THỨ HAI, NGÀY 25 THÁNG 11 NĂM 2024 06:03

Người thầy “mát tay” của những VĐV cử tạ người khuyết tật

 

Đồng hành như người bạn 

Câu chuyện của những người khuyết tật đến với thể thao, hẳn ai cũng hiểu không dễ dàng. Những rào cản tâm lý, cùng những nhọc nhằn mưu sinh của cuộc sống thường nhật ngăn trở họ đến với luyện tập TDTT. Ngoài ý chí sẵn có của một vận động viên khuyết tật, người thầy huấn luyện chuyên môn cho người khuyết tật, đào tạo họ thành những VĐV thể thao thực sự... là cả một quá trình gian nan, ít ai thấu hiểu.

Với huấn luyện viên Nguyễn Hồng Phúc, dù tốt nghiệp Đại học TDTT với bằng cử nhân chuyên sâu Điền kinh, song ngã rẽ đến với anh bắt đầu từ năm 2003. Thời điểm đó, Việt Nam đăng cai Đại hội Thể thao người khuyết tật Đông Nam Á, cũng từ đó, thể thao người khuyết tật mới bắt đầu có sức hút lớn với người khuyết tật.

Anh đã quyết định đến với công tác huấn luyện môn cử tạ cho người khuyết tật, tại cái “nôi” đào tạo những thế hệ VĐV khuyết tật lớn nhất hiện nay - Trung tâm Văn hóa, Thể thao quận Tân Bình (TP Hồ Chí Minh).  Để tự tin huấn luyện VĐV khuyết tật ở môn cử tạ, anh đã mất khá nhiều thời gian tự trau dồi những kỹ năng chuyên môn, cùng những kiến thức tâm lý đặc biệt đối với người khuyết tật.

HLV Nguyễn Hồng Phúc (bên trái) đạt danh hiệu HLV xuất sắc nhất của Thể thao NKT Việt Nam các năm 2012, 2014, 2015.

Đặc biệt, trong những lúc thi đấu đòi hỏi sự động viên lớn của người thầy để VĐV vượt qua được áp lực tâm lý trước đối thủ. Đặc biệt, vào những thời khắc quyết định, đòi hỏi “ đòn cân não” khi lựa chọn mức trọng lượng phù hợp với hạng cân của VĐV là điều rất quan trọng. “Nhãn quan” kinh nghiệm này của HLV Nguyễn Hồng Phúc đã đưa VĐV chinh phục những thành tích mong muốn.

Thầy trò đến với nhau bằng sự tự nguyện

Sau thời gian dài học tập, tìm hiểu, năm 2009, anh trở lại công tác huấn luyện cử tạ cho người khuyết tật. Từ đó đến nay, điều anh hiểu rõ là người khuyết tật cần sự gần gũi, không kỳ thị. Đó là điều cốt yếu giúp họ xóa đi những mặc cảm của số phận thiệt thòi. Tiếp đến là sự động viên tập luyện thể thao, tập để có sức khỏe và đạt thành tích.

Đặc thù huấn luyện thể thao cho người khuyết tật đòi hỏi những giáo án phù hợp với hạng thương tật, tình trạng sức khỏe của mỗi VĐV, tập theo mức độ tăng dần đều nhằm tránh tình trạng bị chấn thương. Những lúc tập, thi đấu... đòi hỏi người thầy như một tình nguyện viên, hỗ trợ việc đi lại của VĐV. Đồng thời, người thầy cũng như một săn sóc viên chăm sóc sức khỏe, chế độ dinh dưỡng cho các VĐV khuyết tật.

Việc chăm sóc chế độ dinh dưỡng đối với VĐV thể thao là không đơn giản. Từ cái ăn đến những nhu cầu tối thiểu, vấn đề dinh dưỡng khoa học để đạt hiệu quả cao nhất trong thi đấu thể thao với họ dường như xa vời, nhất là khi không có chế độ tập quanh năm như VĐV bình thường. Ở họ, lòng tự nguyện và những khát khao mang lại niềm vui cho chính bản thân VĐV là động lực để thầy Phúc chia sẻ cùng các học trò. HLV Nguyễn Hồng Phúc đã “thắp lửa” cho những ước mơ huy chương “sáng giá” mang tầm cỡ châu lục, thế giới mà những học trò mang lại, như: Lê Văn Công (HCV hạng dưới 49kg, phá kỷ lục Thế giới Paralympic), Nguyễn Bình An, Đặng Thị Linh Phượng (HCĐ hạng 50kg, Paralympic 2016), Châu Hoàng Tuyết Loan...

Giá trị phần thưởng đó là động lực thiết thực giúp họ gắn bó, đam mê với thể thao như một nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Màu của những tấm huy chương, mặt nào đó như phép màu nhiệm, thay đổi số phận vốn thiệt thòi, kém may mắn, giúp họ có “vốn liếng” tự tin hơn trong chặng đường gian nan phía trước.

Khi nói về người thầy của mình, nhà vô địch Thế giới Paralympic Lê Văn Công tâm sự: “Sự thân thiện giữa tình thầy trò hàng ngày đã thổi bùng lên niềm đam mê tập luyện thể thao với em lúc nào không biết. Nhờ tập luyện thể thao em đã có sức khỏe tốt hơn, cũng vì thế em thấy cuộc sống thật ý nghĩa. Kết quả đỉnh cao nhất tại đấu trường Paralympic Rio 2016 là niềm hạnh phúc lớn nhất mà thầy Phúc đã dày công vun đắp cho em”. Thành tích của thầy trò HLV Nguyễn Hồng Phúc là một trong những đóng góp không nhỏ cho đoàn Thể thao NKT Việt Nam trên trường quốc tế. 

Thành tích huấn luyện nổi bật  

ASIAN Para Games VII (2013): 4 HCV- 4 HCB

World Championships (2014): 1 HCB

ASIAN Championship (2015): 2 HCV- 2 HCB

World Cup (2016): 2 HCV- 2 HCB

Paralympic Rio (2016): 1 HCV- 1 HCB

THU THỦY

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh