Nhà báo với các cuộc thi hoa hậu
- Văn hóa - Giải trí
- 17:20 - 21/06/2016
Khổ như đi viết bài về cuộc thi hoa hậu
Nếu chỉ nhìn bề ngoài, ai cũng tưởng nhà báo tác nghiệp tại các cuộc thi hoa hậu rất sướng. Quả là có vậy, nhưng “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay”, thích thú, vui vẻ có một mà vất vả, cay cực thì những mười. Các cuộc thi hoa hậu đều được tổ chức ở những thành phố lớn, những khu du lịch sang trọng nhưng lại diễn ra trong thời gian dài, với nhiều hoạt động ở những địa điểm khác nhau. Không có công thức chung cho tất cả các cuộc thi nhưng đại loại là trồng cây lưu niệm, thăm trung tâm nuôi dưỡng trẻ em mồ côi và người già cô đơn, thể hiện tài năng như nấu ăn, chơi bóng, bơi lội, giao lưu gặp mặt, diễu hành đường phố và đêm chung kết... Để chụp hình, đưa tin hết các hoạt động này, nhà báo phải nắm chắc lịch và bố trí thời gian, phương tiện phù hợp mới thực hiện nổi. Vậy mà nhiều khi cũng đành về không là bởi người ta cũng rất chi là hay thay đổi lịch mà chả cần thông báo trước. Còn việc tác nghiệp cả ngày với chai nước và ổ bánh mì là chuyện thường.
Giám khảo cuộc thi HH Quý bà tại Vũng Tàu.
Các người đẹp rất dễ gần, nhưng hẹn phỏng vấn, trò chuyện với họ thì thôi rồi. Trừ hao cả tiếng đồng hồ, nhưng khi đến vẫn phải chờ dài cổ và có khi là chả bao giờ gặp.
Tôi đã từng tham dự viết bài ở rất nhiều cuộc thi hoa hậu lớn như Hoa hậu Việt Nam (Báo Tiền phong), Hoa hậu Hoàn vũ, Hoa hậu thế giới, Hoa hậu thế giới Quý bà, Hoa hậu Thế giới người Việt... và đêm chung kết bao giờ cũng là mệt mỏi nhất. Đầu tiên là chuyện lấy thẻ tác nghiệp, Ban Tổ chức người ta chảnh lắm, cứ để đến sát lúc tổ chức mới phát. Vào được sân khấu rồi vẫn không hết khổ, cuộc thi đông người, sân khấu lớn nhà báo phải đứng rất xa ở hai bên để chụp hình, chỉ cần lần vào một tí là bị bảo vệ lôi ra ngay – làm sao mà có được ảnh cho ra hồn chứ đừng nói là đẹp. Đấy là chưa kể, thẻ tác nghiệp của phóng viên chỉ có tác dụng vào hội trường vì vậy nhiều khi mệt muốn tìm một chỗ ngồi tạm cũng chả có.
Thí sinh cuộc thi HH Quý bà tại Vũng Tàu.
Đêm chung kết nhìn chung có các phần như trình diễn áo tắm, áo dài, váy dạ hội và thi ứng xử. Kết thúc thường là giữa đêm và sau đó những người đạt giải cùng ban tổ chức sẽ tổ chức gặp mặt để báo chí chụp hình, phỏng vấn, ăn nhẹ... nên khi về đến nhà hiếm khi nào trước 2 giờ sáng. Ngoài ra, ở các cuộc thi thế giới còn có thêm nỗi khổ, phải nhờ phiên dịch, vì tiếng Anh của mình vốn đã chả ra gì lại gặp không ít thí sinh cũng chả mấy giỏi hơn, nên ai nói cứ nói còn ai nghe cứ nghe còn hiểu thì sao cũng được.
Và rất nhiều câu chuyện vui buồn
Đi viết bài về các cuộc thi hoa hậu, chuyện vui nhiều nhưng cũng không hiếm những việc buồn thậm chí là không thể cười được. Các cuộc thi hoa hậu có một phần thi để chọn ra người đẹp thân thiện. Thông thường các thí sinh được xếp ngẫu nhiên ở chung 2 người một phòng. Vậy là chỉ một vài ngày sau đã có khối chuyện xảy ra, nhẹ là xin đổi người vì không hợp nhau, nặng là tố cáo bị chơi xấu như cố tình làm hỏng đồ, hay giấu đồ như giầy dép, trang sức để bị muộn giờ... Thực tế, vẫn có những thí sinh sát giờ lên sân khấu mới biết áo bị cắt cúc, vặt mất giây, giầy mất quai, thậm chí có khi váy dạ hội bị xé rách, bị làm bẩn phải thay bộ khác.
Thí sinh cuộc thi Hoa hậu Việt Nam: Đàm Thị Lý.
Lại có chuyện khá hi hữu khác như ở cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ, tại Nha Trang, sau nhiều phần thi về đến nơi ở đã khuya, trờ quá nóng, có những người đẹp cứ tồng ngồng đứng tắm ở ngay vòi nước công cộng, vì cứ tưởng nơi này vắng không có đàn ông. Không ngờ vẫn có những người thợ sửa điện, làm vệ sinh ở đó và họ đương nhiên không bỏ qua việc nhìn trộm người đẹp. Sau bị phát hiện ra họ mới bỏ đi, còn mấy cô thích tắm tiên thì vừa chạy vừa hét, nhân viên bảo vệ phải đến can thiệp.
Ở phần thi nhân trắc học rất nhiều thí sinh đã tìm cách ăn gian chiều cao, vòng một, vòng hai. Kiểu ăn gian của mấy người đẹp cũng rất đơn giản và hồn nhiên, đại loại về chiều cao thì bới tóc bồng lên, kiễng nhẹ chân, nhịn ăn và nín thở khi đo vòng hai, ưỡn ngực khi đo vòng một... Về cơ bản thì không thể qua mắt được ban giám khảo nhưng cũng nhiều người đẹp thực ra là thấp hơn khá nhiều so với chỉ số được công bố.
Thí sinh cuộc thi HH Hoàn vũ thăm trẻ em làng SOS Khánh Hòa.
Phần thi ứng xử cũng không ít chuyện để cười. Có thí sinh khi được hỏi: “Bạn nghĩ gì về câu nói cái nết đánh chết cái đẹp” của cha ông ta, đã hùng hồn: Đó là chuyện của ngày xưa, bây giờ điều đó không còn phù hợp nữa. Ngày nay cái đẹp đè bẹp cái nết, bởi vì nết xấu thì còn sửa chữa được chứ người xấu thì đành chịu. Lại có cô bảo: Công, dung, ngôn, hạnh là những tiêu chuẩn mà người Trung Quốc áp đặt để cai trị dân tộc ta thời họ xâm lược nước ta. Bây giờ là thời đại mới, nam nữ bình đẳng không cần công, dung, ngôn, hạnh nữa, khi bốc trúng câu hỏi: “Theo bạn ngày nay có nên đánh giá phụ nữ theo công, dung, ngôn, hạnh nữa hay không”?Cũng có những chuyện buồn nhưng không thể cười được. Nhiều cuộc thi hoa hậu có phần diễu hành, Lễ Hội đường phố. Phần này thường tổ chức vào buổi tối, các thí sinh mặc đồ tắm hoặc dạ hội đứng trên xe, cũng có khi đi dưới đường. Người dân đổ ra xem đông cứng và nhiều gã dê xồm đã không bỏ qua cơ hội để sàm sỡ các người đẹp một cách rất thô bạo, vô văn hóa. Các thí sinh gặp lúc như thế này chỉ biết lặng lẽ chịu trận sau đó khi trở về bật khóc một cách tức tưởi.
Thí sinh chuẩn bị vào cuộc thi.
Về phần các nhà báo nam, sau các cuộc thi hoa hậu cũng hay có những nỗi niềm riêng. Là bởi, các người đẹp khi còn là thí sinh đều rất ngơ ngác, dễ gần, dễ mến. Vì thế nhiều nhà báo chỉ chăm chăm tiếp xúc, phỏng vấn, chụp hình để viết bài về một vài thí sinh nào đó mà họ chấm. Họ cho nhau số điện thoại, thậm chí là gặp gỡ riêng uống cà phê, nhưng khi cuộc thi kết thúc không chỉ người đạt vương miện, mà cả nhưng thí sinh bị loại ngay vòng ngoài cũng chả mấy khi liên lạc được. Nói là vậy, nhưng dù sao nhà báo đi viết về các cuộc thi hoa hậu cũng rất thú vị, với nhiều trải nghiệm vui để mỗi cuộc thi người đẹp diễn ra lại háo hức lên đường.
Trò chuyện với thí sinh trước cuộc thi.