THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 01:04

Người “thổi hồn” cho giáo dục miền núi

 

Thầy cô vừa giỏi dạy học vừa “chuyên” vận động học sinh đến trường

Điểm trường Đưng K’Si thuộc trường mầm non xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương cũng giống như nhiều điểm trường mầm non khác thuộc các xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Lâm Đồng. Công việc hàng ngày của các cô giáo ngoài nhiệm vụ giảng dạy, chăm sóc học sinh còn có nhiệm vụ không kém phần quan trọng: Vận động học sinh đến lớp.

Bữa trưa có cơm, cá, rau của các em học sinh trường THCS Đạ Chais do chính các thầy cô nấu.

 

Điểm trường Đưng K’Si có hơn 180 học sinh chia làm 7 lớp học. Để học sinh đến lớp, tuyên truyền, vận động không thôi chưa đủ. Ở đây, mỗi lớp mầm non có 2 giáo viên. Cứ sáng đến, một cô trông lớp, cô còn lại đến từng nhà chia kẹo, chở học sinh đến trường…

Nhưng để giữ vững sĩ số học sinh thì những giải pháp trên vẫn chưa đủ. Nhà trường kết hợp với chính quyền UBND xã, hội phụ nữ, trưởng thôn, mặt trận, đoàn thể cùng vào cuộc tuyên truyền vận động phụ huynh cho học sinh đến trường.

Khi chúng tôi đến thăm trường Trung học cơ sở Đạ Chais cũng vừa đúng giờ ăn trưa. Thầy giáo trẻ Nguyễn Phi Hùng ngoài nhiệm vụ chuyên môn là dạy tin học và phụ trách kỹ thuật của trường thì còn kiêm thêm nhiệm vụ nấu bữa trưa cho học sinh ở xa.

Hiệu trưởng Trường THCS Đạ Chais Phan Văn Cầu, người có thâm niên gần 40 gắn bó với giáo dục vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Lâm Đồng. Thầy bảo: “Giáo viên công tác vùng miền núi đặc biệt khó khăn yêu nghề thôi chưa đủ. Các thầy cô phải dành cả lòng nhiệt huyết! Ở đây, bên cạnh nâng cao chất lượng giáo duc thì vận động học sinh đến trường, duy trì sĩ số là nhiệm vụ vô cùng quan trọng”.

Suốt gần 40 găn bó giáo dục miền núi cũng là ngần đó năm thầy miệt mài tuyên truyền, vận động phụ huynh đưa con đến trường học. Một mình thầy làm không xuể mà phải truyền lửa, thổi hồn để các giáo viên, để chính quyền địa phương cùng vào cuộc. Phần lớn giáo viên về công tác tại xã đặc biệt khó khăn là giáo viên trẻ. Vì thế, thầy hiệu trưởng vừa khuyến khích động viên các thầy cô giáo làm tốt nhiệm vụ giảng dạy, đồng thời kiên trì, vận động học sinh đến trường. Đây là hai nhiệm vụ quan trọng và song song. Nếu không kịp thời động viên, khích lệ các thầy cô giáo thì rất khó hoàn thành sứ mệnh của người giáo viên ở các xã khó khăn.

Thầy Cầu kể: “Ngay từ tháng 8, nhà trường phối hợp với UBND xã xây dựng kế hoạch vận động học sinh đến trường học đúng ngày. Theo đó, lãnh đạo UBND xã, các đoàn thể và thầy cô đến từng nhà vận động, tuyên truyền đặc biệt là nhóm học sinh có nguy cơ cao “trốn học”.

Đối với nhóm học sinh vừa vận động được đến trường hay học sinh có nguy cơ “trốn học”, hàng ngày cứ 6h sáng, đích thân thầy hiệu trưởng cùng một giáo viên nữa đến nhà vận động, nhắc nhở các em đến trường….

 

Thầy Nguyễn Phi Hùng nấu bữa trưa cho các học sinh.

 

Phối hợp chính quyền cùng vận động các em đến lớp

Trường THCS Đạ Chais có 124 học sinh thì có đến 115 em học sinh dân tộc thiểu số. Đời sống người dân nơi đây tuy đã phát triển hơn trước nhưng vẫn là xã đặc biệt khó khăn. Do nhận thức chưa cao nên vẫn còn nhiều gia đình chưa quan tâm đến việc con cái học hành. Ngoài giờ lên lớp, các em lại phải phụ gia đình lên nương, lên rẫy. Đó là chưa kể đến truyền thống văn hóa mẫu hệ, các em gái thường “bắt chồng” từ khá sớm… Để vận động học sinh đến lớp đầy đủ là cả một hành trình dài của các giáo viên và chính quyền nơi đây.

 “Danh sách học sinh đến trường được nhà trường cập nhận hàng ngày để báo cáo ban tuyên truyền vận động học sinh đến trường. Chỉ thầy cô đến nhà vận động chưa chắc gia đình đã nghe nên chúng tôi phối hợp với chính quyền, đoàn thể và đặc biệt là các trưởng thôn, bí thư chi bộ, hội nông dân, hội phụ nữ, mặt trận tổ quốc,… cùng vào cuộc. Đồng bào dân tộc nói với nhau thì người dân nghe và tin hơn”, thầy Cầu cho hay.

Thầy Phan Văn Cầu cho biết, năm học 2018 – 2019, trường Dân tộc nội trú tỉnh giao chỉ tiêu cho xã Đạ Chais 8 học sinh. Các học sinh theo học ở đây được học, ăn ở hoàn toàn miễn phí nhưng tuyển mãi vẫn không đủ chỉ tiêu! Đích thân hiệu trưởng trường Dân tộc nội trú tỉnh cùng một giáo viên là người đồng bào dân tộc, thầy phụ trách đội đưa xe ô tô về tận trường, đến tận nhà vận động nhưng đến nay chỉ có 6 em đồng ý nhập học.

Điểm trưởng mầm non Đưng K’Si.

 

Trước đây, chuyện thầy cô lên rẫy cách trường cả chục km để vận động gia đình cho con em đi học là chuyện thường. Ngoài trình độ dân trí hạn chế, tỷ lệ hộ nghèo đói trong đồng bào còn cao, còn là việc nhận thức về chuyện học cái chữ của một bộ phận người dân chưa đúng mức.

Nhớ lại cách đây khoảng chục năm, thầy Phan Văn Cầu kể: “Thầy cô lên rẫy vận động phụ huynh cho con đi học thì họ bảo: “Con mình đấy, thầy cô kêu được nó đi học thì đi, mình không biết đâu!”. Còn nay, dù vẫn phải tuyên truyền vận động học sinh đến lớp nhưng không còn khó khăn như trước. Phụ huynh cũng đã bắt đầu có ý thức nhắc nhở con đến trường”.

Được tuyên truyền vận động nhiều, kinh tế phát triển, đời sống người dân được nâng lên tỷ lệ thuận với việc trẻ đến trường. Bởi trong cùng xã Đạ Chais nhưng thôn Đồng Mang nằm cách trường gần chục km nhưng các em vẫn có ý thức đi học. Còn học sinh ở các thôn Klong Klanh, Đưng K’Si chỉ cách trường mấy trăm mét nhưng thầy cô, chính quyền vận động mãi mới chịu đến trường.

Dù công tác giáo dục ở các xã đặc biệt khó khăn được Đảng, Nhà nước quan tâm nhưng vẫn còn nhiều vất vả. Suốt 3 năm nay, chính sách hỗ trợ sách vở cho học sinh dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn không còn, thầy Cầu cùng các thầy cô giáo tận dụng các mối quan hệ, kết nối để xin tài trợ sách vở, bút, mực đủ cho các em. Đến ngày lễ, tết hay khai giảng, tổng kết năm học, các thầy cô lại kêu gọi các nhà hảo tâm tài trợ quà, bánh cho các em, kịp thời động viên, khích lệ các em đến trường. Để các em thôn Đông Mang có chỗ ăn, nghỉ vào buổi trưa, thầy Cầu vận động Công đoàn giáo dục tỉnh Lâm Đồng xây tặng trường nhà bán trú.

Thương học sinh không quản ngại đường xa nên hàng ngày các thầy cô chia nhau nấu cơm trưa cho các em ở thôn Đồng Mang có bữa trưa chắc bụng để tiếp tục học ca chiều mà không phải về nhà hay cơm đùm, cơm nắm.

Thầy giáo Nguyễn Phi Hùng là một trong số những thầy cô giáo nằm trong tổ nấu cơm trưa cho học sinh. Thầy Hùng bảo, nghĩ các em đi học xa nên thầy cô ai cũng thương đông viên các em đến lớp. “Học sinh người dân tộc thiểu số vẫn còn nhút nhát nên có hôm thầy cô đã nấu cơm cho các em những không dám vào ăn. Biết thế, cứ đến giờ học buổi trưa, các thầy cô phải đón các em từ các lớp, dẫn về phòng ăn rồi đưa đến nhà bán trú nghỉ ngơi, chiều tiếp tục học”, thầy Hùng kể.

Chưa kể xong câu chuyện thầy cô nơi đây kiên trì dạy học, vận động học sinh đến trường, thầy Cầu phấn khởi khoe: “Nhà báo đừng nghĩ nơi đây khó khăn, đến việc đi học hàng ngày của học sinh còn phải vận động thì chất lượng giáo dục không được quan tâm. Năm học vừa qua, nhà trường có 4 em đạt danh hiệu học sinh gỏi huyện, 3 học sinh vinh dự được tham gia kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh. 2 học sinh của trường làm sản phẩm sáng tạo khoa học kỹ thật dành cho học sinh đạt giải khuyến khích cấp tỉnh…. Có được những thành tích đó là nhờ sự nỗ lực cố gắng của các em học sinh và sự tận tâm của đội ngũ giáo viên nhà trường”.

Vẫn biết, giáo dục ở xã miền núi đặc biệt khó khăn vẫn còn nhiều thách thức nhưng với sự tận tâm của đội ngũ giáo viên nơi đây cùng nỗ lực cố gắng của học sinh, kinh tế xã hội phát triển ý thức phụ huynh được nâng lên hy vọng hy vọng giáo dục nơi đây sẽ ngày càng khởi sắc. Bởi giáo dục là nền tảng để phát triển kinh tế, xã hội. Chỉ khi nào, dân trí được nâng cao, đời sống người dân nơi đây sẽ càng phát triển đi lên…

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh