Đồng Tháp: Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%
- Bài thuốc hay
- 10:58 - 01/11/2021
Đoàn khảo sát, giám sát của Ban Văn hoá - Xã hội, Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Tháp vừa có buổi làm việc về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 53/2011/NQ-HĐND ngày 20/7/2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh về quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2016 - 2020.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, thực hiện Nghị quyết trên, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 58,2% (năm 2016) lên 70% (năm 2020), trong đó qua đào tạo nghề từ 42% tăng lên 50% so với lực lượng lao động của tỉnh, đạt mục tiêu của Nghị quyết.
Tuy nhiên, kết quả đào tạo cán bộ, công chức hành chính các cấp chưa đạt mục tiêu Nghị quyết đề ra, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Dù vậy, theo báo cáo thống kê số lượng, chất lượng cán bộ, công chức năm 2020, cấp tỉnh, huyện có trình độ từ cao đẳng trở lên đạt 99%, cấp xã đạt gần 83%.
Ông Kiều Thế Lâm - Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh cho rằng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực (khu vực công và khu vực tư) là nhiệm vụ chiến lược, thực hiện thường xuyên, nhằm đáp ứng những yêu cầu mới, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu ổn định chính trị, phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế.
Ông Kiều Thế Lâm đánh giá cao nỗ lực của các ngành, địa phương đã triển khai Nghị quyết này với nhiều điểm sáng như: Thực hiện có hiệu quả Chương trình đưa cán bộ, công chức, viên chức đào tạo sau đại học ở nước ngoài; chuyển dịch dần lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp, chủ trương đột phá đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài; đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả; đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn.
Toàn tỉnh Đồng Tháp hiện có 28 cơ sở giáo dục nghề nghiệp với quy mô tuyển sinh đào tạo khoảng 21.500 học viên/năm. Từ năm 2011 - 2020, toàn tỉnh có gần 210.000 người tham gia học nghề, vượt 16% so với kế hoạch. Đến năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%, trong đó tỷ lệ qua đào tạo nghề đạt 50%.
Từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm của Trung ương, của tỉnh đã tạo điều kiện cho 24.000 lao động được vay vốn tạo việc làm với tổng kinh phí 207 tỷ đồng, góp phần rất lớn trong công tác giải quyết việc làm sau đào tạo, ổn định kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh đề ra mục tiêu đào tạo nghề cho khoảng 75.000 lao động, trong đó có 8.500 người được đào tạo trình độ cao đẳng; 11.500 người được đào tạo trình độ trung cấp, 60.000 người được đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng để đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 79%, trong đó qua đào tạo nghề là 57%.