THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 01:02

DÂN BIỂN

Nhà văn Thu Loan

Đã xuất bản các tập thơ: “Một thời trăng” (1997), “Sứ giả” (2006); các tập văn xuôi: “Sương làng chưa tan” (tập truyện ngắn, 2008), “Một ngày của ký ức” (tập truyện ngắn, 1999), “Núi rừng cưu mang” (truyện vừa, 2001), “Cuốn trong dòng lũ” (tiểu thuyết, 2001), “Giữa cõi âm dương” (tiểu thuyết, 2004). Tác giả còn xuất bản một số cuốn sách về văn hóa, có tác phẩm trong nhiều tuyển tập. Nhà văn đã được trao nhiều giải thưởng Văn học và báo chí. 

Xin giới thiệu một truyện ngắn của Thu Loan mới gửi tới cộng tác với Báo LĐ&XH

 

 

Dũng là cháu rể bên vợ tôi. Tôi chưa biết mặt chỉ nghe bố vợ kể Dũng làm nghề biển. Cách đây gần chục năm, bố vợ tôi về quê, đi khắp lượt thăm họ hàng con cháu. 

Ông khen Dũng giỏi, lấy vợ mười năm làm được nhà hơn 30 mét vuông. Còn thiếu phòng khách, sân, công trình phụ. Từ từ có tiền làm tiếp. Tôi tò mò không biết Dũng thế nào mà mỗi lẫn nhắc, bố vợ đều gật gù: “Cái thằng, dân biển thứ thiệt!”. Thi thoảng, ông cao giọng tự hào:“Lũ bay uống rượu với nó khác gì gián uống dấm!”. (Trong mắt bố vợ, tính chất đàn ông được đo bằng khả năng uống rượu).

          Mãi bây giờ, tôi mới gặp Dũng.Tôi đang ngồi đọc báo, nghe dây xích ngoài cổng kêu loảng xoảng. Rồi thì Ngà, cháu vợ tôi tay xách nách mang mấy gói, mấy bọc, ló đầu vào chào “dượng”. Theo sau là một thanh niên cao to, mặc áo cộc, da đen cháy, bắp tay nổi vồng, cười phô hàm răng trắng lóa. Cậu ta xách bao gạo nặng trịch, lẳng vào góc nhà. (Trời ơi! Có phải như thời tem phiếu đâu, thấy khách đến nhà là lo tiền mua gạo! Bây giờ còn mong có khách để vui, để bù khú, để ấm áp thêm tình máu mủ ruột rà.Người ta ăn những món gỉ món gì, thiết tha đâu đến cơm!).

Tôi đoán ngay là Dũng. “Con là Dũng đây. Dượng nghe tên con bao giờ chưa?”. Ngà lừ mắt: “Rõ thật. Để thư thư xem dượng đoán ra ai không. Chưa chi đã khai báo. Ông này ruột để ngoài da dượng ạ. Không giấu gì lâu được.”. Dũng cười hì hì. “Phàm cái gì để lâu là bí. Bí chỗ này bung chỗ kia. Có khi sinh bệnh dượng à”. Chưa gì tôi đã mến Dũng, thấy như thân quen lâu ngày. Dũng ngắm dáng hình tôi nhỏ bé, gầy gò, cười ha hả: “Chà! Hồi nhỏ dượng bú sữa chuột sao?”. “ Tao bú sữa chuột thì mày bú sữa voi chắc”? “ Vâng. Con bú sữa voi nhưng chắc chắn thua dượng bú sữa chuột rồi. Hôm nào đi biển với con một chuyến coi biển, coi nghề đánh bắt cá nghen dượng”.

Chuyện tuôn ra, xen lẫn tiếng cười rổn rẻng. Mấy lần Ngà đập vai chồng nói vặn nhỏ volum không dượng điếc tai. Dũng giật mình hạ giọng nhưng được vài câu lại nói oang oang như cũ. Dũng kể tàu mình mới bị tàu Trung Quốc cố tình va đập. Dũng lách rất nhanh nhưng vẫn dính vài cú. Vỏ tàu bị bể, có chỗ hư hỏng nặng. Trong thời gian sửa chữa, Dũng tranh thủ thăm họ hàng bên vợ - những người chỉ nghe tên chứ chưa khi nào gặp. Chuyện tàu quay vào bờ nghỉ năm ba bữa, có khi cả tháng vì gió bão, vì mùa biển ít cá hoặc tới thời hạn phải quay vào bán cá, lấy thêm nhiên liệu cho chuyến đi mới... là bình thường. Nhưng chẳng lần nào lâu và sốt ruột như lần này. Dũng thở dài thượt: “Tức quá phải đi chơi cho đỡ tức. Không thì ngứa miệng chửi tục. Tụi nó ở xa có nghe đâu, hiểu gì đâu. Tội thân con vợ hứng bẩn lỗ tai dượng ạ”. Tôi gật gù: “Đúng thật. Nghề biển có trăm cái khổ”. Tôi nhớ mấy lần gia đình xúm vào khuyên Ngà bỏ nghề biển vất vả, đầy bất trắc, bỏ làng chài đầy nguy cơ hiểm họa thiên tai. Mỗi khi có bão, cha mẹ vợ con như ngồi trên lửa, đứng trên than. Gió giật sập nhà. Sóng cuốn trôi người. Ngà kể gia đình Dũng làm nghề cá từ đời trước ông cố rồi ông cố, tới ông nội, tới cha Dũng. Mười mấy tuổi Dũng đã theo tàu. Thuộc biển hơn thuộc làng. Quen tàu hơn quen nhà. Làm sao dửt ra được. Có lần Ngà bàn với Dũng mua nhà nho nhỏ trên thị trấn, buôn bán lặt vặt đủ sống. Dũng hỏi “Tôi làm gì?”. “Anh không cần làm gì.”. “Tôi là thằng đụt, thằng đui, thằng què, thằng đần à?”. “Anh ở nhà trông hai đứa nhỏ học. Dạy chúng ăn nói lễ phép. Từ đầu làng đến cuối làng biển, ai cũng nói năng chỏng lỏn, không ngôi thứ, chẳng có trên có dưới.”. “Tôi sợ chúng lớn lên không có dũng khí, không sống cho ra con người chớ ba cái câu thưa ông, thưa bà, thưa anh, thưa chị nhằm nhò gì. Sửa mấy hồi. Dân biển nói cộc nhưng thật”.Vậy là gia đình Ngà vẫn như cũ.

          Gia đình tôi dự định tiếp đãi linh đình. Mồi có sẵn tôm, mực, ghẹ, xìa tươi rói Ngà mang lên. Vợ tôi chiên, xào, hấp... thành ngay những món đặc sản. Nhìn mấy thùng bia Heineiken, Dũng kêu: “Ôi dượng ơi, uống nước giải khát này to bụng, mất công đứng lên ngồi xuống. Dượng kiếm lão rượu gạo cho đủ độ phê”. Cuối giờ chiều, cuộc nhậu mới tàn. Ngà xin phép đưa hai con đến thăm và ngủ lại nhà chị gái. Dũng cười tít mắt: “ Bà cho tôi đi tươi mát tí nghen bà”. Tôi tưởng Dũng đùa, hóa ra đi thật. Tôi chọn quán karaoke sang trọng bậc nhất thành phố. Em trực lễ tân tươi cười ghé vào tôi hỏi nhỏ: “Khách quê lên hả?”. “Cháu anh đó, dân biển chính gốc. Mê chưa?”. Em gật gật nhìn vóc dáng cao lớn, rắn rỏi của Dũng vẻ thích thú. “Chọn cho anh bốn em trẻ nhất, đẹp nhất.”. Bốn em chân dài vừa bước vào thì hai ma men kia đã kéo ngay hai cô gái đẹp nhất về mình. Dũng thấy tôi lừ mắt, liền ghé tai nói nhỏ: “Với con, em nào cũng được. Sứt môi, lồi rốn, chồng bỏ chồng chê... xài tuốt.”. Tôi nghĩ: “Tay này máu thật”. Chúng tôi mở nắp bia bụp bụp, gỡ hết bì nilon bọc đồ mồi, chọn một loạt bài hát. Chúng tôi bay bổng trong cảm giác tưng tưng. Dũng hăng lắm. Tới bài hát mình chọn, cậu đứng dậy, tay giơ cao, hạ thấp, chìa bên trái, vung bên phải, đầu cổ lưng mông đều lắc lư, rậm giựt. Cậu hát chẳng theo cung bậc, nhịp phách nào. “Con chỉ biết một bài nhạc đỏ này thôi à. Mấy thứ nhạc xanh, nhạc vàng con chịu”. Dũng rót bia đầy các ly hò hét zô...zô...zô 100% rồi cũng choàng tay qua vai em út đập lên đập xuống theo nhịp bài hát vẻ sành sỏi, chẳng khác gì dân chơi thứ thiệt. Tôi yên tâm vục đầu vào người cô em ấm áp. Lúc giật mình nhìn sang thì Dũng đã ngáy khò khò, đầu dựa vào tay em út, người xuội lơ chỉ chực tuột khỏi ghế. Em út nhìn tôi cười cười, lắc lắc đầu, chỉ chỉ vào Dũng, xua xua tay ra hiệu bất lực. Tôi kêu nhân viên phục vụ tính tiền. Nhân viên vừa quay lại, Dũng như bừng tỉnh, giành ngay phiếu, cười ngoác miệng với em út: “Chết! Chết! Anh say quá, bỏ rơi em. Em thông cảm nhé”. Cậu rút tiền đặt vào tay em út rồi nhìn con số dưới tờ hóa đơn, trả rẹt rẹt. Tôi bảo: “Mày giả vờ ngủ phải không?”. Dũng cười hề hề: “Con say quá.”. “Đừng xạo. Không thích thì nói tao biết. Còn kêu ôm ẹo làm gì tốn tiền.”. “Vui thôi mà dượng.”.

Chúng tôi đi về. Phố khuya vắng người. Không gian im ắng bỗng giặt mình bởi một dòng thác âm thanh rú rít ầm ầm. Tôi vừa nghĩ “Đua xe” thì trước mắt hiện ra một tốp thanh niên choai choai vừa rú ga hết cỡ, vừa nói cười, hú hét. “Rầm”! Một chiếc xe lao vào người phụ nữ đi xe đạp trước mắt chúng tôi. Hai xe văng hai phía. Tên thanh niên ngã sõng soài liền chồm dậy, dựng xe lên, ngồi tót lên yên, phóng đi. Dũng hét: “Đồ khốn! Mày tông chết người rồi!”. Nhưng cả đoàn xe đã hốt hoảng tăng ga vụt biến. Người phụ nữ nằm bất động, mặt úp xuống đường, máu chảy đầm đìa. Dũng xông lại, đỡ chị ta lên, xem xét khắp lượt rồi nhào ra tìm người giúp. Vài người đi xe máy ngó ngó nghiêng nghiêng rồi phóng vuột đi. Vài lái xe con đi chậm lại dòm dòm cũng phóng đi nốt. Tôi kéo tay Dũng: “Không nhờ được đâu. Ai cũng ngại.”. Dũng nghiến răng trèo trẹo: “ Trời ơi! Loại người gì mà thấy đồng loại chết không cứu.Thôi, con với dượng một tay, đưa ngay đến bệnh viện.”. Cô y tá hỏi: “Ai người nhà?”. “ Tôi - Nguyễn Hoàng Dũng”. “ Tuổi?”. “37”. “Địa chỉ?”. “ Cát Tài, Phù Cát, Bình Định”. “ Ra quầy đóng tiền chụp X quang, siêu âm, thử máu nhé”. Lục túi nạn nhân: không giấy tờ, không tiền. Dũng móc túi mình chạy đến quầy đóng viện phí. Lại chạy về phòng cấp cứu. Mồ hôi chảy ròng. Việc tạm ổn, Dũng kéo tôi đến đồn công an nhờ tìm thân nhân. Tôi làu bàu: “Tự dưng chuốc việc vào thân.”. Dũng buồn buồn: “ Con quen vậy rồi. Trên biển, có người bị nạn, đang làm gì, việc quan trọng mấy cũng bỏ tất. Cứu người là trên hết”.

Về nhà, tôi mệt rã rời, ngủ thiếp luôn. Tỉnh dậy, thấy mặt Dũng tỉnh rụi như chưa hề có sự cố đêm qua. Dũng bảo: “ Gia đình người bị nạn vừa đến gặp con. Họ nói ơn nghĩa này không biết lấy gì trả. Con bảo, chuyện nhỏ. Con thấy việc cần làm thì làm thôi”.  

Buổi chiều, tôi dẫn Dũng ra công viên chơi. Chân trời xuất hiện một vệt ráng đỏ lòm.Tất cả mỏm núi, rừng cây, triền đồi, con suối đều rực lên dưới sắc đỏ quá đậm có phần quái dị. Dũng sững người, kêu: “Chết! Sắp có bão”. “Ở đâu?”. “Vùng nhà con.”. “Sao biết?”. “ Con đi biển nhiều. Nhìn trời, sao, sóng, gió cũng biết đôi chút về thời tiết. Ráng đỏ kia là dấu hiệu sắp có bão lớn. Con phải về thôi. Cột dây, đặt bao cát không thì bão tốc mái, đánh sập nhà như chơi”.Vợ tôi vội vã mua cà phê gửi về quê làm quà. Dũng nói ngay: Con không nhận đâu. Dân biển tụi con không biết uống cà phê. Chẳng biết ngon biết dở. Phí”! Sáng sớm hôm sau, tôi đưa gia đình Dũng ra bến xe. Nhìn chiếc xe chạy về phía biển, lòng tôi nao nao. Từ nay, mỗi lần nghe bản tin thời tiết, tâm trí tôi sẽ khựng lại trước vùng ấy, dõi theo nhiệt độ, mưa nắng trong ngày. Cuộc đời tôi giờ thêm một địa chỉ thương nhớ mới, nơi có những người thân yêu đang sống với muôn ngàn sóng gió trùng khơi. 

                                                                            Pleiku 2014 - 2015

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh