CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 05:53

Nguồn gốc ý nghĩa của phong tục lì xì ngày Tết

Lì xì trong dịp Tết vốn là truyền thống từ bao đời nay của người Việt. Tuy nhiên, nguồn gốc của phong tục này thì không phải ai cũng rõ.

Nguồn gốc của phong tục này cũng được thêu dệt ra khá nhiều câu chuyện. Có chuyện kể rằng ngày xưa, ở Đông Hải có rất nhiều yêu quái thường xuyên gây hại bá tánh, song những ngày thường chúng luôn bị các thần tiên ở hạ giới canh giữ. Tuy nhiên, hàng năm các vị thần tiên đều phải về trời vào thời điểm giao thừa. Lúc này, yêu quái lộng hành quấy rối trẻ em đang ngủ, khiến trẻ thường giật mình khóc thét và bị sốt, nên bố mẹ thường không dám ngủ để thức canh con trẻ.

Nguồn gốc ý nghĩa của phong tục lì xì ngày Tết - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Một lần có 8 vị tiên đi ngang nhà kia thấy vậy liền hóa thành những đồng tiền nằm bên chỗ mấy đứa trẻ, cha mẹ chúng đem gói những đồng tiền này vào tấm vải đỏ để xua đuổi yêu quái. Phép lạ này nhanh chóng lan truyền ra khắp nhân gian, nên khi Tết đến, người ta lại bỏ tiền vào trong những cái túi màu đỏ tặng trẻ con, để trẻ chóng lớn và khỏe mạnh hơn, từ đó trở thành tục lì xì đầu năm như hiện nay.

Vì sao lại gọi là ” lì xì”?

Lì xì là phiên âm của từ “lợi thị” trong tiếng Trung, có nghĩa là được lợi, được tiền, được may mắn. Do đó, tiền lì xì là tiền đem lại cái may mắn, điều lành, điều tốt cho trẻ em dịp đầu năm.

Ý nghĩa của phong bao lì xì không nằm ở số tiền mừng mà quan trọng là ở thiện ý, ý nghĩa tốt đẹp của hành động. Tiền lì xì không quy định là mệnh giá nào, thường là những món tiền nhỏ, gồm cả tiền lẻ và tiền chẵn.

Tại sao để tiền lì xì trong phong bao màu đỏ?

Phong bao là tượng trưng cho sự kín đáo, không so bì hơn thua, để tránh dẫn đến những xích mích không đáng có. Màu đỏ của chiếc bao lì xì tượng trưng cho màu như ý, cát tường, thịnh vượng trong suốt cả năm.

Ngoài ra, đó cũng được coi là màu của niềm hy vọng và sự may mắn. Người được nhận lì xì luôn tin rằng những phong bao này sẽ đem lại hạnh phúc và tài lộc trong suốt cả năm.

Ý nghĩa của việc lì xì dịp năm mới

Hàng năm, mỗi khi chuẩn bị đón Xuân sang thì người người, nhà nhà lại để dành ra một khoản tiền để đi mừng tuổi trong dịp Tết, trong ba ngày mồng 1, mồng 2 và mồng 3…

Không chỉ có trẻ em mới được người lớn lì xì mà con cháu mừng tuổi ông bà, cha mẹ với ý nghĩa cầu mong sức khỏe, chúc cho ông bà, cha mẹ sống lâu trăm tuổi… Tiếp đó ông bà, cha mẹ sẽ mừng tuổi lại con cháu, mong cho con cháu, ngoan ngoãn, học giỏi, ra ngoài gặp nhiều điều may mắn.

Không chỉ người thân trong gia đình mới mừng tuổi nhau, mà khi khách đến chúc tết, khách ngoài việc chúc tết cho gia chủ còn mừng tuổi trẻ con kèm theo những lời chúc tốt đẹp. Vì thế, bất cứ ai nhận được bao lì xì trong năm mới này cũng đều thấy rất vui mừng và phấn khởi.

PV (Tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh