THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 01:47

Nguồn vốn chính sách – “cứu cánh” cho phụ nữ nghèo

 

 

Khi những phụ nữ nghèo được giúp đỡ

Trước đây gia đình chị Ma Thị Nguyệt, xóm Bản Cái, xã Nghinh Tường, huyện Võ Nhai, Thái Nguyên là một trong những gia đình nghèo nhất nhì trong xã, nhờ nguồn vốn chính sách, gia đình chị đã vươn lên thoát nghèo “có bát ăn, bát để”. Chị Nguyệt chia sẻ: Năm 2010, chồng tôi mắc bệnh nặng rồi qua đời. Gia đình tôi vốn đã nghèo lại mất đi người đàn ông trụ cột khiến hoàn cảnh càng thêm khó khăn hơn. Lúc đó, tôi gần như suy sụp hoàn toàn, con trai mới có 10 tuổi. Nhà chỉ có 3 sào đất trồng ngô, tôi chẳng biết làm gì để duy trì cuộc sống. Thấy hoàn cảnh khó khăn của tôi, Hội Phụ nữ xã đã đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện tạo điều kiện cho tôi vay 20 triệu đồng để làm vốn phát triển kinh tế. Không chỉ có vậy, tôi còn được tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật (KHKT) về trồng trọt và chăn nuôi do Hội Phụ nữ tổ chức ngay tại địa phương. Có vốn và kiến thức làm ăn, tôi quyết định đầu tư mua 1 con trâu, trồng 6 sào chè cành và nuôi 5 con lợn với mong muốn sớm ổn định cuộc sống. Nhờ vậy, năm 2014, gia đình tôi đã chính thức thoát nghèo. Hiện nay, khoản thu nhập từ 6 sào chè cành và chăn nuôi lợn, gà đã giúp gia đình tôi có cuộc sống ấm no hơn. Năm vừa rồi, tôi đã sửa lại căn nhà với số tiền hơn 50 triệu đồng.

Hay như gia đình chị Nguyễn Thị Duyên ở thôn Thượng, xã Thượng Lâm, huyện Mỹ Đức (Hà Nội) cũng vậy. Từ một hộ có hoàn cảnh khó khăn, nhờ vốn vay Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH), gia đình chị vươn lên thoát nghèo, xây dựng cơ ngơi khá giả. Chị Duyên kể,  năm 2013, được vay 25 triệu đồng hộ cận nghèo của NHCSXH cùng với số tiền dành dụm của gia đình, vợ chồng chị Duyên đã cải tạo 1.500m2 mặt nước làm ao thả cá giống và nuôi bò sinh sản, gà thịt. Công việc nuôi cá, và chăm sóc đàn gà, bò sinh sản thuận lợi, cho thu nhập cao, gia đình chị tiếp tục tăng đàn và mở rộng hệ thống chuồng trại, ao nuôi. Dự kiến trừ mọi chi phí gia đình chị cũng để ra 60 -70 triệu đồng/ năm.

Theo báo cáo, Hội LHPN Việt Nam, tính đến 30/9/2016, Hội LHPN Việt Nam đang quản lý 72.684 Tổ tiết kiệm và vay vốn với dư nợ nhận thác của NHCSXH là gần 60.000 tỷ đồng, cho 2.652.796 hộ gia đình phụ nữ nghèo vay. Trong đó, tập trung ở các chương trình cho vay hộ nghèo (14.000 tỷ đồng); hộ cận nghèo (12.000 tỷ đồng); hộ thoát nghèo (4.000 tỷ đồng); HSSV có hoàn cảnh khó khăn (8.100 tỷ đồng) và cho vay giải quyết việc làm (2.500 tỷ đồng).

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết cho biết: Thông qua ủy thác vốn vay của NHCSXH, Hội Phụ nữ đã thu hút thêm hội viên, phát huy vai trò trong việc tạo điều kiện cho chị em phụ nữ nghèo làm chủ hộ có cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay thuận lợi, kịp thời, giúp họ tự chủ trong việc phát triển kinh tế. “Có thể khẳng định, tín dụng chính sách đã tiếp thêm sức mạnh, giúp cho nhiều chị em phụ nữ thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện tốt chương trình giảm nghèo của địa phương” – bà Tuyết khẳng định.

Nỗ lực dẫn vốn ưu đãi đến đúng đối tượng



Theo đánh giá của Hội LHPN Việt Nam, để đưa nguồn vốn ưu đãi đến đúng đối tượng thụ hưởng, các cấp Hội Phụ nữ cơ sở đã tập trung ưu tiên cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách ở các huyện nghèo. Đồng thời gắn vốn vay với chương trình phát triển kinh tế, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, ngành nghề phù hợp; các chương trình dạy nghề, chuyển giao công nghệ, khuyến nông, khuyến lâm, định hướng thị trường,… Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận một thực tế là việc sử dụng đồng vốn đúng mục đích, hiệu quả là một bài toán khó đối với những đối tượng vay vốn, bởi nguyên nhân của sự đói nghèo đều xuất phát từ việc thiếu kiến thức, KHKT và cả công tác quản lý tài chính của từng hộ vay. Vì vậy, Hội LHPN Việt Nam đã chỉ đạo các cấp hội tập trung hướng dẫn chị em phụ nữ những kiến thức cơ bản về tài chính vi mô, phối hợp mở các lớp tập huấn kiến thức KHKT trồng trọt, chăn nuôi để chị em vận dụng vào phát triển sản xuất.

Trong thời gian tới các cấp Hội tiếp tục tăng cường khai thác các nguồn vốn, chú trọng hướng dẫn sử dụng vốn tín dụng chính sách chặt chẽ có hiệu quả, kết hợp cho vay vốn với dạy nghề chuyển giao khoa học kỹ thuật hướng dẫn kinh nghiệm làm ăn, bồi dưỡng kiến thức quản lý kinh tế hộ, tăng cường đào tạo nghề giới thiệu việc làm cho phụ nữ. Tuyên truyền thay đổi nhận thức, quan niệm, định hướng nghề nghiệp và học nghề cho phụ nữ, con em phù hợp với yêu cầu thị trường lao động trong nước và xuất khẩu lao động. Chú trọng đối tượng phụ nữ nghèo, phụ nữ nông thôn khu vực chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Duy trì phong trào giúp nhau thường xuyên trong sản xuất, đời sống giúp chị em vượt lên những khó khăn, thách thức để ổn định cuộc sống, góp phần thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Bên cạnh đó, các cấp Hội Phụ nữ sẽ tiếp tục chủ động, sáng tạo, đổi mới trong cách làm, tiếp tục đẩy mạnh việc nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, phát huy sự chủ động sáng tạo của các cấp Hội về nhiệm vụ ủy thác; gắn kết vai trò, trách nhiệm của cán bộ chi, tổ phụ nữ trong công tác vận động, hỗ trợ thay đổi nhận thức của hội viên, phụ nữ. Đảm bảo công tác củng cố, kiện toàn tổ; thực hiện tốt khâu bình xét cho vay đảm bảo tính công khai, minh bạch; thực hiện đối chiêu nợ, đôn đốc, giám sát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ, trả lãi đến hạn đúng theo quy định; Nâng cao năng lực của cán bộ Hội và tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn và đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát.

Với nhiều cách làm mạnh dạn, sáng tạo, Hội Phụ nữ các cấp đã trở thành chỗ dựa vững chắc cho phụ nữ trong phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo trên cơ sở phát huy nội lực, tinh thần hợp tác tương thân, tương ái trong cộng đồng, coi trọng tính hiệu quả, bền vững.

CHÂU ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh