Nhà văn Đỗ Bích Thuý:“Tôi đã trở về trên núi cao”- Hành trình trở về với bản thể
- Văn hóa - Giải trí
- 02:16 - 15/09/2018
Tôi đã khóc khi đọc những dòng Đỗ Bích Thuý viết về chị Thủy - người chị gái đã đuối nước của tác giả, người chị 8 tuổi trắng xanh có 2 bím tóc đen dài ướt sũng nước ao với tiếng gọi trong veo như kéo Đỗ Bích Thúy trở về. Biết Thuý đã lâu nhưng lần đầu tiên khi đọc cuốn sách này tôi mới biết chị có một người chị gái đã mất khi còn thơ bé.
Nhưng cuốn sách không chỉ là những hồi ức, kỷ niệm, ở đó, mỗi sự việc, con người, cái cây, dòng suối… đều hiện lên qua chiêm nghiệm của Đỗ Bích Thuý. Cái buồn thật sâu mà cũng thật trong trẻo hiện lên qua những tản văn như: Nước mắt rơi trên bậu cửa, Cây cỏ vui buồn, Chờ bình yên quay về, Ngồi trên những đám mây, Chết chỉ là một cuộc rong chơi, Không bao giờ buồn thì có gì vui, Đẹp tới lụi tàn… Các trang viết đẹp đến mức, nhà báo, biên tập viên Cao Hải Giang thốt lên: “Có quá nhiều trang viết đẹp, như một hóa thạch của đời sống đã đi vào tác phẩm này. Chúng chạm tới hết thảy những tha thiết trong ta về một tình yêu rộng lớn với con người, cuộc sống… Thúy - trong hành trình trở về trên núi cao - đã khiến tôi và chắc hẳn nhiều nữa có được một cuộc trở về, sâu thẳm nhất là trở về với bản thể”
Đỗ Bích Thuý bảo, cuốn sách này chị viết nó cho bản thân và cho những thương yêu cuộc đời... Có thể nhận ra một sự liên kết xuyên suốt qua 30 tản văn được tác giả “ngầm” chia ra ba phần, từ thuở niên thiếu trong veo như giọt sương sớm ở miền rừng cao nguyên đá, đến khi trưởng thành hòa vào cuộc sống phồn hoa đô hội Thủ đô và “tình bạn đẹp như trăng sao” của chị với những người bạn văn nghệ sĩ
Đó là hồi ức về những ngày thơ bé ở miền rừng với những câu chuyện tưởng như rất vu vơ trẻ con, một cõi xưa cổ tích nơi miền rừng cao nguyên đá Hà Giang vừa bí ẩn vừa kỳ vĩ, vừa quyến rũ vừa kỳ lạ, vừa đẹp như bức tranh thủy mặc. Ở đó có tiếng gọi trong veo của chị Thuỷ, có hình ảnh người bố chỉn chu nghiêm khắc nhưng không bao giờ đánh con, yêu thương nâng niu con mình từ đôi guốc đi dưới chân trong Ký ức đôi guốc đỏ hay hình ảnh người mẹ chịu thương chịu khó tần tảo chăm sóc lũ con trong Tôi ngồi bên mẹ trong đêm lạnh buốt…
Hà Nội gắn với đam mê nghề và nghiệp văn chương, cũng là một phần cuộc sống hiện nay của chị với một gia đình nho nhỏ ấm áp. Có lẽ thế, những trang văn của Đỗ Bích Thuý khi viết về Hà Nội thường có góc nhìn rất riêng. “Hà Nội đã trao cho tôi tất cả những điều đó, vui và buồn, hạnh phúc và đắng cay, một vài thành công, không ít thất bại, nhưng hơn cả, Hà Nội cho tôi một thái độ sống - luôn trân trọng tất cả những gì đã đến, đang đến và có thể đến trong cuộc đời này - Một chỗ vừa vặn”- Nhà văn Đỗ Bích Thuý viết.
Nhà văn Đỗ Bích Thuý ký tặng sách cho độc giả
Và một phần của cuốn sách, Đỗ Bích Thuý viết về những người bạn tài hoa, nổi tiếng, của chị. Đó là họa sĩ Lê Thiết Cương , nhà thơ Thụy Anh, về họa sĩ A Sáng, họa sĩ Phạm Hà Hải, nhà văn Nguyễn Văn Thọ… “Người thì cho tôi sự cẩn trọng tận cùng… Người cho tôi thái độ sống, làm việc thật bằng an… Người thì cho tôi sự tha thiết với mọi điều dù là nhỏ bé trong cuộc sống… Người cho tôi một nỗ lực làm việc không mệt mỏi…
Đỗ Bích Thuý nói rằng chị rất trân trọng cuốn sách này. Nó như một dấu mốc đặc biệt trong cuộc đời và sự nghiệp cầm bút của chị. Nó cho chị được một lần ngoái lại phía sau, một cách bình thản. Nó cũng thể hiện khát vọng “trở về” với núi rừng, nơi chị sinh ra và lớn lên, một cách mãnh liệt...Những lời cuối trong cuốn sách, chị viết: “Cảm ơn đời đã cho tôi cả thế giới này. Cảm ơn những dấu yêu đã níu giữ trái tim, tâm hồn này. Tôi tặng tôi cho bạn, bằng vào những mến thương tha thiết mà chúng ta có thể chạm tới…”