Nhà báo mắc nợ trùng dương
- Dược liệu
- 17:07 - 01/01/2015
Đi qua hầu hết các vùng biển Việt Nam
Tôi biết nhà báo Nguyễn Gia Tưởng mới hơn 5 năm. Trước đó, từ còn là sinh viên, tôi đã tìm đọc khá nhiều bài phóng sự- ký sự của anh, trong đó có những loạt bài đã đoạt giải thưởng Báo chí quốc gia.
Thế rồi, như duyên nợ, thời điểm chập chững bước vào nghề, tôi gặp Nguyễn Gia Tưởng thường xuyên do có chơi với mấy đồng nghiệp của anh ở Báo Nông thôn ngày nay. Thế rồi, nhà báo trẻ như tôi đã rất thán phục khi biết anh có nhiều chuyến đi dài ngày trên hầu khắp các vùng biển Việt Nam, trong đó nhiều nhất là biển Hoàng Sa và Trường Sa.
Hơn chục năm lăn lộn với nghề, nhà báo Gia Tưởng sở hữu bộ sưu tập đồ sộ, chủ yếu là phóng sự, ký sự, trong đó ấn tượng nhất là những tác phẩm anh viết về biển đảo, như: “Lời hứa với người lính Trường Sa”, “Đụng đầu với cá lớn và ma biển”, “Cùng ngư dân đối mặt với tàu Trung Quốc”, “Đi hết Trường Sa”, “Ăn tết nơi cột mốc thép”, “Trái ngọt mang tên Trường Sa”…
Nhà báo Nguyễn Gia Tưởng trong chuyến ra khơi cùng ngư dân trên biển Trung Sa
Trong những tác phẩm viết về đề tài biển đảo, mỗi bài có những cung bậc cảm xúc, ý nghĩa khác nhau, nhưng Gia Tưởng bảo, với anh bài viết “Lời hứa với người lính Trường Sa” ấn tượng hơn cả, vượt xa những bài viết cùng đề tài vì tác giả cũng chính là nhân vật. Tác phẩm thể hiện phần nào cốt cách rất đáng trân trọng của người cầm bút, và đây là kỷ niệm mà không bao giờ anh quên trong đời cầm bút của mình.
Lời hứa với người lính Trường Sa
Nhà báo Gia Tưởng kể: “Đầu năm 2008, trong chuyến hải hành Trường Sa, trong những đêm mắc võng ngủ cùng lính đảo ở ngoài boong tàu, tôi đã nghe rất nhiều chuyện về những người vợ và những đứa con của họ. Có câu chuyện khiến tôi lúc nào cũng thắt lòng khi nghĩ đến, đó là hoàn cảnh của thiếu uý Nguyễn Đức Anh, quê ở thôn 7, xã Nga Thiện (huyện Nga Sơn, Thanh Hoá). Lần ấy, Đức Anh ra làm nhiệm vụ tại đảo Đá Thị. 5 đêm liền mắc võng nằm bên Đức Anh là bằng ấy đêm tôi nghe chuyện về vợ và con của anh ở quê nhà.
Năm 2001, chiến sĩ Anh lấy vợ là cô thôn nữ cùng xóm, tên Mai Thị Thanh. Hai vợ chồng phải chạy chữa mãi, đến năm 2004 mới sinh được con gái Nguyễn Thị Diệu Linh. Thế nhưng, điều không may mắn đã đến với gia đình họ khi bác sĩ phát hiện cháu bé bị bệnh tim bẩm sinh”.
Nhà báo Nguyễn Gia Tưởng chụp cùng chiến sĩ Nguyễn Đức Anh trên đảo Song Tử Tây. |
Sau những đêm thức trắng, trằn trọc suy nghĩ, nhà báo Gia Tưởng nghĩ rằng mình phải làm việc gì đó giúp đỡ bé Diệu Linh, để bố cháu- người lính Trường Sa yên tâm công tác. Nghĩ là làm, ngay khi trở về từ Trường Sa, bằng tất cả các mối quan hệ của bản thân và sự giúp đỡ nhiệt thành của những đồng nghiệp trong làng báo, cuối cùng nhà báo Gia Tưởng đã xin đủ số tiền tài trợ để mổ tim cho cháu Diệu Linh. Lần ấy, dù công việc làm báo vô cùng bận rộn, Gia Tưởng vẫn về tận Nga Sơn để lấy bệnh án của cháu bé tội nghiệp, con gái duy nhất của người lính Trường Sa, đưa lên cho các bác sĩ xem xét, nghiên cứu.
Ca phẫu thuật của bé Diệu Linh được tiến hành ở Viện Tim Hà Nội. Sau khi đưa bé vào viện, cả tháng sau đó nhà báo Gia Tưởng cứ liên tục chạy tới chạy lui để giải quyết những việc phát sinh. Có hôm, đang làm việc, anh phải bỏ dở bài viết, chạy đến phân trần, thanh minh với cán bộ ở Viện lý do tại sao mẹ bé Diệu Linh chậm nộp tiền viện phí.
Lại có bữa, biết mẹ con chị Thanh bị kẻ gian lấy sạch tiền ăn, anh phải vội vã đến Viện “tiếp tế” kinh phí. Nhà báo Gia Tưởng kể, trước khi cháu Linh lên bàn mổ, chị Thanh nước mắt ngắn dài trình bày, bệnh viện bảo phải có 4 người cho máu nhưng nhà chị neo người, không thể đáp ứng yêu cầu ấy.
Nghe người phụ nữa quê mùa thống thiết, chẳng suy nghĩ gì, nhà báo Gia Tưởng ghi ngay tên mình vào danh sách những người đợi tiếp máu khi cháu Linh cần. “14 giờ ngày 6/10/2008, cháu Diệu Linh được đưa vào phòng mổ. 22 giờ tối, chị Thanh thông báo với tôi rằng cháu Diệu Linh đã tỉnh, vừa được đưa xuống phòng hồi sức, lúc này tôi mới thực sự an tâm”, anh kể.
Tâm sự với tôi, nhà báo Gia Tưởng cho biết, đã hơn 5 năm sau ca phẫu thuật tim thành công của cháu Diệu Linh, gia đình tôi và gia đình chiến sĩ Đức Anh có một mối quan hệ thân tình như ruột thịt. Diệu Linh hiện giờ đã khỏe mạnh, chăm ngoan học giỏi. Mỗi lần gọi điện về từ đảo, bao giờ Đức Anh cũng rưng rưng. Lần nào về phép, anh cũng đưa vợ con từ Thanh Hóa ra Hà Nội thăm tôi. Tình cảm ấy không chỉ khiến tôi mà nhiều đồng nghiệp khác đều xúc động, trân trọng”.
Đánh cược 50 triệu đồng để được đi biển cùng ngư dân
Được ra đảo là niềm ao ước của một nhà báo trẻ như tôi, vì thế, những câu chuyện đi biển của Gia Tưởng khiến tôi thật sự háo hức. Và, trong nỗi niềm ấy có cả sự cảm phục và ngưỡng mộ, bởi nhà báo Gia Tưởng nhớ chuẩn xác vị trí, tên tuổi, lịch sử của từng hòn đảo nhỏ trên mọi vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.
Thân hình cao to vạm vỡ, nước da đen sạm vì suốt ngày lăn lộn cùng nắng gió, nhà báo Gia Tưởng trông chẳng khác gì một lão ngư. Trò chuyện, anh nói cho tới giờ, từng lênh đênh nhiều tháng trên biển, đến tất cả những nơi mà một nhà báo lăn lộn phải đến, vậy nhưng “sóng cao, gió cả” qua mọi vùng cộng lại cũng không đáng kể bằng chuyến anh đi biển Trung Sa. “Sau cả ngày thuyết phục, ông Trần Luận, thuyền trưởng tàu QNs 09360 ở xã Định Tân (huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi) mới đồng ý để cho tôi lên tàu.
Nhưng ngay trước giờ tàu xuất bến, bỗng đâu xuất hiện 2 phụ nữ khoảng 40 tuổi, mặt đằng đằng sát, khí nổi cơn tam bành, cứ nhè mặt tôi mà chỉ trỏ, xỉa xói. Chẳng biết thông tin ở đâu mà họ cho rằng, ông Trần Luận đã nhận của nhà báo 20 triệu đồng, ăn một mình mà không cho lưới bạn, nên họ không cho tôi đi. Nếu cứ cố tình ra khơi, họ bắt chồng ra rút lưới đem về và ở nhà. Họ còn bảo, nếu không phải vậy, thì tôi- là người Nhà nước, đi nhờ tàu cá của ngư dân cũng phải nộp 10 triệu đồng tiền dầu, tiền ăn, chứ chẳng nhẽ lại đi không! Họ cứ lập luận vậy và dứt khoát không cho tàu rời bến”, Gia Tưởng nhớ lại.
Nhà báo Gia Tưởng được Bộ Tư lệnh Hải Quan tặng Bằng khen vì những đóng góp cho công tác tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển, đảo và nghĩa cử cao đẹp đối với cán bộ chiến sĩ quần đảo Trường Sa. |
Theo lời Gia Tưởng, chuyến đi biển ấy, trước nguy cơ không qua được cửa “quan bà”, anh đành kiên trì thuyết phục từng người. Với đủ các lý lẽ nhà báo Gia Tưởng đưa ra, cuối cùng họ cũng đồng ý để anh ra khơi theo tàu QNs 09360, nhưng kèm điều kiện “nhà báo phải viết cam kết rằng giữa đường say sóng, cực khổ mà đòi về thì phải chịu toàn bộ phí tổn là 50 triệu đồng”.
Chẳng còn sự lựa chọn nào khác, Gia Tưởng viết đại cam kết để được lên tàu. Và, chuyến lênh đênh trên biển ấy, Gia Tưởng hài hước nói rằng, vì lo mất khoản tiền khổng lồ nên anh đã gắng sức vượt trùng dương sóng cả để ra tới Trung Sa.
Sau mỗi chuyến đi, nhà báo Gia Tưởng đều cho ra đời nhiều tác phẩm phóng sự, ký sự mới lạ, ấn tượng với người đọc. Và, trên mỗi trang viết ấy, không chỉ có sự vất vả, lăn lộn với nghề, mà còn có cả tình cảm thiêng liêng của một nhà báo chân chính, một người con đất Việt dành cho biển đảo quê hương.