THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:42

Gia tăng bệnh tâm thần ở giới trẻ

47% người mắc bệnh tâm thần dưới 30 tuổi

Sáng cuối tuần chúng tôi có mặt tại Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia, để theo dõi dòng người nối đuôi nhau xếp hàng chờ đến lượt khám tại khu khám bệnh của viện. Đa số họ ở lứa tuổi thanh niên, nhưng gương mặt đều biểu hiện u sầu mệt mỏi, đờ đẫn, ngây dại... Ngồi cạnh chúng tôi là Phương Lan ở Cầu Giấy (Hà Nội) sinh viên năm 2 trường Đại học Kinh tế quốc dân.

Đây là lần thứ 2 Lan được mẹ đưa đến tái khám vì chứng bệnh rối loạn tâm thần. Mẹ Lan cho biết: “Chỉ vì áp lực chuyện học hành, thi cử mà con tôi hay lo lắng dẫn đến suy nhược cơ thể. Nó thường xuyên mất ngủ và sút cân. Bố mẹ khuyên nghỉ ngơi, vui chơi như thế nào nó cũng không chịu nghe.

Ngày càng nhiều người trẻ mắc bệnh tâm thần vì áp lực cuộc sống (ảnh minh họa)

Trong Tết thấy em có nhiều hành động bất thường, gia đình đã phải đưa em đến khám, bác sĩ cho nằm điều trị 2 tuần rồi cho về ngoại trú. Hiện, bệnh tình Lan cũng đã thuyên giảm, nhưng gia đình vẫn muốn đưa đi tái khám xem thế nào”. Không chỉ học dẫn đến rối loạn tâm thần, mà ngay cả những người do áp lực công việc quá căng thẳng cũng khiến nhiều người “phát điên”.

Chàng thanh niên có dáng người cao to vạm vỡ tên Quốc T ở Thanh Xuân (Hà Nội) kỹ sư cho một công ty xây dựng cũng được gia đình đưa đến viện trong tình trạng đờ đẫn, người mệt mỏi, bước đi xiêu vẹo.

Ông Nguyễn Quốc Cường (bố T) cho biết: “Thời gian của T đi làm cả ngày từ sáng đến tối mới về, vì thế chỉ bữa cơm tối gia đình mới được sum họp. Nhưng thời gian gần đây cứ về đến nhà là T chui vào trong phòng đóng cửa ở lì, đến bữa mọi người gọi xuống ăn cơm cũng không ăn. Lúc đầu mọi người nghĩ chắc công việc không được như ý nên T mới vậy.

Nhưng thời gian gần đây, thấy T không tập trung, thu mình, mệt mỏi, hay kêu đau đầu. Cho đến hôm chủ nhật tuần trước gia đình phát hiện T có ý định tự tự trong nhà vệ sinh. May mà phát hiện kịp thời đưa đến viện điều trị”. Một trường hợp bệnh cũng khá phổ biến và thường xuất hiện lứa tuổi thanh thiếu niên là do nghiện games.

Với Nguyễn Mạnh H, 15 tuổi ở Thái Nguyên từ một trò ngoan, học khá, H bắt đầu chơi và nghiện games hai năm gần đây. Mặc bố mẹ khuyên bảo, ngăn cấm H vẫn thường xuyên trốn nhà đi chơi games. Sau đó H hứa quyết tâm học tập và không ra quán chơi nữa với điều kiện bố mẹ phải mua máy vi tính. Nào ngờ có máy rồi, H càng mê hơn. Cả tháng hè H nhốt mình trong phòng chơi games bỏ ăn, bỏ uống, người lơ mơ điên dại.

Rối loạn tâm thần cần phát hiện điều trị sớm

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Vân, Trưởng khoa Nữ nhi, Bệnh viện tâm thần Trung ương I: “Căng thẳng, lo âu là những trạng thái cảm xúc tồn tại thường trực trong mỗi con người. Tuy nhiên nếu trạng thái này kéo dài cộng với những tác động của sang chấn tâm lý xảy ra trong cuộc sống như làm ăn thất bại, người thân mất, đỗ vỡ trong tình yêu cũng dễ dẫn đến khả năng mắc bệnh tâm thần”.

Kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về trường hợp của N, quê Tuyên Quang, sinh viên năm cuối trường Đại học Ngoại thương, bác sĩ Vân cho hay: “Trước đây N có yêu một chàng trai tên M người Hà Nội. Hai người hứa hẹn với nhau sau khi ra trường thì tổ chức đám cưới. Nhưng rồi M đã bỏ N để cưới một cô gái khác.

Quá đau khổ vì người tình phụ bạc, N sống thu mình, ít giao tiếp với bạn bè và mắc chứng đau đầu mất ngủ và đã tìm đến cái chết bằng cách tự cắt gân tay, may mắn người bạn cùng phòng phát hiện kịp thời. Khi gia đình đưa đến viện, N trong tình trạng nói nhảm liên tục, thỉnh thoảng khóc cười la hét. Điều trị 3 tháng bệnh tình cũng đã giảm, không còn những kích động nữa, nhưng em khó có thể trở lại như trước”!

Bác sỹ Nguyễn Hữu Chiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I cho biết: “Trong thời gian qua, nhiều loại bệnh có xu hướng tăng, nhất là bị rối loạn tâm thần chủ yếu rơi vào độ tuổi thanh thiếu niên, nhân cách chưa ổn định. Độ tuổi này thường có những thay đổi tâm lý. Thực tế này ảnh hưởng đến sức lao động, sản xuất của xã hội bởi đây là lực lượng lao động chính.

Nghiện Game cũng là mọt nguyên nhân dẫn đến bị tâm thần

Nguyên nhân của căn bệnh này có thể từ các yếu tố sinh học (như di truyền, cân bằng sinh hóa trong cơ thể, tổn thương hệ thần kinh), yếu tố môi trường như bị bạo hành, bị thảm họa, mất người thân, cho đến sự bao bọc, nuông chiều thái quá của những người xung quanh...”. Ngoài ra, những em nghiện ma túy, nghiện games cũng sinh ra triệu chứng này.Vì vậy, khi gia đình phát hiện người có dấu hiệu rối loạn tâm thần cần phải đưa đi điều trị sớm, rút ngắn được thời gian điều trị và khả năng khỏi bệnh cao.

Nếu để lâu, bệnh có thể nặng hơn và phát triển thành bệnh lý thần kinh như tự kỷ, tâm thần... rất khó chữa trị hoặc chữa trị rất lâu. Bác sĩ Nguyễn Hữu Chiến khuyến nghị: “Mỗi người trẻ cần tạo lập một lịch sinh hoạt khoa học, làm việc cụ thể vừa sức, có chế độ nghỉ ngơi hợp lý. Khi thấy con em mình xuất hiện những triệu chứng tiêu cực về tâm lý, các bậc cha mẹ cần đưa con đến bệnh viện khám và xin tư vấn tâm lý, nếu để kéo dài sẽ khiến bệnh nhân rơi vào trạng thái trầm cảm, tiêu cực khó chạy chữa”.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia trước đây, tỉ lệ số người bị trầm cảm rối loạn tâm thần chiếm khoảng 1% dân số. Vài năm trở lại đây, bệnh nhân có xu hướng trẻ hóa nhanh chóng. Trong số các bệnh nhân bị tâm thần có dấu hiệu tâm thần phải vào viện khám và điều trị, có 47% dưới 30 tuổi. Đặc biệt tỷ lệ người mắc các bệnh liên quan tới games tăng mạnh. 50-70% người chơi games có các dấu hiệu về sức khỏe tâm thần, với biểu hiện trầm cảm, lo âu, hung hăng...

Nguyễn Síu-Thanh Huyền

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh