THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 05:11

Nhạc sĩ Trần Long Ẩn: Một đời "Xin làm người hát rong"

Đó chính là anh SV Đại học Văn khoa Sài Gòn – Đoàn Công Nhân - nhạc sĩ Trần Long Ẩn hôm nay - một người con đất võ Bình Định, nổi tiếng với hàng loạt ca khúc: “Người mẹ Bàn Cờ” (thơ Nguyễn Kim Ngân); “Tình đất đỏ miền Đông”; “Một đời người, một rừng cây”; “Đi qua vùng cỏ non”; “Mừng tuổi mẹ”; “Đêm thành phố đầy sao” và “Xin làm người hát rong”…

Những năm đầu thập niên 1970 của thế kỷ trước, trên khắp các nẻo đường, khắp các sân trường đại học, các nhà máy, xưởng thợ, khu chợ, bến tàu… Sài Gòn thường xuyên nổ ra những cuộc bãi khóa, đình công, bãi thị, hội thảo, xuống đường tranh đấu đòi quyền dân sinh, dân chủ của HSSV, thợ thuyền, tiểu thương... Đặc biệt là lời ca tiếng hát của HSSV luôn vang lên trong những “đêm không ngủ”, “đêm đốt lửa căm thù” đòi trả tự do cho những người bạn bị bắt. Tất cả những cuộc tranh đấu với khí thế sục sôi ấy, đã thúc giục trái tim chàng SV Đại học Văn khoa Sài Gòn – Đoàn Công Nhân vốn có năng khiếu âm nhạc cất lên tiếng hát, với những ca khúc tự anh sáng tác tràn đầy âm hưởng tranh đấu và tình yêu quê hương, đất nước: “Người mẹ Bàn Cờ” (thơ Nguyễn Kim Ngân”; “Hoa lục bình” (thơ Đam San); “Trên đường tranh đấu”; “Hành khúc thành phố”; “Người hát cho phận mình”… Anh hăng say tham gia không biết bao nhiêu buổi hát. Hát cho các phân khoa đại học, các trường trung học, hát cho công nhân các nhà máy, hát cho trí thức, hát cho dân biểu hạ viện, hát cho binh sĩ ngụy quyền, “hát cho người cảnh sát anh em”…

Phong trào học sinh, sinh viên xuống đường tranh đấu chống Mỹ - Ngụy là nguồn cảm hứng sáng tác những ca khúc yêu nước của nhạc sĩ Trần Long Ẩn đầu thập niên 70 của thế kỷ trước

Ngày 17/4/1972, một ngày anh khắc ghi mãi trong tim không bao giờ quên, đó là ngày anh từ giã Sài Gòn, từ giã những đêm trắng “hát cho đồng bào tôi nghe” để đi vào vùng giải phóng, theo tiếng gọi riêng tư và thầm kín nhất của cuộc đời mình. Lên chiến khu anh nhanh chóng hòa mình vào cuộc sống chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh của đồng đội, đồng nghiệp. Ở đây anh được gặp gỡ và được các bạc đàn anh, những người thầy như: Lưu Hữu Phước, Ngô Y Linh, Ngô Đông Hải, Lư Nhất Vũ… nhiệt tình diù dắt, truyền nghề. Anh nói, những năm tháng trong chiến khu vùng giải phóng qủa là khoảng thời gian vàng ngọc, ở đó đã ghi dấu nhiều kỷ niệm, nhiều ấn tượng đẹp đẽ, sâu sắc đối với anh. Tháng 4/1974 anh được chọn ra Bắc để theo học tại Nhạc viện Hà Nội. Đây thực sự là một bước ngoặt lớn trên bước đường dấn thân vào sáng tác âm nhạc của nhạc sĩ Trần Long Ẩn. Nhưng chỉ mới học được 1 năm thì miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, nên ngày 11/5/1975 anh trở về Sài Gòn với tư cách là một cán bộ văn nghệ của Thành đoàn. Công việc những ngày đầu giải phóng thật bề bộn ngổn ngang, nhiều lúc anh phải làm cả việc đi tiếp quản và giữ gìn nhà cửa, nhưng anh và các đồng nghiệp của mình vẫn chia nhau đi đến các giảng đường, nhà máy để nói chuyện về văn nghệ, âm nhạc cách mạng cho HS, SV, cho giáo chức, công nhân và cả văn nghệ sĩ Sài Gòn nghe.

Những năm gần đây với cương vị là Chủ tịch Hội Âm nhạc TP. HCM dù rất bận, nhưng nhạc sĩ Trần Long Ẩn vẫn dãnh thời gian cho sáng tác

 Cuối năm 1975, ngành Ân nhạc Giải phóng tổ chức cuộc thi sáng tác về đề tài thống nhất đất nước, anh tham gia ca khúc “Tình đất đỏ miền Đông”, sau đó được giải A. “Tình đất đỏ miền Đông” ngay lập tức được đông đảo người yêu nhạc đón nhận nồng nhiệt trên cả nước, đánh dấu một sự thành công mới trong cuộc đời sáng tác của Trần Long Ẩn.

Sau “Tình đất đỏ miền Đông” anh có hàng loạt những ca khúc vừa da diết tình cảm, vừa phảng phất tính triết học và tính nhân văn sâu sắc, để lại dấu ấn bền lâu trong lòng người yêu nhạc như: “Một đời người, một rừng cây”; “Đi qua vùng cỏ non”; “Mừng tuổi mẹ”, “Xin làm người hát rong”, “Cây hai ngàn lá” (phỏng thơ Pờ Sảo Mìn”…Với nhạc sĩ Trần Long Ẩn mỗi ca khúc dường như đều gắn với một câu chuyện về những phận người. “Mỗi mùa xuân sang mẹ tôi già thêm một tuổi/Mỗi mùa xuân sang ngày tôi xa mẹ càng gần”. Những lời tri ân thiết tha là chất kết dính đã gắn bài hát “Mừng tuổi mẹ” với dịp lễ Vu lan hàng năm.

Càng về những năm gần đây âm nhạc của Trần Long Ẩn càng khắc khoải về thân phận con người. Bởi thế, anh tự nhận cả đời không làm gì ngoài “hát rong”, tự nguyện “làm người hát rong để cho tình yêu lên tiếng”, để cuộc sống luôn đầy ắp tình người. Với anh, được sống, được sáng tác, được hát tặng cho bạn bè, người thân, quê hương, đất nước là niềm vui, hạnh phúc lớn nhất.

Lương Định/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh