CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:22

Người thợ rèn thủ công cuối cùng của làng Đa Sĩ

Tới đầu làng Đa Sĩ đã thấy khá nhiều cửa hàng dao kéo ngay trên mặt đường. Một cảm giác ghê ghê trong người khi nhìn thấy những con dao chặt to bản, dài thượt, ánh thép đen bóng, luỡi sáng choang, sắc lẹm. Những người yếu bóng vía tới đây chắc rợn tóc gáy khi tới gần những cửa hàng đầy "hung khí" như vậy.

Ngay tờ mờ sáng mà trong làng đã vang lên chát chúa tiếng đập rèn, ấy thế mà không làm mất ngủ những người hàng xóm. Người dân Đa Sĩ đã quen với tiếng búa đập sắt, những gia đình không làm nghề cũng chẳng phàn nàn một câu về dàn âm thanh chói tai ấy. Nhiều gia đình tranh thủ sản xuất từ 4 giờ sáng cho kịp xuất hàng.Người rèn thủ công cuối cùng của làng dao kéo đa sĩ

 Mấy năm gần đây nhiều gia đình đã sắm máy dập, máy rèn, máy chuốt nên tiếng đập búa xuống đe đã bớt đi nhiều. Âm thanh búa đập xuống đe cũng được giới khoa học coi là có hại cho sức khoẻ con người, tuy nhiên sự ô nhiễm âm thanh này không làm cho người dân phiền não. Thậm chí có người còn bảo nghe quen tai rồi, không nghe thấy thì nhớ lắm.

Một trong những “cao thủ” trong làng rèn Đa Sĩ có thể kể ra đó là ông Nguyễn Hồng Phấn. Gia đình ông Phấn có nhà ngay mặt đường chính của làng, làm nghề rèn nay đã 4 đời rồi. Sản phẩm chính của gia đình ông là các loại dao thái, chặt. Cầm trên tay con dao sắc lẹm ông chặt vào thanh sắt toé lửa mà lưỡi dao vẫn nguyên vẹn. Con dao này mà chặt xương bò chân lợn thì ngọt như chặt chuối.

Bí quyết tôi nhiệt phôi thép tuỳ thuộc vào kinh nghiệm gia truyền của mỗi gia đình. Sản phầm dao của gia đình ông Phấn có đóng dấu chữ “ Khởi”, đó là tên người con trai đầu. Đóng dấu vào sản phẩm là cách thể hiện đẳng cấp, thương hiệu, để không lẫn với những sản phẩm khác.

Trong làng có rất nhiều nghệ nhân, mỗi người giỏi một thứ. Nghệ nhân Nguyễn Văn Hợi thì chuyên về rèn binh khí như kiếm, mã tấu, dao găm. Thời kháng chiến chống Pháp cụ rèn vũ khí cho đội du kích và bị địch bắt tra tấn rất dã man. Nghệ nhân Bính Nga thì giỏi rèn rừu, búa, còn nghệ nhân Hoàng Văn Trụ thì chuyên về bào…

Lang thang trong thế giới âm thanh chát chúa dọc theo những con đường làng nhỏ hẹp, chúng tôi ghé thăm nhà ông Nguyễn Văn Sử ở giữa làng. Ông Sử gần như là người duy nhất trong làng không hiện đại hoá sản xuất dao kéo bằng máy móc mà vẫn kiên trì quai búa bằng tay. Vợ và các con ông cùng tham gia vào công đoạn sản xuất. Ông Sử cho biết: “Dao kéo mà chuốt bằng máy thì không sắc bằng đập búa bằng tay”.

Ông tâm sự, suốt mấy đời làm rèn thủ công gia đình, ông đã quen với tiếng đập búa rồi. Bản thân ông cũng thế, mỗi một nhát đập búa xuống miếng phôi thép đỏ lừ nóng rực để rèn ra con dao cái kéo còn có tình cảm của người làm nghề trong đó nữa, sản phẩm mới có hồn.

Làm những sản phẩm nhỏ gọn thì chỉ một mình ông vừa nướng phôi vừa rèn, những nhát búa lên xuống nhịp nhàng, nhát mạnh nhát nhẹ. Nhiều người khuyên ông mua máy cho nhàn nhưng ông muốn giữ nghề truyền thống này bằng chính những sản phẩm chất lượng chứ không chạy theo số lượng.

Gia đình ông Sử làm nghề rèn dao kéo đã 5 đời nay. Bố ông từng là thợ bậc cao, chuyên làm mẫu sản phẩm cho các gia đình học tập, hoặc chế sản phẩm theo bản vẽ của khách hàng. Những người làm mẫu dao kéo ở làng Đa Sĩ rất giỏi, khách hàng chỉ cần nói qua ý đồ là họ có thể làm ra sản phẩm dao kéo giống hệt ngay.

Ông Sử sản xuất chủ yếu theo đơn đặt hàng chứ không sản xuất đại trà rồi bán buôn như nhiều gia đình trong làng. Số người sản xuất như vậy không nhiều và việc thì cũng không làm hết. Khách hàng đặt rất chi là nhiều loại dao kéo khác nhau, có những con dao họ chỉ tả qua là  loáng cái ông đã làm xong ngay mẫu, dao bổ cau, dao cắt hoa quả, kéo cắt chỉ may, các loại hoa của quả… thôi thì đủ loại trên đời.

Người rèn thủ công cuối cùng của làng dao kéo đa sĩNghệ nhân Nguyễn Hồng Phấn

Số đông trong làng, bà con thường sản xuất dao kéo đại trà rồi bán buôn. Người sản xuất thì chỉ biết làm ra sản phẩm, người buôn bán vào tận từng gia đình lấy dao kéo chở đi tiêu thụ. Mỗi buổi sáng những chiếc xe tải từ các tỉnh miền Nam, miền Trung đã đậu sẵn để ăn hàng.

Những bao, những hộp dao kéo nặng trịch được đám thanh niên khiêng lên xe thoăn thoắt. Dao kéo Đa Sĩ đã được chở theo đường tiểu ngạch sang tận Căm pu chia, Lào, Trung Quốc để tiêu thụ.

Những năm gần đây, dao kéo Trung Quốc, Thái Lan đã tràn ngập thị trường Việt Nam, thậm chí ngay trong làng cũng có bán dao kéo Trung Quốc khiến dao kéo Đa Sĩ có phần chậm tiêu thụ hơn trước đây, giá cả hạ chút ít nhưng với Đa Sĩ không phải vấn đề gì nghiêm trọng.

Dao kéo của Trung Quốc khá rẻ và trắng toát sạch sẽ, tuy nhiên người tiêu dùng vẫn không thích lắm vì độ sắc thì kém hơn dao kéo Đa Sĩ. Dao kéo ngoại khi còn mới thì sắc và đẹp, không gỉ, tuy nhiên lại cùn nhanh hơn dao kéo làm thủ công. Những người có kinh nghiệm thì thường mua hàng thủ công, còn người thành phố hiện nay thường mua dao kéo ngoại.

Để tiếp tục duy trì làng nghề, người Đa Sĩ đã phải đưa sản phẩm đi bán rất xa, đưa lên miền núi, chuyển ra hải đảo, thôi thì nơi nào bán được là chào hàng.

Ông Sử bắt đầu ngày làm việc chừng 8 giờ sáng hàng ngày. Bếp than được đốt lên, chiếc quạt điện mi ni thổi thay cho cái bễ, phôi thép được nung hồng lên rồi đặt lên đe, vợ ông nâng búa tạ đập dẹt thành hình con dao. Ba lần nung đập như vậy thì cơ bản rèn xong bản thô một con dao.

Làm nghề vất vả thế này thu nhập có khá không? Ông Sử bảo làm hoàn toàn thủ công thế này trung bình mỗi ngày cũng kiếm được trên trăm nghìn, hôm làm nhiều thì vài trăm, làm ít thì dăm chục. Việc thì không thiếu nhưng không phải lúc nào cũng làm được.

Mới rèn đập được một con dao mà mồi hôi đã túa ra ướt vai áo ông Sử, ngồi gần cái lò bát quái hít bụi than, bụi thép cà ngày nên ông khá gầy gò. Nhiều người làm nghề lâu năm trong làng đều ít nhiều mắc bệnh, nhiều nhất là bệnh đau lưng, mắt toét, lao lực, lao phổi…

Đội hình cung cấp phôi thép cho người làng Đa Sĩ cũng khá là đông đảo. Phôi thép dao kéo chủ yếu là nhíp ô tô. Những người cung ứng vật tư có đủ khả năng cung cấp rất nhanh những thanh nhíp ô tô với số lượng không hạn chế. Thợ rèn chỉ cẩn nhấc máy điện thoại gọi một câu là lập tức có người chở nhíp ô tô đến tức thì, một tấn, hai tấn hay chục tấn cũng có ngay.

Chính những người thợ ở Đa Sĩ cũng không biết vì sao lại có nhiều nhíp ô tô đến thế, đủ loại nhíp khác nhau, tiền nào của ấy. Thợ rèn chỉ việc cho nhíp vào lò than nung nóng lên rồi chặt ra theo kích thước dao kéo là xong một công đoạn, tiếp đến là tôi và rèn.

Hiện nay trong làng còn 900 gia đình làm nghề, chiếm khoảng 40 % số hộ trong làng. Tính ra thì cũng đã có mấy trăm gia đình bỏ nghề rồi. Làm dao kéo là một nghề nặng nhọc, ai không có sức khoẻ thì không thể theo được. Nhiều gia đình đã tìm nghề khác làm kế sinh nhai, như buôn bán, mở cửa hàng ăn uống. Trong thời kỳ hàng hoá tiêu thụ chậm như hiện nay thì có lẽ sẽ còn nhiều gia đình tiếp tục bỏ nghề.

Đã có tới trên 90 % số gia đình trong làng Đa Sĩ bị thu hồi hết đất nông nghiệp phục vụ dự án xây dựng đô thị, mở rộng đường giao thông. Tiền đền bù đất được bà con đầu tư cho sản xuất kinh doanh và phục vụ cuộc sống. Mất đất nông nghiệp khiến nhiều gia đình khá vất vả xoay sở tìm kế sinh nhai.

Làng Đa Sĩ đã được quy hoạch thành địa bàn thành phố, mỗi xóm là một tổ dân phố, có lẽ cái từ "làng" rồi cũng dần mất đi. Người dân thì vẫn chưa đủ thời gian để cảm nhận mình là người thành phố, vẫn xởi lởi, mến khách đúng như cái chất của người nhà quê. 

Lê Tự

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh