CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:13

Tái bản sách của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng

 

Tiểu thuyết Đêm hội Long Trì được đăng tải lần đầu tiên trên tạp chí Tri tân năm 1942 – là dấu ấn để nhà văn Nguyễn Huy Tưởng khẳng định tên tuổi của mình trên văn đàn. Với Đêm hội Long Trì, người đọc sớm nhận thấy ở Nguyễn Huy Tưởng một ngòi bút có khuynh hướng lịch sử không trộn lẫn. Nếu như các tác phẩm khác cùng thời thường đi sâu vào chuyện riêng tư của nhà chúa, với sự đam mê nữ sắc của Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm, âm mưu và tham vọng của Đặng Tuyên phi, sự càn rỡ của Cậu Trời Đặng Lân... trong không gian ít vượt khỏi khuôn viên phủ chúa, thì ở Đêm hội Long Trì, quy mô đề tài cùng các tuyến nhân vật được mở rộng hơn rất nhiều. Dựa trên tấn bi kịch trong gia đình nhà chúa mà sử sách ghi lại, Nguyễn Huy Tưởng đã dựng lên một bức tranh xã hội thời phong kiến với nhiều vấn đề được đặt ra. Việc tranh ngôi đoạt vị đã dẫn đến kết cục là gia đình nhà chúa rồi cả ngôi vị chúa Trịnh đều tiêu vong. Không những thế, sự an nguy của kinh thành, hay rộng hơn, của đất nước cũng đều chịu chung hệ lụy. Tác phẩm cũng đặt ra vấn đề trách nhiệm của kẻ sĩ và người thi hành công vụ trước cái ác lộng hành. Với một cốt truyện gọn gàng, giàu chất thơ và kịch tính, Đêm hội Long Trì đã được chuyển thể thành chèo, cải lương, điện ảnh, trong đó phim truyện Đêm hội Long Trì được đánh giá là một thành công của điện ảnh Việt Nam. Kịch Vũ Như Tô được xem là tác phẩm quan trọng nhất trong sự nghiệp sáng tác của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, một vở kịch kinh điển trong văn học Việt Nam. Giống như một số tác phẩm lớn khác, kịch Vũ Như Tô có số phận khá đặc biệt. Tác phẩm dựa trên một câu chuyện có thật, được ghi lại trong sử sách, kể về việc Vũ Như Tô, một người thợ tài hoa ở Cẩm Giàng, được vua Lê Tương Dực giao cho xây dựng tòa điện trăm nóc Cửu trùng đài. Công trình có quy mô to tát, hao người tốn của đã khiến đất nước kiệt quệ, nhân dân lầm than. Kết cục, dân chúng bị kích động đã nổi dậy, hùa theo binh lính đốt phá Cửu trùng đài, giết chết vua Lê Tương Dực và người thợ cả Vũ Như Tô… 

 

Ba tác phẩm mới của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng


Dựa trên cốt truyện ấy, tác giả đã sáng tạo nên một vở bi kịch năm hồi có quy mô rộng lớn, chứa đựng một nội dung tư tưởng sâu sắc, mang nhiều ý nghĩa. Nổi bật lên trên nền của những xung đột đầy kịch tính và đa chiều xuyên suốt năm hồi kịch, là khát vọng sáng tạo khôn cùng của người nghệ sĩ Vũ Như Tô, là sự đồng cảm trước nghệ thuật cao cả của cặp nhân vật Vũ Như Tô - Đan Thiềm. Tác phẩm ra đời từ nửa đầu thập niên bốn mươi của thế kỉ trước, nhưng suốt một thời gian dài đã không được nhận chân một cách xứng đáng. Một sự kiện đã đến với vở kịch vào năm 1995, khi Vũ Như Tô được Nhà hát tuổi trẻ đưa lên sân khấu, sau nửa thế kỉ nằm im trên trang giấy. Kể từ đó, vở kịch như được tái phát hiện, trở thành mối quan tâm hàng đầu trong di sản của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Những khắc khoải của tác giả ở lời đề tựa của vở kịch phải chăng cũng là trăn trở của văn nghệ sĩ muôn đời, khiến tác phẩm có sức sống vượt thời gian. “… Than ôi! Như Tô phải hay những kẻ giết Như Tô phải? Ta chẳng biết. Cầm bút chẳng qua cùng một bệnh với Đan Thiềm”.
Còn “Hai bàn tay chiến sĩ” lại là một trong những cuốn sách nhà văn Nguyễn Huy Tưởng viết cho thiếu nhi được xuất bản trong những ngày đầu thành lập NXB Kim Đồng. Nhân vật chính của cuốn sách có nguyên mẫu là chiến sĩ Nguyễn Văn Bẩm mà tác giả có dịp gặp gỡ trong Hội nghị chiến sĩ toàn quân năm 1952. Trong một trận càn ác liệt của địch, anh bị địch bắt. Chúng dùng nhiều cực hình dã man, thậm chí đốt cả hai bàn tay anh để bắt anh khai đồng chí của mình. Với nghị lực phi thường, anh Bẩm đã vượt qua mọi thử thách để trở về với đồng đội, tiếp tục tham gia chiến đấu. 
Từ những trang ghi chép người thực việc thực, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã xây dựng nên một tác phẩm hết sức xúc động. Độc giả hồi hộp theo dõi từng bước đường của chiến sĩ Bẩm, đau đớn trước những đòn tra tấn của giặc mà anh phải chịu đựng, cảm phục trước sự can trường, mưu trí của anh. Nhà văn Tô Hoài từng có chung nhận xét về tác phẩm này bên cạnh những truyện lịch sử hay nhất của người bạn văn Nguyễn Huy Tưởng: “Truyện Kể chuyện Quang Trung, truyện Lá cờ thêu sáu chữ vàng, truyện Hai bàn tay chiến sĩ, mỗi truyện là một trang anh hùng đời đời của dân tộc ta từ ngàn xưa, hoặc mới đây, trong cuộc kháng chiến lần thứ nhất, như tinh thần dũng cảm đến tột cùng trong Hai bàn tay chiến sĩ.”
Cùng với Sống mãi với Thủ đô, An Tư, Lá cờ thêu sáu chữ vàng, Tìm mẹ, An Dương Vương xây thành Ốc, Con cóc là cậu ông Giời… ba tác phẩm mới của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng được tái bản lần này giúp độc giả được thưởng thức trọn vẹn các trước tác của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng – những tác phẩm được đưa vào Tủ sách Vàng dành thiếu nhi và Tủ sách tác phẩm chọn lọc dành cho mọi đối tượng bạn đọc của NXB Kim Đồng.

Phùng Hà

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh