Nhớ những nhà thơ liệt sĩ
- Văn hóa - Giải trí
- 22:35 - 25/07/2017
1.Nhà thơ, liệt sĩ Nguyễn Mỹ, sinh năm 1935 tại thôn Trung Lương, xã An Nghiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Nguyễn Mỹ tham gia kháng chiến chống Pháp ở quê nhà, và Tây Nguyên. Năm 1954 tập kết ra Bắc, năm 1968 vào chiến trường miền Nam chiến đấu. Ông hy sinh ở tuổi 36, trong một trận càn lớn của địch vào khu sản xuất Nước Ta bên bờ sông Đắk Ta thuộc huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng ngày 16/5/1971.
Nguyễn Mỹ xuất hiện trên thi đàn với bài thơ “Cuộc chia ly màu đỏ” gây ấn tượng mạnh mẽ cho người đọc thập kỷ 60. Bài thơ mới lạ, đến mức những nhà thơ như Xuân Diệu và Chế Lan Viên cẩn trọng chưa muốn in nhưng Xuân Diệu khen hết lời và đã giới thiệu bài thơ trên Báo Văn nghệ.
“Đó là cuộc chia ly chói ngời sắc đỏ/Tươi như cánh nhạn lai hồng/Trưa một ngày sắp ngả sang đông/Thu, bồng nắng vàng lên rực rỡ/“Tôi nhìn thấy một cô áo đỏ/Tiễn đưa chồng trong nắng vườn hoa/Chồng của cô sắp sửa đi xa,/Cùng đi với nhiều đồng chí nữa,/Chiếc áo đỏ rực như than lửa/Cháy không nguôi trước cảnh chia ly/Vườn cây xanh và chiếc nón trắng kia/Không giấu nổi tình yêu cô rực cháy...”
(Trích: Cuộc chia ly màu đỏ - Nguyễn Mỹ)
Đọc những câu thơ trong bài “Cuộc chia ly màu đỏ” chúng ta thấy Nguyễn Mỹ chọn hình tượng rất độc đáo, cảnh chia ly không bi lụy, người ra đi người ở lại đều giữ được tình cảm hào hùng của thời đại - cả dân tộc quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ, biến cái đau riêng thành nỗi đau chung, nhân niềm vui riêng cùng với niềm vui chung.
Cũng vẫn là khung cảnh của một cuộc chia ly, nhưng đâu còn cái màu ảm đạm, cái buồn tê tái của nỗi chia xa. Một cuộc chia ly mà lại có màu thắm tươi của “cánh nhạn lai hồng”, và cái màu đỏ “chói ngời” trong nắng thu “vàng lên rực rỡ”.
Quê hương. Ảnh: ĐTK
Cái hay ở đây là thay vì dùng màu tím để nói lên tình yêu thì Nguyễn Mỹ lại dùng gam màu đỏ chói ngời, đó là tình yêu hiện thực, là “màu đỏ” mang hơi ấm nồng nàn viên mãn của cuộc đời. Nguyễn Mỹ đã chơi màu thật hay trên ngôn từ khi đặt gam màu đỏ bên màu trắng và màu xanh “Vườn cây xanh” và “chiếc nón trắng”. Nguyễn Mỹ đã có đóng góp thật lớn cho thơ ca giai đoạn này khi miêu tả thành công khuôn mặt tình yêu thời chống Mỹ:
“...Không che được nước mắt cô đã chảy,/Những giọt long lanh, nóng bỏng, sáng ngời/Chảy trên bình minh đang hé giữa làn môi/Và rạng đông đã bừng trên nét mặt/Một rạng đông với màu hồng ngọc...”
(Trích: Cuộc chia ly màu đỏ - Nguyễn Mỹ)
Nguyễn Mỹ đã sống đẹp như thơ của mình. Thơ anh để lại không nhiều chỉ có tập Sắc cầu vồng (in chung Nguyễn Trọng Định). Anh là Nhà thơ sắc lửa chói ngời.
2. Hơn 40 năm kể từ ngày nước nhà thống nhất, những trong ta vẫn luôn hiển hiện “những dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ”. Đó là dáng đứng của nhà thơ, nhà giáo –liệt sĩ Lê Anh Xuân, tên khai sinh là Ca Lê Hiến, sinh ngày 5/6/1940 tại xã An Hội, thị xã Bến Tre. Thập niên 60 với tên thật Ca Lê Hiến nhiều bài thơ của anh xuất hiện làm lay động tâm thức mọi người. Năm 1963, đang là sinh viên Ðại học Tổng hợp Hà Nội, Ca Lê Hiến đã vinh dự nhận Giải thưởng Thơ của Tạp chí Văn Nghệ Hội Nhà văn 1961 (do Hoài Thanh làm chủ khảo), về bài thơ “Nhớ mưa quê hương” với rất nhiều tâm trạng và nhiều câu thơ đẹp: “Ôi cơn mưa quê hương/Mưa là khúc nhạc của bài ca êm mát./Những đêm ta nằm nghe mưa hát mưa rơi/Nghe mưa đập cành tre, nghe mưa rơi tàu lá /thầm thì dào dạt vang xa.../Có lúc bỗng phong ba dữ dội /Mưa đổ ào như thác dồn trăm lối/Giấc mơ xưa có chớp giật, sóng gầm/Trang sử nhỏ nhà trường bỗng hóa cơn giông/Nghe như tiếng cha ông dựng nước/Truyền con cháu phải ngẩng cao mà bước/Nghe như lời cây cỏ gió mưa/đang hát tiếp bài ca bất khuất ngày xưa...”
Năm 1964, Ca Lê Hiến nhận được Quyết định điều động về Ủy ban Thống nhất Trung ương để lên đường về Nam công tác và chiến đấu. Từ đây, Ca Lê Hiến làm việc tại Ban Tuyên huấn Trung ương Cục Miền Nam sau đó là Hội Văn nghệ Giải phóng Miền Nam, với bút danh Lê Anh Xuân. Từ đây Lê Anh Xuân đã cho ra đời những bài thơ hay như: Tiếng gà gáy, Nhớ mưa quê hương, Trở về quê nội...
“Ơi quê hương xanh mát bóng dừa
Có ngờ đâu hôm nay ta trở lại
Quê hương ta tất cả vẫn còn đây!”
Rồi:
“Quê nội ơi, mấy năm trời xa cách
Đêm nay ta nằm nghe mưa rơi
Nghe tiếng trời gầm xa lắc
Cớ sao lòng thấy nhớ thương”...
(Trở về quê nội - Lê Anh Xuân )
Năm 1966, Lê Anh Xuân được kết nạp vào Đảng, đó là động lực khiến nhà thơ liên tục xung phong đi khắp Nam bộ tìm hiểu thực tế để sáng tác. Mùa xuân năm 1968, lấy cảm hứng từ chiến dịch Mậu Thân, Lê Anh Xuân viết “Dáng đứng Việt Nam”: “Anh ngã xuống trên đường băng Tân Sơn Nhất/Nhưng anh gượng đứng lên tì súng trên xác trực thăng/Và anh chết trong khi đang đứng bắn/Máu anh phun theo lửa đạn cầu vồng.../Anh tên gì hỡi anh yêu quý/Anh vẫn đứng lặng yên như bức thành đồng/Như đôi dép dưới chân anh dẫm lên bao xác Mỹ/Mà vẫn một màu bình dị sáng trong! ...”
Lê Anh Xuân - người chiến sĩ, người anh hùng và thi sĩ. Thi sĩ và anh hùng thời chúng ta là một: “Thuyền ta đi như thi sĩ, như anh hùng?Ði chiến đấu và ngợi ca Tổ quốc”.
(Chế Lan Viên)
3. Nguyễn Trọng Định (1939 - 1968) là nhà thơ hiện đại Việt Nam. Ông quê ở Thổ Khối, Gia Lâm (Hà Nội). Ông đã đăng nhiều thơ trong các báo, tạp chí: Văn nghệ, Tiền Phong, Văn nghệ quân đội. Nguyễn Trọng Định hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ.
Thơ Nguyễn Trọng Định đằm thắm, sâu lắng, được bạn đọc hết sức ngưỡng mộ. Và trước lúc ra chiến trường anh suy nghĩ sâu xa hơn trách nhiệm Tổ quốc giao phó cho thế hệ anh- thế hệ mang sắc cầu vòng thanh niên gìn giữ non sông: “Đất nước dạy ta hiểu vũ trụ con người /Nhưng kỳ dịu áng cầu vồng tuổi nhỏ/ Màu da cam lại là khói chùm tên lửa/ Máu vàng này/Là đạn pháo một trăm năm/Sắc thanh niên là sắc áo người thân/Bao sự tích hôm nay lại ươm màu thần thoại/Đất anh hùng sắc cầu vòng cũng mới/Trong mắt ta nhìn càng thấy bao la...”
(Sắc cầu vồng).
Từ chiến trường, bài “Quê hương anh Trỗi” chuyển ra Bắc, Báo Nhân Dân vừa in xong thì Nguyễn Trọng Định hy sinh, đó là ngày 26/8/1968 tại xã Điện Phước, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Tuổi 26 dừng lại mãi thời trai trẻ nhưng thơ anh bất tử với thời gian.
4. Nhà thơ, liệt sĩ Trần Quang Long, nguyên quán ở làng Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội; anh lớn lên, tham gia các phong trào đấu tranh chống chính quyền Ngô Đình Diệm ở Huế và sau đó in đậm bước chân cách mạng ở Quy Nhơn - Cần Thơ - Sài Gòn - Tây Ninh, song hành cùng thơ trên nẻo đường tranh đấu.
Trần Quang Long làm thơ từ thời sinh viên và nổi tiếng với bài thơ “Thưa mẹ trái tim”: “Tiếng kêu la của bà mẹ đi tìm. Quờ quạng xác con trong căn nhà gạch vụn. Oanh tạc vùng tình nghi. Con nghe tiếng quay cuồng của vũ điệu về khuya. Từng tràng cười ré lên như địa ngục”... anh sáng tác bài thơ này khi mới 25 tuổi.
Thơ anh tràn đầy nhiệt huyết của một người dân mất nước sống trong chế độ hà khắc của Mỹ - Diệm, của ngoại bang chà đạp lên nhân phẩm con người. Thơ anh còn là tiếng nói tình cảm dạt dào của lứa tuổi thanh xuân được giới trẻ hết sức mến mộ: “Anh lắng nghe từng hơi thở em/Uống từng ánh mắt đắm say men/Cuồng si, anh chết trong hư ảo/ Trâm nhỉ bao giờ anh mới quên?”. (Trăng đêm).
Nhà thơ Trần Quang Long luôn được người đời sau ghi nhớ là một nhà thơ chiến sĩ đã sống và chiến đấu cho dân tộc của mình, đấu tranh cho tự do hạnh phúc quần chúng của nhân dân!
Chiến tranh đã lùi xa, đất nước hòa bình, ổn định, giàu đẹp, phồn vinh, những vần thơ, những nhà thơ chiến sĩ - liệt sĩ ấy “vẫn như ngọc sáng ngời”, sáng mãi cùng thời gian. Mỗi tấc đất quê hương, mỗi ngả rừng, mỗi dòng sông đều là sự hóa thân của các anh, các chị. Xin thắp nén nhang biết ơn và sự ngợi ca trân trọng nhất đối với sự hy sinh của những người con ưu tú của dân tộc Việt Nam.