Nguyễn Quang Lập: Hà Nội trong tôi
- Văn hóa - Giải trí
- 00:49 - 15/03/2015
Hồ Gươm thanh bình năm 1954
Hà Nội trong kí ức xa vời của tôi, khi tôi còn là chú bé bốn, năm tuổi ở men bờ sông Gianh, là một vệt xanh xa mờ nằm dưới đuôi cán chiếc gáo lớn của Thiên Hà, gọi là Bắc Đẩu thất tinh. Cái vệt xanh mờ ấy quá xa xôi khiến tôi chẳng dám mơ một ngày mình sẽ đến Thủ Đô.
Ba tôi nói Hà Nội là thủ đô có nhiều hồ nhất thế giới, hơn một trăm hồ lận. Còn bé tí hin thì một trăm là con số khổng lồ, ngay lập tức cái vệt xanh mờ xa xôi kia trong trí tưởng tượng giàu có bẩm sinh của tôi là một cái hồ vĩ đại, thỉnh thoảng vào những ngày hè oi bức, ông trời đã lấy chiếc gáo Bắc đẩu thất tinh múc nước hồ tưới mát khắp cõi nhân gian.
Rồi thầy tôi nói Hà Nội là trái tim của Tổ quốc, tôi chưa biết hình thù trái tim ra sao, kể từ đó trái tim Tổ quốc là chiếc hồ lớn lớn dập dềnh dập dềnh trong các giấc mơ đẹp nhất của tôi. Đôi khi chiêm bao chiếc hồ vĩ đại kia cạn nước, Tổ quốc quằn quại đau thương, giật mình vùng dậy trong đêm ngồi mếu máo khóc.
Lớn lên một chút, suốt ngày đọc thơ Trần Đăng Khoa viết về Hà Nội, cứ nhắm nghiền mắt vừa đi vừa đọc, tưởng tượng mình cùng Trần Đăng Khoa nắm tay nhau dung dăng dung dẻ đi trong lòng Hà Nội….Hà Nội có Hồ Gươm /Nước xanh như pha mực /Bên hồ ngọn Tháp Bút / Viết thơ lên trời cao… Hà Nội có tàu điện/ Đi về cứ leng keng/Người xuống và người lên/Người nào trông cũng đẹp … ôi chao ôi là thích.
Cầu phao Khuyến Lương ở phía Nam Hà Nội thời chiến
Chẳng ngờ mười tám tuổi đến Hà Nội, kể từ bấy đến nay loanh đi về và sống cùng với Hà Nội, thấy Hà Nội quá gần gũi với quê nhà. Hà Nội rợp bóng cây, đi trong lòng Hà Nội lòng thư thái như đi trong vườn nhà mình. Hà Nội mênh mang sông nước, chen giữa sông Lừ, sông Sét, Tô Lịch và Kim Ngưu chảy dọc ngang là hồ, mênh mang nước xanh ngắt, lăn tăn sóng, thấy Hà Nội chẳng khác bao nhiêu trong trí tưởng tượng bé con của tôi.
Sông hồ Hà Nội sinh ra cho Hà Nội mãi xanh tươi, đầy sức sống. Nó là khoảng lặng bình yên nơi đô hội, chỗ dừng chân nghỉ ngơi, nơi thanh sạch nhất yên tĩnh nhất để tìm về. Khách thập phương tìm về Hà Nội là tìm về thành phố sông hồ. Người ta có thể có những xa lộ rộng mênh mông, những toà nhà chọc trời, những đường tàu điện ngầm, những cáp treo tàu hoả, nhưng người ta không thể làm ra một thành phố sông hồ như Hà Nội. Không thể, không ai có thể trừ Tạo Hoá.
Tạo Hoá đã cho trai gái Hà Nội nơi hẹn hò, cho con nít Hà Nội có chỗ rong chơi, cho người Hà Nội thảnh thơi sau một ngày lam lũ. Tạo Hoá nhân văn quá. Kỉ niệm về Hà Nội chủ yếu cũng là kỉ niệm về sông hồ, những đứa con Hà Nội xa nhà trong bao da diết về quê nhà không thể thiếu vắng sông hồ, chút hồn quê lấp lánh ngọt lịm.
Tôi đã ngồi với người yêu tôi dưới những tàng cây hoa sữa hồ Thiền Quang, Nguyễn Quang Thiều cũng đã ngồi với người yêu nơi đấy. Một buổi chiều tôi đã thấy Xuân Quỳnh khoác tay Lưu Quang Vũ thong thả quanh hồ, trong khi Nguyễn Đình Thi đứng tựa gốc cây nhìn xa xôi sang bên kia đường Trần Nhân Tông, hình như ông cũng đang đứng đợi người tình.
Hồ Gươm là nơi tôi thường cùng ba đứa con tôi chơi đùa những buổi chiều nắng nhạt, nơi đấy tôi cũng đã thấy Lan Hương 13 tuổi mặc chiếc áo hoa cộc tay chạy tung tăng quanh những hàng liễu rủ, đứng tròn xoe mắt trước cây lộc vừng chín gốc. Bảy năm sau hình như Lan Hương đã nhận nụ hôn đầu cũng ở nơi đây.
Và Hồ Tây thật quá nhiều kỉ niệm với Phùng Quán, với Trần Dần, Tào Mạt. Trên chòi ngắm sóng, Tào Mạt rưng rưng gõ nhịp hát những câu chèo, Trần Dần rưng rưng nhấp chén rượu Vân nhìn như xé màn sương hồ, tuồng như ông đang cố tìm cố vớt những gì ông đã mất, Phùng Quán rưng rưng đọc mấy câu thơ thương nhớ một người xưa.
Ở xa kia, bên kia đường Thanh Niên hình như Lê Vân đang ngồi bó gối, âm thầm đếm sóng như đếm những cuộc tình tan. Đường Cổ Ngư người yêu của Trần Tiến đang vừa khóc vừa chạy bời bời sau một cuộc tình dang dở. Bên kia hồ Trúc Bạch, Nguyễn Khải chiều chiều đứng khoanh tay nhìn xuống đáy hồ, âm thầm thương nhớ đứa con yêu.
Nhiều không sao kể xiết những kỉ niệm về hồ. Những kỉ niệm vu vơ thế kia biết đâu sẽ là những kỉ niệm ngọc ngà, bởi vì hồ Hà Nội đang mất dần, đang chết dần, đang bị rẻ rúng bị bức tử dần, thật là đau xót.
Hà Nội còn bao nhiêu hồ? Một trăm hồ chăng, không không chỉ 65 hồ thôi, không không chỉ còn 40 hồ thôi, không không chỉ hơn ba chục, không không chỉ còn hơn mười hồ là đáng kể. Tất cả các hồ đều bị ô nhiễm trầm trọng kể cả Hồ Gươm, Hồ Tây. Vì sao lại thế? Không nói ai cũng biết, nói như Nguyễn Quang Thiều “nói mỏi mồm rồi, nói thêm nữa thì cũng thế.”
Tháng 11/2014, hàng loạt cổ thụ ở đường Nguyễn Trãi (Hà Nội) bị đốn hạ
Hà Nội đang lớn mạnh không ngừng nhưng Hà Nội đang mất dần đi trong niềm yêu thương của người Hà Nội, đơn giản vì Hà Nội đang mất dần đi cây xanh, vỉa hè và sông hồ. Cả ba thứ đó ngàn năm vẫn sống yên bình trong lòng người Hà Nội, bỗng một ngày tủi hổ ra đi, lẳng lặng biến mất trước bao nhiêu ngơ ngác.
Tôi nhớ một buổi chiều cuối năm1994, khi tôi rượu đã say, đang chân nam đá chân chiêu vượt qua đường tàu đi vào hồ Ba Mẫu, lúc này nó đang teo dần từa tựa một cái ao, tôi bỗng gặp Trần Dần.
Ông chống gậy đứng lặng phắc nhìn như xé xuống đáy hồ, nói Lập có biết Tạo Hoá là gì không. Tôi không nói, ông cũng không nói, toàn thân ông rung rung cơ chừng như sắp bay đi mất. Rất lâu sau ông mới cất tiếng rung rung, nói Tạo Hóa là trời cho, phàm trời cho cái gì không lo gìn giữ, bỉ của trời thì có ngày rước lấy họa đó em.
Chiều nay buồn, ngồi nhìn qua cửa sổ ngóng xuống hồ Linh Đàm, câu nói Trần Dần bỗng văng vẳng bên tai, chợt thấy rưng rưng, lẳng lặng ngồi vào bàn viết. Viết xong trời đã tối mịt, bèn in ra rồi cầm bài viết này lết lên gác thượng tầng 15 khu nhà tôi ở, thả những tâm tư này xuống lòng đất như thả vào lòng Hà Nội của riêng tôi.
Có thể nhiều người cho là sến, nhưng khi ấy, khi hai mảnh giấy chao nghiêng dần dần sà vào lòng đất, thốt nhiên trong tôi dâng lên một nỗi gì không nói được.