Nhà báo Đình Khải: Người vẽ lại trận đấu bằng ngôn ngữ
- Văn hóa - Giải trí
- 13:53 - 23/06/2018
Bước ngoặt xảy ra khi ông Đình Khải tình cờ gặp lại người bạn cũ Kim Trạch, khi ấy đang công tác tại Ban miền Nam của Đài Tiếng nói Việt Nam. Dù gặp rất nhiều khó khăn và bỡ ngỡ, nhưng với tài văn chương bẩm sinh, cùng nỗ lực của bản thân, những tác phẩm đầu tay bắt đầu đến với độc giả qua giọng đọc của phát thanh viên Tuyết Mai.
Có một điều thú vị là lần đầu tiên tự “ôm mic” lên sóng của ông Khải lại là một chương trình… dự báo thời tiết. Ông nhớ lại: “Hôm đấy có tin bão gấp mà các phát thanh viên chính đều đã đi về cả. Ngày ấy làm gì có điện thoại như bây giờ nên không gọi họ trở lại được. Chỉ còn mỗi mình tôi ở lại và tôi đã đọc bản phát thanh đầu tiên của mình về dự báo thời tiết như thế”.
Chia sẻ về bí quyết giữ lửa nghề, nhà báo Đình Khải nói: “Tôi làm báo say sưa lắm, thậm chí còn viết một cuốn sách nói về sự đam mê của mình với nghề, những gì mình đã thực hiện trong suốt những năm làm báo. Nghề báo hay ở chỗ mình có thể tiếp xúc được với rất nhiều sự kiện, hoạt động trong cuộc sống hàng ngày, vì làm báo là phải gắn bó với đời thường và phải thời sự ở tất cả các lĩnh vực.
Nếu nói làm thế nào để giữ được tinh thần nhiệt huyết với nghề thì bản thân người làm báo phải thực sự đam mê. Ngày trước, nhiều năm rồi tôi không đón giao thừa cùng vợ con, vì cứ đến đêm giao thừa là phải lên sóng chào năm mới. Bản thân tôi thực sự say nghề, yêu nghề. Mà nếu bạn muốn yêu nghề được thì phải nhìn những cái hay cái đẹp của nghề”.
Trong suốt chặng đường hơn 40 năm làm nghề, BLV Đình Khải có không ít kỷ niệm. Nhưng kỷ niệm khiến ông xúc động nhất đến từ một khán thính giả - nghệ sỹ guitar khiếm thị Văn Vượng.
“Nhớ nhất là World Cup 2010, Văn Vượng nhắn tin cho tôi với nội dung: Nghệ sỹ Văn Vượng cảm ơn nghệ sỹ Đình Khải đã vẽ lại trận đấu cho những người khiếm thị chúng tôi xem. Nhận được tin nhắn ấy, tôi cảm động, hạnh phúc lắm”, ông Khải kể lại.
Cứ đến dịp 21/6, chúng tôi lại dành những lời chúc tốt đẹp nhất với BLV Đình Khải. Ông không chỉ là cây đa, cây đề trong làng báo thể thao, mà còn là một tượng đài về nhân cách sống, luôn tâm huyết với công việc, trở thành tấm gương cho lớp trẻ.