CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 05:51

Tiền Giang: Mô hình hay thoát nghèo hiệu quả

 

Giúp người nghèo an tâm lao động sản xuất

Qua điều tra rà soát, tính đến 30/11/2015, toàn tỉnh có: 17.270 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,8% so tổng số hộ toàn tỉnh (454.366 hộ), như vậy bình quân mỗi năm giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh là 1,43%; hộ cận nghèo mức 1 là 19.293 hộ, chiếm tỷ lệ 4,25%. Các xã bãi ngang ven biển bình quân mỗi năm giảm tỷ lệ hộ nghèo trên 2%. Riêng huyện nghèo Tân Phú Đông giảm từ 52,18% (năm 2011) xuống còn 27,75%, tỷ lệ giảm bình quân mỗi năm là 6,1%.

Theo ông Hồ Thanh Sơn, Pgos Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Tiền Giang cho biết: Trong năm 2015, tỉnh tập trung thực hiện các giải pháp giảm nghèo và huy động nguồn lực trong nhân dân; tập trung đầu tư cho những vùng khó khăn nhất để giảm hộ nghèo một cách bền vững; phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp chỉ đạo triển khai chương trình dự án giảm nghèo của tỉnh và những dự án do ngành làm chủ; đẩy mạnh tổ chức thực hiện các mô hình giảm nghèo.  

Đặc biệt, tỉnh luôn chú trọng đến đời sống người dân  ở 11 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển với nhiều hỗ trợ sinh kế . Tính đến nay, toàn tỉnh cấp  45.611 thẻ bảo hiểm y tế cho người dân ở các xã đặc biệt khó khăn, kinh phí 7.842 triệu đồng.

Thực hiện đúng theo tinh thần Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ xây dựng nhà ở cho các hộ nghèo . Tổng hợp toàn tỉnh, tổng số hộ nghèo thuộc diện được hỗ trợ nhà ở đăng ký vay vốn làm nhà ở là 4563 hộ, trong đó hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (già cả, neo đơn, tàn tật) là 351 hộ; Hộ gia đình là đồng bào dân tộc thiểu số là 03 hộ; hộ gia đình đang sinh sống tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn là 927 hộ; hộ gia đình còn lại 3285 hộ.

Nhân rộng mô hình giảm nghèo hiệu quả

Năm 2015, thực hiện dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo tại các huyện, thành, thị tỉnh đã triển khai thực hiện được 07 mô hình giảm nghèo, trong đó có 06 mô hình chăn nuôi dê và bò sinh sản; số hộ nghèo tham gia mô hình 291 hộ; kinh phí thực hiện 3.302 triệu đồng. 

Ông Hồ Thanh Sơn cho biết thêm: Giai đoạn 2011 – 2015, các ngành, các đoàn thể đã tổ chức triển khai thực hiện được 41 dự án lồng ghép giảm nghèo, có 1.088 hộ tham gia, trong đó có 576 hộ nghèo, với tổng kinh phí thực hiện: 14.350 triệu đồng, trong đó ngân sách địa phương là 6.440 triệu đồng. Được sự hỗ trợ kinh phí của dự án thích ứng biến đổi khí hậu lấy trẻ em làm trọng tâm, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã triển khai thực hiện 12 mô hình sản xuất, chăn nuôi (05 mô hình sản xuất lúa, 06 mô hình nuôi dê an toàn sinh học, 01 mô hình nuôi gà an toàn sinh học) có 279 hộ tham gia, trong đó có 121 hộ nghèo, với tổng kinh phí thực hiện: 1.638 triệu đồng. Những kết quả tích cực từ các mô hình đã góp phần tác động thay đổi nhận thức của người dân trong việc trồng lúa, chăn nuôi làm tăng lợi nhuận của người dân Góp phần thoát nghèo bền vững đảm bảo sinh kế.

Đối với huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh chương trình thực hiện dự án”Cải thiện sinh kế cho hộ nông dân nghèo ở huyện Tân phú Đông” đã  cải thiện cuộc sống, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo tại huyện Tân Phú Đông, đã hỗ trợ cho 334 hộ, kinh phí thực hiện 6.557 triệu đồng, (trong đó vốn của tổ chức Heifer: 1.632 triệu đồng, tổ chức liên minh Na-Uy: 975 triệu đồng và vốn ngân sách tỉnh: 3.950 triệu đồng).   

 Dự án Hỗ trợ nâng cao năng lực giảm nghèo, truyền thông và giám sát đánh giá thực hiện Chương trình trong giai đoạn vừa qua được triển khai thực hiện rất hiệu quả. Cụ thể tỉnh đã tổ chức 26 lớp tập huấn nghiệp vụ giảm nghèo và điều tra hộ nghèo cho cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp, với tổng số người tham dự là 5.592 người dự (Cán bộ tỉnh, huyện là 372 người, cán bộ cấp xã, phường, thị trấn là 5.220 người). Qua tập huấn đã giúp cho cán bộ nâng cao năng lực trong xây dựng kế hoạch và tham mưu tổ chức triển khai thực hiện, cập nhật kiến thức, chính sách chế độ mới ban hành; đặc biệt là hướng dẫn việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ giảm nghèo bền vững cho từng hộ nghèo phù hợp với hoàn cảnh của hộ và điều kiện của địa phương. Từ đó, xây dựng đội ngũ cán bộ trí tuệ, nhiệt tâm, làm việc hiệu quả giúp công tác giảm nghèo mang lại hiệu quả.

Ngoài ra, để thực hiện công tác giảm nghèo của các huyện đạt được kết quả ngày càng tốt hơn, Sở LĐ-TB&XH tổ chức 2 Đoàn cán bộ đến các tỉnh Đắk Nông, KonTum và Lâm Đồng để trao đổi và học tập kinh nghiệm.

Năm 2016, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách giảm nghèo, thông qua Nghị quyết cuả Đảng, kế hoạch hoạt động của chính quyền, của từng đoàn thể đối với chương trình giảm nghèo, coi đó là nhiệm vụ chính trị quan trọng thường xuyên của các cấp. Lồng ghép các chương trình, dự án, nhất là đào tạo nghề, nâng cao kiến thức, trình độ tay nghề gắn với các dự án vay vốn ưu đãi cho người nghèo để tạo việc làm tại chổ; tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình giảm nghèo có hiệu quả.

PHA LÊ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh