CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:06

Nhà văn Đỗ Bích Thúy: Làm du lịch, hãy nghĩ đến hai chữ bền vững

Thời gian gần đây các lễ hội hoa liên tục được tổ chức cả ở tầm quốc gia và tại các địa phương(lễ hội hoa hồng, hoa ban, hoa anh đào, hoa tam giác mạch, hoa hướng dương…). Có hai luồng ý kiến, một thì cho rằng đây là các hoạt động văn hóa, giúp kích cầu du lịch nên rất cần được tổ chưc thường xuyên, tuy nhiên cũng có ý kiến rằng đây là  hiện tượng “lạm phát” các lễ hội hoa. Quan điểm của chị thế nào?

Cá nhân tôi hầu như không bao giờ đến các lễ hội hoa ấy. Sở dĩ không đến là bởi tôi rất sợ cái cảnh hàng nghìn người chen chúc, dẫm lên chân nhau, chờ chực cốt để chụp được vài tấm ảnh. Mà cái khiến tôi mất cảm hứng nhất, là sau lễ hội, thậm chí vừa mới khai mạc thì hầu như số hoa trưng bày đã tan nát. Vì sao tan nát thì chúng ta biết cả rồi.

Tôi nghĩ thế này, lễ hội thì cũng nên tổ chức. Cái đẹp thì ai chả muốn ngắm, muốn thưởng thức. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt là tổ chức thế nào? Làm sao để hoa được là hoa, tức là được nở, được toả hương tự nhiên, tươi tắn, rực rỡ, làm sao để người người đến thưởng lãm thực sự được chứng kiến hoa ra hoa, cây ra cây chứ không phải chen chúc mua được tấm vé, gửi được cái xe máy thì đã mướt mồ hôi. Cái dễ nhìn thấy là Ban tổ chức thường không kiểm soát được lượng người tham gia, không thể cân đối được “cung” với “cầu” nên hễ cứ có lễ hội gì độc, lạ, hiếm một tí là luôn luôn rơi vào tình trạng “vỡ trận”.

Còn nói về lạm phát, thì chả riêng gì hoa, cứ nói đến lễ hội là thấy “lạm phát” rồi.

Nhà văn Đỗ Bích Thúy


Bên cạnh “hoa nội”, hiện chúng ta còn tổ chức rất nhiều lễ hội “hoa ngoại” như hoa hồng bungari, hoa anh đào Nhật Bản. Có ý kiến cho rằng, những lễ hội như thế vừa tốn kém vì phải mang hoa từ nước ngoài về, vừa không mang bản sắc văn hóa Việt. Chị nghĩ sao?

Nói thế thì cũng cực đoan quá. Nước ta nghèo, người Việt cũng không có cơ hội được chu du đó đây nhiều để mà biết văn hoá nước người nó tròn méo ra làm sao. Mang hoa từ nước nọ nước kia về thì cũng được, cho mọi người được biết nó đẹp ra sao, coi như phần nào được đi du lịch thế giới ở... trong nước. Đây cũng là dịp để giao lưu văn hoá giữa Việt Nam với các nước trên thế giới. Tuy nhiên, có vài lễ hội mà hoa mang từ nước ngoài về, do khâu tổ chức thiếu bài bản, quy mô, nên sau đấy dân tình la ó theo kiểu “treo đầu dê bán thịt chó”, thì cũng cần phải xem lại. Quảng bá thì rầm rộ, vé thì đắt đỏ, có khi phải đăng kí vé từ trước hàng tháng, nhưng thực tế hoa khi trưng bày thì vừa ít vừa héo, lèo tèo vài bụi vài luống, cái cảm giác bị lừa khiến cho người xem không thể không bức xúc.

Quê hương chị- Hà Giang từng cũng có một lễ hội hoa rất đặc biệt, lễ hội hoa tam giác mạch. Chị thích vẻ đẹp nguyên sơ của những cánh đồng tam giác mạch ngày xưa hay những hoạt động rầm rộ của lễ hội hoa tam giác mạch ngày nay như bay dù lượn trên thảm hoa tam giác mạch, ẩm thực thịt bò bít-tết, hòa nhạc dưới chân cột cờ Lũng Cú? ... “Đặc sản văn hóa” của quê hương chị có liệu có mất đi “hương vị” truyền thống?

Lễ hội hoa Tam giác mạch là một lễ hội mà Hà Giang dự kiến sẽ tổ chức thường niên. Với câu hỏi này của bạn, thú thực tôi rất khó trả lời. Tôi là người tham gia viết kịch bản cho đêm khai mạc lễ hội Tam giác mạch đấy. Nhưng tôi không về. Tôi sợ cái cảnh hàng nghìn người ồ ạt kéo lên Hà Giang. Nhiều năm trước, cây Tam giác mạch chỉ trồng cho đỡ phí đất vào mùa đông, vì cây ngô không mọc được. Nó cứ lặng lẽ đẹp một cách giản dị và khiêm nhường ở những mảnh đất hiếm hoi dưới chân núi đá. Nhưng giờ thì nó thành sản phẩm du lịch rồi. Hạt tam giác mạch khi xưa chả ai ăn, chỉ để chăn nuôi thôi. Thì giờ cũng được chế biến thành rượu, thành bánh v.v... Thôi thì du lịch phát triển, đời sống bà con cũng được cải thiện. Ít ra có khoảnh vườn, gieo ít hạt, khách du lịch lên một vụ du lịch bà con kiếm được có khi bằng mấy vụ ngô. Tôi mong người quê tôi thoát nghèo, nhưng  tôi cũng nhìn thấy nhiều thứ đang mất đi. Bước chân khách du lịch đi đến đâu, văn hoá truyền thống có thể mất đi đến đấy, từng chút một. Nên tôi thực sự muốn Hà Giang cũng như các vùng đất khác, làm du lịch, hãy nghĩ tới hai chữ BỀN VỮNG.

Lễ hội hoa- đẹp thì có đẹp nhưng không ít những vấn đề đặt ra 


Một trong những vấn nạn luôn được nhắc đến sau mỗi kỳ lễ hội hoa là tình trạng ngắt hoa, bẻ cành, thậm chí bê cả chậu hoa mang về nhà. Phải chăng, văn hóa lễ hội, nói rộng ra là văn hóa ứng xử của một bộ phận người dân đang có vấn đề? Theo chị có giải pháp nào để dẹp bỏ những hành động xấu xí đó không?

Cái thói xấu này nó như một căn bệnh ấy, và nó lây nhanh lắm. Một người bẻ thì sẽ có người thứ hai, thứ ba cũng nhảy vào bẻ. Không thấy xấu hổ. Cái này luật cũng chả được. Nhiều nơi chăng dây xung quanh nơi trưng bày, rồi hàng trăm tình nguyện viên là các em sinh viên đeo băng đứng canh từ sáng tới chiều, rồi loa đài nhắc nhở oang oang nhưng người ta vẫn cứ bẻ, cứ vặt, cứ leo qua hàng rào nhảy vào chụp ảnh cho đã... Đấy là vấn đề văn hoá. Là thái độ ứng xử nơi công cộng. Muốn không nhìn thấy những hình ảnh xấu xí ấy, cách nhanh gọn nhất, dễ nhất, là dẹp, không tổ chức gì nữa. Tức là không cho họ cái cơ hội làm những việc xấu hổ ấy nữa. Cái lý này là cái lý cùn, kiểu như muốn không bị móc túi thì tốt nhất ra đường đừng có mang theo ví.

Xin trân trọng cảm ơn chị!

CHÂU GIANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh