CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:08

Người tâm thần gây án: Hạn chế hậu quả đau lòng?

* Những vụ trọng án kinh hoàng 

Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra những vụ trọng án kinh hoàng mà nghi phạm là những người tâm thần. Mới đây nhất, ngày 1/5/2015,  một vụ án thương tâm xảy ra làm chết 2 người và 1 người bị thương nặng. Nạn nhân là ông Đặng Văn Hợp (61 tuổi, ngụ xã Đông Ích, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc) nằm chết tại cổng nhà, bên cạnh xác ông Hợp là bà Phạm Thị Phần (60 tuổi, vợ ông Hợp) trong tình trạng thoi thóp với những vết thương rất nặng.

Bên trong nhà là anh Đặng Văn Lý (31 tuổi, là con trai ông Hợp, bà Phần) cũng tử vong với những vết thương do búa gây ra. Thủ phạm được xác định chính là Đặng Ngọc Điền (28 tuổi, là con trai của ông Hợp, bà Phần và là em trai của anh Lý), hiện đang bị bệnh tâm thần giai đoạn trầm cảm nặng, đã điều trị nhiều năm tại Bệnh viện tâm thần tỉnh Vĩnh Phúc. Cuối năm 2014, Điền ra viện về ở với gia đình và đã gây ra vụ án kinh hoàng trên.

Người nhà lo tang lễ cho ông Hợp, bà Phần trong vụ án mạng xảy ra tại Vĩnh Phúc.Người nhà lo tang lễ cho ông Hợp, bà Phần trong vụ án mạng xảy ra tại Vĩnh Phúc.

Ở Cần Thơ, giữa năm 2014, một cháu bé mới sinh cũng bị chết vì bị người mẹ tâm thần Nguyễn Thị Thoại Mỷ (17 tuổi, ngụ ở huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) bỏ vào thùng nước…  Ngay sau đó lại xảy ra  vụ án giết mẹ và bà ngoại của nghi phạm tâm thần Lê Quang Lập (21 tuổi, trú tại xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam).

Tháng 8/2014, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp cũng xảy ra vụ án mạng mà đối tượng gây án có triệu chứng tâm thần. Huỳnh Thanh Phong (36 tuổi, trú tại xã Tân Thuận Tây, TP Cao Lãnh) đã dùng dao chém bà Trần Thị Lến (70 tuổi), ông Nguyễn Ngọc Bổn (59 tuổi) và cháu Võ Hoàng Long (3 tuổi)- là những người cùng xóm, trọng thương. Do vết thương quá nặng nên bà Lến và cháu Long đã tử vong…

*Xử lý như thế nào đối với người tâm thần gây án?

Theo luật sư Giang Hồng Thanh – Văn phòng Luật sư Giang Thanh, đối với những nghi phạm gây án mạng có dấu hiệu của bệnh tâm thần, cơ quan điều tra sẽ tiến hành đưa đi giám định.

Trong trường hợp cơ quan chức năng xác định người đó mắc bệnh tâm thần hay một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình tại thời điểm họ gây án, thì người đó không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi mình đã thực hiện.

Trong trường hợp, cơ quan giám định xác định đối tượng chỉ mắc bệnh làm hạn chế khả năng nhận thức, hoặc khả năng điều khiển hành vi, đối tượng vẫn bị xử lý hình sự, nhưng sẽ được hưởng tình tiết giảm nhẹ do mắc bệnh.

Giờ uống thuốc của các bệnh nhân tâm thần.         Ảnh DA.Giờ uống thuốc của các bệnh nhân tâm thần.         Ảnh DA.

Là luật sư nhiều năm, ông Thanh cho hay, đã nhiều lần bào chữa, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho đối tượng phạm tội là người đang trong tình trạng hạn chế khả năng nhận thức. “Trên thực tế, tôi chưa bao giờ gặp trường hợp cơ quan tố tụng “tha” cho những đối tượng này (tức là không xử lý hình sự), cho dù họ có tiền sử về mắc bệnh tâm thần. Thông thường, cơ quan tố tụng vẫn buộc họ phải chịu trách nhiệm hình sự, chỉ giảm nhẹ một phần hình phạt cho họ mà thôi”, ông Thanh cho biết.

Về việc áp dụng hình phạt tù đối với người tâm thần, ông Thanh cho rằng,  nên chăng cần giải pháp tốt hơn, ví như người mắc bệnh tâm thần cần phải được chữa trị khỏi bệnh, hay ít nhất là giảm thiểu các hành vi mất kiểm soát. “Việc đưa họ vào tù mà không chữa bệnh cho họ, sau khi họ ra tù hoặc thậm chí ở ngay trong tù, biết đâu một lúc nào đó cơn bệnh phát tác, họ lại gây nguy hiểm cho những người xung quanh.

Thế nên, rất cần có sự quan tâm đúng mức của cơ quan chức năng về vấn đề này để từng bước hạn chế tình trạng người tâm thần phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho xã hội”- luật sư Thanh nhấn mạnh.

Bệnh nhân trong một Trung tâm Điều dưỡng tâm thần tại TP.Hồ Chí Minh.

Cần sự vào cuộc của chính quyền và đoàn thể

Chính phủ đã phê duyệt Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011- 2020 với kinh phí lên đến 8.382 tỷ đồng, cùng với đó, dư luận cũng đã nhiều lần cảnh báo, nhưng nhiều vụ án mạng đau lòng vẫn liên tiếp xảy ra.        

Theo số liệu thống kê mới đây, hiện nay có 14,9% dân số (khoảng 13,5 triệu người) bị 10 rối loạn tâm thần thường gặp dễ dẫn đến mãn tính. Trong đó có 0,49% dân số (khoảng 440.000 người) bị bệnh tâm thần phân liệt, loại bệnh có đến 75% số người bệnh sẽ dẫn đến mãn tính và hay có hành vi nguy hiểm nếu không được quản lý chặt chẽ và điều trị đều đặn kéo dài (chưa tính đến số người có hành vi nguy hiểm hiện nay mà nổi cộm là do nghiện ma tuý đá).

Tuy nhiên, hiện nay chỉ có khoảng 10.000 người được chăm sóc và phục hồi chức năng tại các cơ sở bảo trợ xã hội, còn lại gần 80% số người tâm thần có hành vi nguy hiểm đến cộng đồng vẫn đang đi lang thang hoặc lưu trú tại gia, ngoài xã hội.

Theo Bác sĩ La Đức Cương, Giám đốc Bệnh viện tâm thần TƯ 1, các gia đình khi thấy người thân có dấu hiệu phát bệnh bệnh tâm thần hoặc đã bị bệnh và tái phát bệnh, cần sớm đưa họ đi khám và điều trị. Càng sớm điều trị thì người bệnh càng chóng ổn định, tỷ lệ khỏi bệnh hoàn toàn càng cao, càng tránh được những hậu quả đáng tiếc.

Khi người tâm thần gặp khó khăn trong cuộc sống thì nên nhờ cộng đồng xung quanh và chính quyền địa phương giúp đỡ. Khi người bệnh ra viện thì tuân thủ nghiêm túc hướng dẫn điều trị.

Ngoài ra, theo bác sĩ La Đức Cương, hiện chúng ta chưa có Luật Sức khoẻ tâm thần. Vì thế, sự quan tâm đến công tác quản lý và chữa trị cho  người mắc bệnh tâm thần chưa nhận được sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền và các đoàn thể ở địa phương. Đó cũng là một trong những nguyên nhân gia tăng những vụ án mạng đau lòng liên quan đến người mắc bệnh tâm thần liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây.

Những dấu hiệu nhận biết về bệnh tâm thần 

- Mức độ nhẹ: Mất ngủ, ăn kém ngon miệng; buồn phiền, lo lắng hoặc bất an hay vui vẻ, hoạt động quá mức; giảm trí nhớ, giảm khả năng lao động hoặc học tập; hay cáu gắt, tức giận hoặc khó kìm chế cảm xúc, rối loạn thần kinh thực vật (run, ra nhiều mồ hôi, thổn thức, hồi hộp, bó ngực, đánh trống ngực...)

- Mức độ trung bình: Hay gây gổ, cãi nhau vô cớ, xung động không phù hợp.

- Mức độ nặng: Đánh người, đập phá, công kích, tấn công hay hành vi nguy hiểm khác (chẳng hạn: Giết người, tự sát hoặc giết người rồi tự sát), hoang tưởng (ý nghĩ kỳ lạ), ảo giác (kỳ lạ qua các giác quan).

Các hoang tưởng và ảo giác chi phối hành vi của người bệnh nên có thể hành vi nguy hiểm của người bệnh do hoang tưởng hoặc/và ảo giác chi phối gây ra.

Thái An

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh