Nguyễn Quang - người thổi hồn cho gỗ
- Văn hóa - Giải trí
- 13:05 - 17/01/2017
Tiếp tôi là một người đàn ông hãy còn khá trẻ trong chiếc áo bám đầy bụi gỗ, đi đi lại lại liên tục trong xưởng vừa kiểm tra sản phẩm vừa động viên công nhân làm việc. Anh kể: Cho dù đã rất lâu rồi nhưng anh vẫn còn nhớ mãi ân nhân đã giúp mình đến với nghiệp này, đó là chị chủ quán nước đã nhận anh vào làm việc cho chị. Có thể nói, đây là cái duyên đưa Nguyễn Quang bước chân vào con đường nghệ thuật qua công ty Điêu khắc Suối Tiên mà chị giới thiệu.
Nghệ nhân Nguyễn Quang say mê sáng tạo
Học chưa hết cấp II, gia đình anh khó khăn anh phải nghỉ học tìm nhiều việc làm linh tinh nơi quê nhà phụ giúp mẹ nuôi em. Không thể tìm được một công việc ổn định, suy nghĩ nhiều cách để giúp mẹ nên năm 1993 anh đã quyết định vào Nam tìm kiếm cơ hội. Thật khó có thể tìm được việc làm khi bản thân chẳng có quen biết nhiều. Lang thang xin việc khắp chỗ, ở Sài Gòn không ổn anh về Hố Nai mưu sinh. Lúc đầu, anh đi làm đủ thứ nghề để sinh sống, kinh tế khó khăn nên anh thường lâm vào cảnh bế tắc, có khi chỉ làm việc để được ăn cơm chứ chả có đồng tiền công nào. Sau nhiều năm phụ việc và học nghề điêu khắc ở nơi mà chị bán café giới thiệu, năm 1997 anh đã mạnh dạn mở cơ sở điêu khắc riêng cho mình tại huyện Hàm Tân tỉnh Bình Thuận. Do nguồn nguyên liệu khó tìm tại nơi này, anh lại một lần nữa trở về Đồng Nai tại huyện Xuân Lộc và điêu khắc Nguyễn Quang đã xây dựng được thương hiệu cho mình từ đó đến nay.
Những khối gỗ vô hồn đã trở nên sống động qua bàn tay nghệ nhân Nguyễn Quang
Giờ đây khi xem tài biểu diễn trên một khúc gổ của nghệ nhân Nguyễn Quang tôi cảm thấy thật thú vị, ở anh tóat lên một vẻ chuyên nghiệp rất lạ tưởng chừng anh là người làm nghề này do cha truyền con nối vậy. Những cái gốc cổ thụ khô sần sùi, nếu bình thường nó cũng chẳng là gì ngoài làm củi theo cách nhìn của tôi. Nhưng với Nguyễn Quang nó sẽ trở thành một tác phẩm đáng giá có khi tính tiền tỷ, sau khi anh “ra tay” bằng những chiếc đục. Người ta thấy ở những sản phẩm đồ gỗ điêu khắc Nguyễn Quang rất nhiều những điều đặc biệt, làm mê mẩn những ai có máu nghệ sĩ hay thích sưu tầm. Những tác phẩm điêu khắc Nguyễn Quang đều được định hình từ những gốc cây cổ thụ quý hiếm tồn tại theo thời gian, có mùi thơm đặc biệt, được thiên nhiên với những điều kiện khí hậu, hoàn cảnh khác nhau bào mòn nên mỗi tác phẩm là một nét riêng với những hình hài, lồi lõm độc đáo, không một bàn tay con người nào tạo ra được mà chỉ có thể đất trời ban tặng.
Bên bức tượng đang định hình
Nguyễn Quang cho biết: “Chính vẻ đẹp hút hồn đó và mùi thơm tự nhiên huyền bí, diệu kỳ của từng loại cây cổ thụ quí hiếm tưởng chừng vô tri ấy đã cuốn hút anh, tạo nên lòng đam mê, kiên trì mà không sóng gió nào quật ngã được”. Và Nguyễn Quang, với hơn 8.000 tác phẩm điêu khắc gỗ, qua gần 30 năm tìm tòi sáng tác, đã có chỗ đứng vững chắc trong lòng những ai yêu nghệ thuật và thích sưu tầm đồ gỗ mỹ nghệ. Anh tâm sự “Điều quan trọng là được theo đuổi con đường, niềm đam mê mình đã chọn” dù cuộc đời người nghệ sĩ còn lắm khó khăn. Hiện nay, anh vẫn miệt mài trên những hành trình đi khắp đất nước hay qua tận các nước bạn để tìm kiếm, sưu tầm những “gốc cây mang giá trị thời gian”.
Một trong những tác phẩm điêu khắc độc đáo của Nguyễn Quang
Tìm được những khối gỗ ưng ý, anh lại âm thầm miệt mài say sưa với cây cưa, phát đục chấm phá và sáng tạo thêm những tác phẩm điêu khắc nghệ thuật. Nghe ai nói ở đâu có gốc cổ thụ lạ, đẹp anh lại lặn lội tìm đến và cố gắng tìm mọi cách đưa về. Trong xưởng điêu khắc của anh lúc nào cũng ồn ào bởi những chiếc máy cắt gỗ, xen lẫn máy bào và tiếng đục đẽo. Những người thợ của cơ sở điêu khắc gỗ Nguyễn Quang tại ấp Bình Hoà, xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, đều nhễ nhại mồ hôi vì chăm chút tạo ra các tác phẩm đễ lại cho đời. Nguyễn Quang vẫn đang ấp ủ mơ ước tạo ra một khu vườn “ Điêu Khắc Gỗ” để mọi người đến ngắm nhìn và thưởng thức.