CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 06:55

Nhà văn Đỗ Bích Thúy: “Tôi coi viết văn là việc ở cơ quan”

 

Cuốn tiểu thuyết viết trong 17 ngày 

Tiểu thuyết “Chúa đất” như một sự trở lại của “Người đàn bà miền núi” trong mảng văn học mà Đỗ Bích Thúy đã khẳng định tên tuổi từ “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá”, “Ngải đắng ở trên núi”.

Chúa đất lấy cảm hứng từ truyền thuyết về chúa đất Sùng Chúa Đà ở vùng Đường Thượng (Yên Minh, Hà Giang). Theo dân gian, Sùng Chúa Đà là một thổ ty người Mông hung ác, sống cách nay khoảng 200 năm. Cuộc đời ông gắn liền với sự tích cây cột đá cao gần 2m, chuyên để treo đến chết những ai trêu ghẹo vợ chúa, và vi phạm luật lệ do ông đặt ra (hiện cột đá này được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Hà Giang). Tuy nhiên, đọc tiểu thuyết, người đọc không có cảm giác bị chi phối bởi truyền thuyết, tư liệu. Bằng giọng văn tinh tế, Đỗ Bích Thúy khiến người đọc không muốn rời trang sách khi chưa đọc đến trang cuối cùng, để theo dõi một câu chuyện cuốn hút về tình yêu, về thân phận con người... Nhà văn Đỗ Bích Thúy chia sẻ, đây là cuốn tiểu thuyết viết nhanh nhất của chị, chỉ trong vòng 17 ngày. 17 ngày đúng nghĩa “quần quật”, quên cả ăn quên cả ngủ, nhiều lúc ngồi trong hội nghị cũng tranh thủ viết ra giấy. Để rồi viết xong, chị cảm giác như mình đã bị hút hết sinh lực.

 

Đỗ Bích Thúy trong buổi ra mắt “Chúa đất”.

Nhận xét về những nhân vật trong tác phẩm, nhà văn Sương Nguyệt Minh đã chia sẻ: "Nhân vật của Đỗ Bích Thúy vừa đơn giản, vừa bồng bột. Trong đó, Vàng Chở, bà vợ tư là nhân vật chói sáng với tuổi trẻ và tính ngang ngược, kiêu ngạo. Không được nhắc đến nhiều nhưng tính cách của Vàng Chở lại nổi bật trong cuốn tiểu thuyết. Vàng Chở, người dám đương đầu với cái chết để sống cho bản năng của đàn bà – điều mà những phụ nữ Mông như bà Cả, bà hai, bà ba của chúa đất sống cả đời cũng không làm được. Cùng với nhân vật chúa đất và bà cả, ba nhân vật trong cuốn sách đã làm nên một tiểu thuyết thành công.Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý lại tỏ ra khá thích thú với hai nhân vật là con chim Sùng cắt của Chúa đất và con chó Vàng  của bà Cả. Hai con vật đã được xây dựng thành những nhân vật như một biểu tượng về lòng trung thành và tình yêu vô điều kiện".

Nhà phê bình Bùi Việt Thắng cảm nhận: nếu "Cửa hiệu giặt là" chứng tỏ sự quan sát tinh tế của nhà văn về đời sống phố thị thời mở cửa thì "Chúa đất" thể hiện rõ nét nhất năng lực tưởng tượng của nhà văn. Một truyền thuyết cách nay 200 năm, được phục dựng bằng ngôn từ tiểu thuyết trong một hình hài sinh động, nếu không có sự trợ giúp của trí tưởng tượng mãnh liệt, năng lực hư cấu vượt trội thì liệu tác phẩm để lại được những gì trong lòng độc giả? Nhờ trí tưởng tượng phong phú và mãnh liệt mà Đỗ Bích Thúy đã "dịch chuyển" được truyền thuyết vào thực tại, kéo thời gian từ xa đến gần, biến cái vô hình thành hữu hình”.

Còn theo nhà thơ Hữu Việt, cuốn sách nếu dựng thành phim thì có rất nhiều lợi thế bởi “chất” Mông, cảnh sắc thiên nhiên, con người dân tộc đậm chất trong tác phẩm . Ý kiến này cũng được đạo diễn trẻ Đỗ Thanh Sơn rất đồng tình.

Trước khi là nhà văn, tôi là một người phụ nữ

Rất nhiều độc giả thắc mắc về sự bền bỉ viết lách của Đỗ Bích khi mỗi năm chị đều cho ra mắt một vài cuốn sách.  “Sao Thúy có thể viết một cuốn tiểu thuyết trong 17 ngày, trong khi cuốn tiểu thuyết tôi viết cách đây 7 năm vẫn còn đang dang dở, cứ mở ra rồi lại gập vào. Mà Thúy vẫn rất chỉn chu trong việc chăm sóc chăm sóc gia đình và hai cô con gái nhỏ?”- nhà văn Kiều Bích Hậu thắc mắc.

Đỗ Bích Thúy cười:  “Với tôi, công việc viết lách cũng như những công việc hàng ngày khác, như ăn cơm uống nước vậy. Mà tôi coi việc viết văn là việc cơ quan nên toàn viết ở cơ quan. Tôi có thể viết bất cứ lúc nào, kể cả lúc đang ngồi họp. Trong cuộc họp, người ta ghi chép tôi cũng ghi chép nhưng là “chép” tiểu thuyết, vấn đề là tách được mình ra khỏi đám đông thì ngồi đâu cũng viết được. Thời gian ở nhà tôi dành cả cho gia đình.”

Có lẽ chính vì thế mà Đỗ Bích Thúy rất khác so với những gì người ta hình dung về một nữ nhà văn. Những người quen biết chị đều phải công nhận, chuyện khâu vá thêu thùa, nấu nướng, giặt giũ, chăm con Đỗ Bích Thúy đều giỏi cả. Thúy nền nếp đâu vào đấy, từ sắp đặt nhà cửa đến trang phục, cái gì cũng tươm tất, gọn gàng, luôn tròn trịa trong vai người đàn bà của gia đình. Bởi như chị từng nói “trước khi là nhà văn, tôi là một người phụ nữ. Sau khi là một nhà văn, tôi vẫn là một phụ nữ cơ mà...”

NGUYỆT HÀ/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
4 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh