THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:20

Nữ nhà báo dũng cảm của đại ngàn Tây Nguyên

Chất văn trong từng câu chữ

Nhà văn Trung Trung Đỉnh khi còn là Giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà Văn từng viết bài giới thiệu tập thơ “Tặng người tôi yêu” của Hoàng Thiên Nga đã kể: “Hồi còn làm bên báo Văn Nghệ, tôi đã mời Nga cộng tác được vài bài bút ký. Bài nào chị viết cũng nóng và hấp dẫn, với cách diễn đạt sống động, sắc sảo và giàu chất văn, tạo ra một giọng điệu riêng rất quý hiếm...

Nhà Báo Hoàng Thiên Nga trên đường vào hang động núi lửa Chư Bluk.

Nhà phê bình Ngô Thảo sau khi đọc bộ sách ký sự báo chí 2 tập “Nghịch lý trên dòng sông chảy ngược” của Hoàng Thiên Nga đã khẳng định: “Hoàng Thiên Nga đã đạt yêu cầu của một nhà báo mà cây bút phóng sự cự phách Nguyễn Đình Lạp từng đòi hỏi trong một bài giảng về báo chí từ những năm chống Pháp: Nhà phóng sự là phóng viên có biệt tài, có nhiều kinh nghiệm, có học vấn chắc chắn và hiểu nhiều vấn đề. Nhà phóng sự là người đào sâu vào vấn đề và đi tìm chân lý cho sự vật. Nhà phóng sự là một người có thể, bằng tác phẩm của mình, gây bão táp trong dư luận, góp phần cải tạo con người...”.           

Nhiều cộng tác viên và phóng viên thuộc quyền đã được nhà báo Hoàng Thiên Nga hướng dẫn tỉ mỉ và nghiêm khắc cách làm việc đàng hoàng, cẩn trọng. Còn với lớp cử nhân lớp báo chí hệ vừa làm mới tốt nghiệp tháng 2/2018 tại Đắk Lắk, do Trường Đại học Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội phối hợp với Trường Trung cấp Đam San mở khóa đầu tiên trên Tây Nguyên, nhà báo Hoàng Thiên Nga là giảng viên đặc biệt ấn tượng với những giờ lên lớp không cần tập tài liệu mà giảng bài rất sinh động, dễ hiểu, dễ thực hành và ứng dụng, với nhiều ví dụ, dẫn chứng cụ thể, thiết thực, có ích cho người làm nghề: Từ cách dùng từ, đặt câu, chọn tít, viết sa pô (chapeau) cho tin, bài, đến cách chọn lọc thông tin, cách viết sao cho sâu sắc, súc tích, ngắn gọn mà vẫn trong sáng, dễ hiểu...   

Một học viên kể: Trong buổi kết thúc môn học, cả lớp đã ồ lên ngạc nhiên khi được nghe cô tiết lộ điều bí mật khiến ai cũng bất ngờ, là cô chưa từng... học đại học báo chí. Là học sinh giỏi văn cấp quốc gia, rồi thành cử nhân văn chương nhưng lại đi làm báo, ngoài việc tham gia một số khóa bồi dưỡng báo chí nâng cao và đào tạo giảng viên nguồn, cô phải miệt mài tự học, tự rèn luyện tất cả các kỹ năng cần thiết. Khi nhận mời dạy môn học cơ bản cho khóa này, cô đã đọc hàng chục cuốn giáo trình đào tạo nghề báo và nhận ra hầu hết đều... lạc hậu, xa rời thực tế, nên đã sáng tạo cách giảng dạy riêng “hổng giống ai”, nhưng đem lại rất nhiều kiến thức và kỹ năng hữu ích, dễ nhớ cho học viên chỉ trong vài chục giờ lên lớp.

 Tác nghiệp tại Buôn Đôn.

“Bông hồng thép” đa tài

Tìm thông tin về nhà báo Hoàng Thiên Nga trên Google ai cũng dễ thấy nhiều bài viết ca ngợi tài thơ - ca - vũ - nhạc của chị và hiệu quả đáng nể của việc chị đã làm, từ đấu tranh chống tham nhũng tiêu cực, tới phát hiện ra những nhân tố tài năng, con người nhân hậu, nhân cách đáng tôn vinh, chiều sâu văn hóa và muôn màu của cuộc sống giản dị đời thường.

Không chỉ viết báo, chị còn làm cầu nối cho nhiều nhà đầu tư rót vốn về Tây Nguyên, tổ chức những cuộc thi người đẹp, huy động mạnh thường quân giúp đỡ rất nhiều người nghèo khó bất hạnh. Liên tục trong nhiều năm, chị làm Trưởng ban tổ chức “Chủ Nhật Đỏ”, quyên góp mỗi lượt hàng nghìn đơn vị máu cứu người dịp Tết Nguyên đán.

Là người sáng lập, điều hành chương trình học bổng “Đọt chuối non” với nguồn quỹ ban đầu được gây dựng từ nguồn tiền bán bộ sách ký sự “Nghịch lý trên dòng sông chảy ngược”, tới nay chị đã trao cả tỉ đồng cho hơn 400 suất học bổng để góp phần hỗ trợ và động viên những tấm gương sáng là học sinh, sinh viên đặc biệt hiếu học, hiếu thảo trên Tây Nguyên. 

Là những phóng viên trẻ mới vào nghề, chúng tôi nhìn thấy ở nhà báo Hoàng Thiên Nga một tấm gương nghề nghiệp đáng nể phục. Hiếm có nhà báo nào đã nhiều năm trên cương vị Trưởng văn phòng đại diện cả khu vực của một tờ báo lớn mà vẫn miệt mài đi thực địa khắp vùng sâu vùng xa, lội bộ xuyên rừng, nay tỉnh này, mai huyện nọ, vào Nam ra Bắc, thậm chí còn “nhảy dù xuống hang động núi lửa” như chị. Vài dịp được tháp tùng theo chị thâm nhập thực tế, mệt bở hơi tai, chứng kiến chị dứt khoát chối từ nhiều “phong bì cảm ơn” từ những người bị oan đã được chị cứu giúp, chúng tôi tự hỏi sao chị có thể “vắt óc” cứu người, bền bỉ dãi dầu mưa nắng mãi từ năm này qua năm khác mà không hao vơi ngọn lửa nghề nóng bỏng?

Nhà báo không chỉ lao lực mà còn cực kỳ lao tâm khổ tứ. Nhiều khi cả ngày dự sự kiện cùng mọi người đã đủ mệt, tới khi ai nấy đã nghỉ ngơi thì nhà báo lại thâu đêm tiếp tục tìm kiếm, phân tích tài liệu, xử lý thông tin. Đặc biệt nhiều thử thách trong mảng đấu tranh phản biện, nhất là đối với những vụ phân tích các vụ sai phạm xâm hại nghiêm trọng đến quyền lợi chính đáng của toàn dân. Về việc này, không phải bỗng dưng mà rất nhiều người vẫn gọi Hoàng Thiên Nga là “bông hồng thép”.

Sắc bén và kiên định

Ông Trần Hùng, Cục phó Cục Quản lý thị trường, người khét tiếng “khắc tinh” của loại tội phạm buôn lậu, sản xuất hàng giả lần lên Đắk Lắk gần đây dự hội nghị toàn quốc về đấu tranh chống hàng giả và gian lận thương mại năm 2018 đã chia sẻ trước cử tọa hơn 200 cán bộ dự hội nghị những câu chuyện gay cấn, ít người biết trong cuộc đấu tranh dai dẳng, đòi phải xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật vụ Công ty Thuận Phong sản xuất phân bón giả, để trả lại niềm tin và công bằng cho hàng chục triệu nông dân.

Ông Trần Hùng kể: Sau khi bắt quả tang và lập biên bản ngay tại hiện trường nơi Công ty Thuận Phong chiết rót phân bón vào chai, rồi dán nhãn tự chế là hàng nhập khẩu chính hiệu từ Mỹ, đoàn liên ngành nắm được thông tin phần lớn lượng phân giả này được Thuận Phong đưa lên Tây Nguyên để bán cho nông dân, nhất là đồng bào các buôn làng vùng sâu, vùng xa.

Qua facebook, ông Trần Hùng, khi đó đang là Phó Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (gọi tắt là Ban 389), liên hệ với một Facebooker uy tín là nhà thơ Văn Công Hùng ở Gia Lai, nhờ tìm giúp “một nhà báo nào giỏi nghề, sắc sảo, không thể mua chuộc hoặc đe dọa, để hỗ trợ Ban 389 điều tra vụ này trên Tây Nguyên”. Không do dự, Facebooker này giới thiệu nhà báo Hoàng Thiên Nga với Ban 389.

Quả nhiên, chỉ sau vài ngày nhập cuộc, nhà báo Hoàng Thiên Nga đã phát hiện ra kho hàng lớn của Công ty Thuận Phong trên đoạn đường Nguyễn Chí Thanh nối dài, ngoài trưng bảng Văn phòng đại diện, nhưng bên trong lại gắn biển Chi nhánh để bán hàng lậu và che mắt nhà chức trách. Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ, ngành phải nhanh chóng xử lý dứt điểm, đúng pháp luật vụ Công ty Thuận Phong sản xuất và kinh doanh phân bón giả, gây hại nông dân, nông nghiệp. "Trong cuộc đấu tranh gian khổ này, có phần công lớn của nữ nhà báo dũng cảm Hoàng Thiên Nga", ông Trần Hùng khẳng định. 

Một cuộc chiến chống tiêu cực tham nhũng dai dẳng khác mà những người làm báo trên Tây Nguyên đều chứng kiến là việc nhà báo Hoàng Thiên Nga gần như đơn độc đương đầu với nhóm cán bộ lãnh đạo có nhiều sai phạm về y tế ở Đắk Lắk. Nói “gần như đơn độc” vì chỉ có vài tờ báo dùng kết quả thanh kiểm tra đăng một số tin bài về những sai phạm lộ quá rõ này rồi thôi. Chỉ riêng nhà báo Hoàng Thiên Nga đi sâu và kiên trì phân tích rất nhiều bài về việc mua sắm trang thiết bị y tế và đấu thầu thuốc. Người viết được những bài báo chống tiêu cực trong lĩnh vực này phải nắm vững rất nhiều kiến thức chuyên sâu, giỏi ngôn ngữ diễn đạt, lại có được nhiều nguồn thông tin chuẩn xác thì mới có thể trình bày được vấn đề phức tạp, rối rắm thành bài báo chính xác mà rõ ràng, đầy sức thuyết phục cho công chúng theo dõi.

 Viết bài trên tàu chợ trên đường ra đảo Lý Sơn.

Sau gần 3 năm chống chọi với đủ thứ thủ đoạn bôi nhọ, vu khống, tố cáo sai sự thật của nhóm người sai phạm bị phanh phui bằng một ngòi bút thép, nhà báo Hoàng Thiên Nga vẫn vững vàng, lạc quan và say mê tác nghiệp. Nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, chúng tôi xin gặp chị, hỏi chuyện để thực hiện bài báo này, đồng thời đề nghị chị cho biết cuộc chiến chống tham nhũng y tế mà chị bền bỉ theo đuổi suốt thời gian qua hiện giờ đã tới đâu, chị chỉ cười và bảo chúng tôi nên trực tiếp hỏi lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk cho khách quan.

Về vấn đề này, ông Lê Quang Tiến, Viện phó Viện KSND tỉnh Đắk Lắk cho biết: "Những phản ánh của nhà báo Hoàng Thiên Nga về các dấu hiệu sai phạm, tiêu cực, tham nhũng xảy ra tại Sở Y tế Đắk Lắk đều có cơ sở. Liên ngành Công an - Kiểm sát đã ký nhiều văn bản phối hợp và gửi đến các cơ quan Trung ương đề nghị hỗ trợ, phối hợp làm rõ để xử lý nghiêm theo đúng pháp luật. Hiện vụ việc đang điều tra làm rõ".  

Khi được hỏi về động lực giúp chị suốt 23 năm làm báo luôn mạnh mẽ, lạc quan cống hiến hết mình cho quê hương, đất nước, nhà báo Hoàng Thiên Nga cho biết: "Các bạn có muốn xã hội quanh ta thật sự công bằng, văn minh, không tiêu cực tham nhũng? Các bạn có muốn đất nước mình giàu đẹp, toàn dân được hưởng nhiều phúc lợi xã hội như ở những cường quốc hàng đầu? Nếu có thì đó chính là câu trả lời của tôi. Dù ít hay nhiều, lớn hay nhỏ, nếu mỗi cá nhân theo điều kiện của mình đều cố gắng làm được nhiều việc có ích cho cộng đồng. Nước có lên thì thuyền mới nổi, cuộc đời của chúng ta mới thật sự có ý nghĩa trong từng ngày sống.  


LÊ NHUẬN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh