”, “Tình yêu mãi mãi…Tất cả những ca từ trong tình khúc của ông được viết khá chau chuốt, gạn lọc chắt chiu, nhưng không cầu kỳ, khó hiểu. Có thể nói, tình khúc của ông tràn đầy sự say đắm, nhưng không bi lụy, rất lãng mạn hào hoa, thật trẻ trung sôi động và mãnh liệt. Vốn là một sinh viên văn khoa, ca từ trong các ca khúc, nhất là những ca khúc trữ tình của ông luôn lấp lánh chất thơ sâu lắng, giàu cảm xúc làm xao động lòng người nghe bao thế hệ.

Lương Định/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh