‘Bộ sẽ đề xuất với Chính phủ nâng các chế độ, chính sách cho VĐV khuyết tật’
- Văn hóa - Giải trí
- 16:30 - 21/09/2016
Đô cử Lê Văn Công đã giành HCV Paralympic
* Thưa Bộ trưởng, tại Thế vận hội dành cho VĐV thể thao người khuyết tật Paralympic, Việt Nam đã ghi dấu ấn đậm nét với tấm HCV của Lê Văn Công, HCB của Võ Thanh Tùng, HCĐ của Đặng Thị Linh Phượng, Cao Ngọc Hùng. Bộ trưởng nhìn nhận giá trị về mặt xã hội của những tấm huy chương này như thế nào?
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Có thể nói đến thời điểm này, Thể thao Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc kế hoạch đề ra trong năm 2016. Với 1 HCV, 1 HCB tại Olympic Rio và 1 HCV, 1 HCB, 2 HCĐ tại Paralympic đã khẳng định thể thao Việt Nam đang đi đúng hướng, đạt được thành tích ngoài sức mong đợi, nâng vị thế của ngành thể thao trên đấu trường quốc tế.
Đặc biệt, tôi đánh giá cao những thành tích mà các VĐV người khuyết tật vừa giành được tại Paralympic. Những tấm huy chương này có ý nghĩa rất lớn đối với Ngành thể thao Việt Nam và tác động sâu sắc đến đời sống xã hội, cho thấy sự nỗ lực phi thường của các vận động viên. Họ đã vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống và trong tập luyện; nỗ lực hết mình trong thi đấu để giành vinh quang về cho Đất nước. Đây không chỉ là tấm gương cho những người bị khiếm khuyết mà còn tác động đến toàn xã hội về ý chí và nghị lực, bản lĩnh của những vận động viên khuyết tật.
* Thành công rực rỡ của đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam - là minh chứng mạnh mẽ nhất về nỗ lực tột bậc của các VĐV nhưng sẽ là thiếu sót nếu không kể đến sự quan tâm của xã hội, của nhà nước và ngành thể thao dành cho những VĐV vốn chịu quá nhiều thiệt thòi trong cuộc sống. Bộ trưởng đánh giá sự quan tâm này ở mức độ nào, đã hoàn toàn xứng đáng với công sức của các VĐV khuyết tật hay chưa, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Trong những năm qua, Nhà nước và toàn xã hội đã luôn thể hiện sự quan tâm, tạo mọi điều kiện và có các chính sách hỗ trợ cả vật chất và tinh thần nhằm giúp cho các vận động viên thể thao người khuyết tật được tham gia các hoạt động thể dục thể thao. Qua đó từng bước động viên, cổ vũ, tập hợp những người có số phận kém may mắn, tạo điều kiện cho họ hòa nhập với cộng đồng và đóng góp tài năng, sức lực, trí tuệ để nâng cao thành tích thể thao người khuyết tật trên đấu trường quốc tế, đồng thời cũng góp phần giúp đỡ người khuyết tật vươn lên làm chủ cuộc sống, tham gia đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng và xã hội.
Trong thời gian tới, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch sẽ tham mưu cho Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách nhằm quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa để thể thao người khuyết tật Việt Nam có điều kiện để tập luyện và tham gia thi đấu thể thao.
* Hình ảnh nhà vô địch Paralympic VĐV Lê Văn Công ngồi xe lăn tiến ra sàn đấu và nâng thành công mức tạ lớn - đã trở thành hình ảnh được lan tỏa và có sức lay động dữ dội trong cộng đồng mạng những ngày qua. Theo Bộ trưởng, thành công của Lê Văn Công cũng như của những VĐV VN khác tại Paralympic sẽ tạo ra động lực, cú hích như thế nào cho thể thao người khuyết tật Việt Nam cũng như tạo ra giá trị tinh thần lớn lao cho xã hội?
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Thành công của Đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam tại Thế vận hội Paralympic lần này đã ghi thêm một dấu son trong lịch sử ngành thể thao Việt Nam trên đấu trường quốc tế. Đặc biệt, hình ảnh vận động viên Lê Văn Công ngồi xe lăn tiến ra sàn thi đấu và nâng thành công mức tạ lớn có thể coi là biểu tượng cho ý chí, nghị lực phi thường, vượt lên mọi khó khăn, thử thách, mang lại vinh quang cho Tổ quốc. Đây sẽ là tấm gương lớn cho không chỉ các vận động viên thể thao nói riêng mà cho tất cả chúng ta: Với ý chí kiên cường, nỗ lực hết mình thì không có rào cản nào không thể vượt qua!
Một lần nữa, trên đấu trường thể thao quốc tế, cờ đỏ sao vàng của Việt Nam được tung bay, quốc ca Việt Nam được hát vang trong giờ phút vinh quang. Điều kỳ diệu ấy cũng góp phần quảng bá hình ảnh đất nước ra ngoài thế giới, giúp bạn bè năm châu thêm yêu mến và nể phục ý chí của con người Việt Nam hơn.
VĐV Võ Thanh Tùng đã giành ngôi á quân môn bơi tại Paralympic
* Đâu đó trong dư luận, có ý kiến cho rằng, mức thưởng dành cho VĐV khuyết tật Việt Nam còn hơi bất công bởi chỉ bằng một nửa so với VĐV thể thao đỉnh cao. Liệu sắp tới, ngành thể thao có kiến nghị nào thích hợp với Nhà nước, Chính phủ để có sự thay đổi về mức thưởng, giúp cho VĐV khuyết tật đỡ phần thiệt thòi không, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Trong thời gian tới, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch sẽ nghiên cứu, trình Chính phủ xem xét, sửa đổi Quyết định số 32/2011/QĐ-TTg ngày 06 tháng 6 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về một số chế độ đối với HLV, VĐV thể thao được tập trung tập huấn và thi đấu, trong đó sẽ đề xuất với Chính phủ nâng các chế độ, chính sách cho vận động viên, huấn luyện viên thể thao và vận động viên, huấn luyện viên thể thao người khuyết tật Việt Nam đảm bảo phù hợp để họ yên tâm cống hiến cho thể thao nước nhà.
Bên cạnh đó, tôi cũng mong những người khuyết tật nói chung sẽ luôn nhận được sự quan tâm của toàn xã hội để họ tự tin hòa nhập cộng đồng, cống hiến trong mọi lĩnh vực bởi tài năng của họ là không giới hạn.
* Xin cảm ơn Bộ trưởng!
CÙNG CHUYÊN MỤC
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?
Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc