Nhà thơ, nhà báo, liệt sĩ Nguyễn Mỹ: “Như không hề có cuộc chia ly”
- Văn hóa - Giải trí
- 13:47 - 22/06/2018
Chân dung nhà thơ, nhà báo Nguyễn Mỹ.
Nhà thơ, nhà báo, liệt sĩ Nguyễn Mỹ sinh ngày 21/2/1935, tại thôn Trung Lương, xã An Nghiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Năm 16 tuổi Nguyễn Mỹ tham gia bộ đội và chiến đấu nhiều năm ở mặt trận Nam Trung bộ.
Năm 1954, cũng giống như bao cán bộ, chiến sĩ, ông tập kết ra Bắc, rồi công tác tại Đoàn Văn công Tây Nguyên, nơi anh ruột là nhạc sĩ Nhật Lai (tác giả ca khúc “Hà Tây quê lụa” làm quản lý). Là người yêu văn chương và nghề báo, ông đã theo học lớp báo chí tại trường Tuyên huấn Trung ương. Ra trường về công tác tại Nhà Xuất bản Phổ thông.
Cuối thập niên 60 của thế kỷ XX, cuộc chiến tranh ngày càng bước vào giai đoạn khốc liệt, như bao con em miền Nam tập kết ra Bắc, ông làm đơn xin trở lại chiến trường và làm phóng viên ở tờ Báo Cờ giải phóng Trung Trung bộ, thuộc Ban Tuyên truyền Văn nghệ khu V.
Năm 1968, bắt đầu từ “cuộc chia ly màu đỏ” ấy, ông xa Hà Nội, xa bạn bè, đồng nghiệp và người yêu để dấn thân vào cuộc chiến với tâm thế của một nhà thơ, nhà báo trực tiếp cầm súng vừa chiến đấu, vừa sáng tác văn học và đưa tin tức chiến sự.Những năm tháng ấy chiến trường Trung Trung bộ nói chung và Quảng Nam, Đà Nẵng (Quảng Đà) nói riêng diễn ra vô cùng khốc liệt. Nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà báo chiến trường đã mãi mãi nằm lại mảnh đất Quảng Đà như: Dương Thị Xuân Qúy, Chu Cẩm Phong, Nguyễn Trọng Định…
Ngày 16/5/1971 trong một trận chống càn không cân sức với lực lượng đối phương vào khu sản xuất của đơn vị, nhà thơ, nhà báo Nguyễn Mỹ đã nằm lại bên bờ sông Đăk Tu, huyện Trà My, Quảng Nam (thuộc chiến trường Quảng Đà) ở tuổi 36 tràn đầy những khát khao, những dự định sáng tạo thi ca còn dang dở.
Nguyễn Mỹ có năng khiếu và yêu thơ từ nhỏ và sáng tác thơ khá sớm. Năm 1957 khi vừa tròn 18 tuổi Nguyễn Mỹ đã có thơ đăng trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Nhưng phải tới khi “Cuộc chia ly màu đỏ” xuất hiện trên văn đàn năm 1964, tên tuổi Nguyễn Mỹ mới tỏa sáng, được nhiều thế hệ độc giả biết đến.
Nhiều nhà thơ, nhà lý luận phê bình văn học nhận định, đọc thơ Nguyễn Mỹ, như thấy được những nhịp cánh vỗ chới với của một tâm hồn thơ đang tìm bay vào quỹ đạo của mình, rất riêng biệt, độc đáo với sự cách tân rất có ý nghĩa trên thi đàn thời đó.
“Anh lang bạt đi tìm anh từ dạo ấy/Ở trong đất và trong máu chảy/Nghe trong mình còn có chút niềm vui/Gửi cho hoa cúc tím ở trong đời” (Hoa cúc tím). Gia tài văn chương của ông, ngoài những bài thơ, bút ký đã công bố còn rất nhiều bài thơ di cảo như: “Chiều mưa”, “Không đề”, “Hoa thiên lý”, “Vu vơ”, “Hoa khế nở”…Bài “Không đề” viết năm 1965 là bài thơ khắc họa đậm nét về quê nhà nơi ông sinh ra với một niềm tự hào, thiêng liêng và rất độc đáo về tứ thơ: “Tuy An đất mẹ dịu hiền thay/Những thung vui như cõi gạo đầy/Núi như đàn ngựa chồm ra biển/Sông Cáinhư tà áo lụa bay”.
Hay như bài “Chiều mưa”, ông viết năm 1957, với những câu thơ mộc mạc, chân chất đầy gợi nhớ về quê hương miền Nam, con người miền Nam khi ông đang sống trên đất Bắc.
“Chiều mưa lặng lẽ đồng xa/ Bên sông lặng lẽ trông ra một người/Dặt dìu, dìu dặt mưa rơi/Bên sông lặng đứng một người đăm đăm/Trở về lạc lối đồng không/Một cây dừa đứng tần ngần mưa rơi/Chim bay về tít chân trời/Bên sông lặng đứng một người - miền Nam”.
Thơ Nguyễn Mỹ giàu chất hội họa, chỉ vài nét đặc tả qua 8 câu thơ thôi đã hoàn thiện một bức tranh sinh động về một nhân vật trữ tình, đăm đắm nhìn mưa mà nhớ quê hương da diết, người ấy chính là ông, khi quê hương miền Nam còn chìm trong khói lửa chiến tranh.
“Hơi ấm đường rừng” (1968) là một trong những bài thơ ông viết ở chiến trường Quảng Đà với hiện thực cuộc chiến thật sinh động, hào hùng và gian khổ: “Bao ngày nắng đêm mưa bề bộn những âu lo/Lòng anh trải theo những con đường hun hút/Trên đá nhọn, nơi bàn chân em bước/Con đường sống lại mỗi ngày nối những bàn chân gùi cõng hành quân/Tuôn vào chiến dịch xuân, hạ, thu, đông”.
Trong tập “Thơ Nguyễn Mỹ” có bài “Cuộc chia ly màu đỏ” (1964), được đánh giá là một trong những bài thơ tình hay nhất thời chống Mỹ. Đây là bài thơ được tuyển chọn in trong nhiều tuyển tập thơ Việt Nam đương đại và được đưa vào sách giáo khoa giảng dạy trong nhà trường, được nhiều thế hệ học sinh thuộc nằm lòng và ghi chép trong sổ tay. Không ít những người lính miền Bắc thời đó đã ghi chép bài thơ này vào cuốn sổ tay xinh xắn trong ba lô của mình vượt Trường Sơn ra trận. “Cuộc chia ly màu đỏ” là bài thơ khá dài, với cung bậc cảm hứng xuyên suốt về cuộc chia tay giữa người lên đường ra trận, với người ở lại hậu phương vào thời điểm cuộc chiến tranh đã, đang diễn ra ác liệt ở miền Nam.
“Tôi nhìn thấy một cô áo đỏ/Tiễn đưa chồng trong nắng vườn hoa/Chồng của cô sắp sửa đi xa/Cùng đi với nhiều đồng chí nữa”.
Đó là cái thời có hàng ngàn, hàng vạn trai trẻ người người lớp lớp nối tiếp nhau ra trận với một tâm thế thật hào hùng và lãng mạn của cái thời “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Năm 1964 Mỹ bắt đầu leo thang đánh phá miền Bắc bằng không quân, hải quân và cũng là thời điểm diễn ra những cuộc chia tay tiễn đưa người lính ra trận, vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu. Hiện thực ấy đã làm rung động trái tim Nguyễn Mỹ và đã tạo nên cảm xúc để ông thể hiện trong bài thơ “Cuộc chia ly màu đỏ” thật ấn tượng, tuy có chút xao xuyến, có chút buồn nao lòng, nhưng không hề bi lụy.
“Đó là cuộc chia ly chói ngời sắc đỏ/tươi như cánh nhạn Lai bồng/Trưa một ngày sắp ngả sang đông/Thu, bỗng nắng vàng lên rực rỡ”. Một thi phẩm, một họa phẩm tuyệt vời với gam màu “chói ngời sắc đỏ”.
Theo lời bình của Tú Anh: “Cả bài thơ là một bức tranh theo trường phái ấn tượng, tràn ngập màu sắc với một gam màu nóng, rực rỡ đến chói gắt”.
“Chiếc áo đỏ rực như than lửa/Cháy không nguôi trước cảnh chia ly/Vườn cây xanh và chiếc nón trắng kia/ Không giấu nổi tình yêu cô rực cháy/Không che được nước mắt cô đã chảy/Những giọt long lanh, nóng bỏng, sáng ngời”.
Người đọc đều cảm nhận được đây là cuộc chia ly đầy tự tin vào ngày mai chiến thắng và sum họp, giữa người ra trận và người ở lại hậu phương. “Ngày mai sẽ là ngày sum họp/ Đã tỏa sáng những tâm hồn cao đẹp”.
Những câu thơ trong “Cuộc chia ly màu đỏ” càng về những đoạn cuối càng lung linh với những rung cảm da diết, trữ tình, tuy rất bịn rịn, nhưng họ biết hy sinh vì Tổ quốc: “Và người chồng ấy đã ra đi/Cả vườn hoa đã ngập tràn nắng xế/Những cánh hoa đỏ vẫn còn rung nhè nhẹ/ Gió nói tôi nghe những lời thì thào/Khi Tổ quốc cần họ biết sống xa nhau”.
Hình tượng người lính, người chồng trong “Cuộc chia ly màu đỏ” ấy ra trận với một tâm trạng lạc quan, tràn đầy năng lượng bởi niềm tin tưởng vào sự chung thủy, dõi theo của người vợ ở hậu phương. Suy rộng ra hậu phương miền Bắc khi ấy thực sự là chỗ dựa cả về vật chất lẫn tinh thần của mỗi người lính ra trận.
“Nhưng tôi biết cái màu đỏ ấy/Cái màu đỏ như cái màu đỏ ấy/ Sẽ là bông hoa chuối đỏ tươi/Trên đỉnh núi cao vẫy gọi đoàn người” và “Nghĩa là màu đỏ ấy theo đi/Như không hề có cuộc chia ly”.
Đã 47 năm kể từ ngày Nguyễn Mỹ nằm lại chiến trường Quảng Đà, nhưng qua những bài thơ của ông, người yêu văn chương nói chung, thơ ca nói riêng vẫn thấy bóng hình ông, tâm hồn ông, tình yêu của ông với đất nước, con người hiện diện trong từng câu chữ “Như không hề có cuộc chia ly”.