CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 12:07

Nguyễn Quang Lập: Nhớ mùa sim chín

 

Hết lớp 1 nhà mình bị bom, cả nhà sơ tán ra  trảng cát sau Thị Trấn, riêng mình theo ba lên làng Pha, cơ quan ba mình sơ tán ở đấy. Hai cha con ở nhà mệ Cà, nhà mệ chỉ một mẹ một con, anh Phi con trai mệ đã học  hết lớp 7. Mệ Cà hiền lành nhu mì, anh Phi cũng vậy. Nhà mệ khá giả, mệ yêu mình như con, anh Phi coi mình như em, cả hai chăm sóc nuôi nấng mình rất tử tế, ở nhà mệ Cà còn sung sướng hơn ở nhà mình gấp mấy lần. Mình nghiệm ra nơi nào theo đạo Thiên chúa toàn tòng dân ở đó rất tốt, làng xóm không có chuyện trộm cắp chửi bới nhau.

Ba tháng hè ba mình phải ra Hà Nội học chính trị, ở nhà buồn chán, mình xin mệ Cà anh Phi đi giữ bò, quê mình chăn bò gọi là giữ bò. Lúc đầu ngại mang tiếng lợi dụng con nít, mệ Cà không cho, mình nói mãi rồi mệ cũng đồng ý. Gọi là giữ bò thực ra chẳng giữ gì. Ngày ngày đem bò ra mấy đồi sim sau làng thả rong ở đấy, mình theo lũ trẻ đi hái sim, nhảy xuống suối ngụp lặn bắt cá tìm rùa, đi sâu vào rừng tìm chuối, ổi vặt ăn thỏa thuê, lắm khi ngủ quên trong rừng chuối, rừng ổi  cho tới tối mịt, bò về nhà lâu lúc nào mình cũng không biết. May có con Nhím thức dậy không thì mình ngủ cho đến sáng hôm sau.
Con Nhím ở cạnh nhà Mệ Cà, con nhà ai quên rồi. Tên đi học của nó là Loan. Nó bằng tuổi mình, cũng vừa học xong lớp 1 nhưng nhỏ quắt bé tí hon như đứa học vỡ lòng, vẫn gọi mình bằng anh xưng em. Một hôm mình ngồi đọc sách chợt có ai thở sau gáy, quay lại thấy nó đang qùy sau lưng. Vốn ghét con gái mình nhăn nhó nhìn nó, nói mi mần chi rứa? Nó nói cho em đọc sách với. Mình ném cho nó một cuốn sách mỏng, nói đó, mi đọc đi. Nó nói không không  em đọc chung với anh, đọc một mình buồn ngủ lắm.
Ảnh minh họa

Mình đành để yên cho nó đọc chung, khổ cái nó đọc chậm như rùa, vừa đọc vừa đánh vần, mình vừa lật trang nó đã chặn lại, nói không không em chưa đọc xong. Đã thế nó còn đọc to, vừa đọc vừa rặn nghe rất khó chịu. Điên lên mình đẩy nó ra, nói đừng có đọc to điếc tai tau, mi không biết đọc bằng mắt à. Nó cười rích rích, nói anh ni nói tức cười, ai đọc bằng mắt, phải đọc bằng mồm chớ. Mình đá đít nó phát, nói con ni ngu chi ngu tàn bạo. Nó đứng cười rích rích.
Con Nhím thích chơi với mình, đi đâu cũng đeo lấy mình, lắm khi tức phát điên. Lúc đầu nó còn đeo mình ở trong nhà ra ngoài ngõ, sau mình đi giữ bò nó cũng đeo theo. Mình vừa lùa bò ra khỏi ngõ là con Nhím chạy  đuổi theo liền, nó nhảy chân sáo  đi lùi trước mũi bò, mặt mày tí ta tí tởn thật ngứa mắt. Mình nói mi đi mô đó Nhím, nó nói em đi giữ bò với anh. Mình trợn mắt lên, nói ai cho mi đi, về mau không tau cho một đá văng ra ngoài biển đông chừ. Nó lắc đầu ngúng nguẩy, nói không không em đi giữ bò với anh.
Chẳng biết làm gì với nó, mình nhảy lên lưng bò thúc bò đi thật nhanh. Nó cầm đuôi bò chạy theo, nói cho em ngồi bò với, cho em ngồi bò với. Mình nói con ni hay chưa tề, bò tau chơ bò mi à, răng mi đòi ngồi với tau. Nó lắc đầu ngúng nguẩy, nói không không em ngồi bò với anh. Thấy nó cứ chạy sau cầm đuôi bò giật giật, mình sợ bò đá hậu một phát toi đời con bé, đành nhảy xuống đùn nó lên lưng bò. Được ngồi sau lưng mình con bé thích lắm, nó hát ỉ eo bài gì chẳng ra bài gì nghe thật ngứa tai. Mình quát nhặng cả lên, nói đừng hát điếc tai tau. Nó không thèm chấp, ngồi cười rích rích.
Ảnh minh họa
Nói chung mình chỉ ghét con Nhím cứ đeo lẳng nhẳng theo mình thôi chứ có nó rất được việc. Ra đồi sim mình như ông vua con coi nó như con hầu. Mình nói mi coi bò cho tau, để bò bỏ đồi xuống đồng ăn lúa... chết tau nghe chưa! Nó dạ dạ chạy đi liền. Là mình sai để con Nhím "cút đi cho rảnh mắt”  chứ bò mệ Cà khôn lắm, chỉ ăn cỏ bứt lá quanh quẩn mấy quả đồi, không bao giờ xuống đồng. Con Nhím giữ bò, mình chơi đủ trò với lũ trẻ chăn bò, chán chơi lại nằm khểnh sai con Nhím, nói ê nhím về nhà lấy nước, nó dạ dạ chạy về làng xách ra cả bình tông nước, còn ôm theo một bọc khoai luộc. Ăn uống no nê mình lại gọi nó, nói ê nhím đi hái sim cho tau, hái ổi cho tau, bẻ chuối cho tau, hái dâu cho tau... việc gì nó cũng dạ dạ rồi con cón chạy đi liền.

Con bé hái sim rất tài. Đồi sim mênh mông, sim chín nhiều vô kể nhưng hái được những quả sim chín mọng không bị sâu,  không bị nứt nẻ móp méo đâu phải dễ . Mỗi lần mình sai nó đi hái sim, nửa giờ sau là nó đem về một cạu (rá nhỏ) đầy, trăm quả như một, quả nào quả nấy chín mọng tròn đều. Mình nói răng mi tài rứa. Được khen nó cười tít mắt, nói em phải tài chứ.
Bây giờ nhớ lại mới thấy con bé thật dễ thương, nó luôn luôn vui vẻ chẳng khi nào cáu giận. Mình quát nạt cốc đầu đá đít nó vẫn cười rích rích, thế gian hiếm ai được như nó. Nhưng khi đó mình ghét con gái, thấy nó cười là mình trợn mắt quát, nói con ni  vô duyên cực, cái cứt chi cũng cười.

Buổi trưa mình với nó chui vào bụi sim lớn tránh nắng. Mình bắt nó đọc sách để mình ngủ. Nó cũng buồn ngủ lắm nhưng vẫn ráng ê a đọc, chờ mình ngủ say nó mới ngủ. Một lần mình tỉnh giấc thấy nó thức giấc từ lúc nào, mắt nó mở to mơ màng, hình như nó vừa chiêm bao. Nó vùng dậy chồm trước mặt mình, nói anh có thích làm hoàng tử không. Mình nói ẻ vô, hoàng tử làm cái chi. Nó túm áo mình day day, nói không không anh phải làm hoàng tử để em làm công chúa. Em là công chúa Hoàng Loan he he. Mình cười, nói công chúa cục cứt, đồ xấu oẳng còn đòi làm công chúa. Nó lắc đầu ngúng nguẩy, nói không không em không xấu.
Con Nhím nói đúng, nó không xấu. Lớn lên nó rất đẹp, đẹp như Ái Vân, có khi còn hơn Ái Vân, mình cũng không ngờ nó đẹp đến thế. Con gái làng đạo nói chung là đẹp nhưng đẹp như nó thật khó kiếm.
Hết hè năm 1965 mình về Ba Đồn, từ đó mãi về sau không hề gặp con Nhím, mình cũng quên luôn, chẳng khi nào nhớ nó cả. Mãi đến năm 1982 mình  theo thằng Phong (Nguyễn Thành Phong) lên biên giới phía Bắc làm báo cho báo QĐND. Hai thằng mình lên Quân đoàn 2, nơi tướng Nguyễn Chơn làm tư lệnh. Tướng Nguyễn Chơn cho hai thằng ăn no uống say suốt cả tuần, thật đã. Ông còn tổ chức đêm thơ để hai thằng đọc thơ cho bộ đội. Đêm thơ thằng Phong là chủ công, thằng này diễn thuyết trước đám đông rất giỏi, khoản này mình thua nó xa. Mình đọc ba bốn bài chi đó rồi tót ra sau hội trường ngồi hút thuốc. Đang ngồi nghĩ vẩn vơ ngẩng lên thấy một cô thượng sĩ quân y cực đẹp đứng trước mặt mình, nói nhà thơ có nhớ em không?... Em là Nhím đây, Nhím làng Pha đây. Mình trợn mắt há mồm, thật không thể tin nổi con Nhím nhỏ quắt bé tí hin lại đẹp đến thế này.
Một tỉnh miền núi phía bắc
Bây giờ mới biết con Nhím đi bộ đội đã hơn bốn năm, nó làm y tá ở trạm xá quân đoàn bộ. Hai đứa ngồi nói chuyện say sưa, đêm thơ tan lúc nào cũng chẳng biết. Thằng Phong chạy đi tìm mình, thấy con Nhím thằng Phong mắt tròn mắt dẹt kéo mình ra một góc, nói ông tăm đâu ra con bé ngon thế, đù mé!
Sáng sau mình theo tướng Nguyễn Chơn đi xem bộ đội diễn tập đánh xe tăng, vừa lên xe con Nhím chạy tới, nói em sắp đi công tác, diễn tập xong anh quay lại quân đoàn bộ chắc cũng không gặp em nữa. Nó dúi cho mình bọc sim chín, nói để anh nhớ thời anh em mình ở làng Pha. Xe chạy, nó đứng nhìn theo mãi. Thốt nhiên mình nhớ buổi chiều anh Nghinh đạp xe lên làng Pha chở mình về Ba Đồn, con Nhím cứ chạy đuổi theo mình vừa chạy vừa khóc, nói không không em không cho anh về, không không em không cho anh về. Ra đến đường đê ngoái lại thấy bóng nó đứng ở cổng làng nhỏ tí hin như  chữ i ngắn.
Mình đinh ninh thế nào cũng quay lại tìm con Nhím, thử tán tỉnh nó xem có cưới nó làm vợ được không. Nhưng đời lính lang thang nay đây mai đó, hết Sơn Tây về Quảng Ninh, hết Hải Phòng về Đà Nẵng… chẳng khi nào trở lại Quân đoàn 2. Năm 1986 mình về quê gặp anh Phi ở chợ, anh làm việc chi đó ở văn phòng huyện ủy. Anh Phi rủ về làng Pha, mình theo liền.
Ngôi nhà xưa vắng vẻ hẳn đi, Mệ Cà mất được vài năm, anh Phi cũng vừa lấy vợ. Mình hỏi anh Phi, nói con Nhím lấy chồng chưa, nó có hay về phép không. Anh Phi lắc đầu, nói nó chết rồi còn đâu, bị pháo Trung Quốc dập, chết không còn xác. Mình sững người.
Mình sang nhà con Nhím thắp hương cho nó. Tấm ảnh nó trên bàn thờ đẹp rực rỡ, nó đang mỉm cười nhìn mình, đôi mắt tươi sáng long lanh. Bằng Tổ quốc ghi công nhập nhòa trước mắt mình: Liệt sĩ Hoàng Loan, hy sinh ngày 28 tháng 4 năm 1984 tại mặt trận Vị Xuyên…

Thôi không kể nữa, buồn quá...

Nguyễn Quang Lập

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
4 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh