CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:06

Người nghiện ma túy đá, ma túy tổng hợp ngày càng tăng

 

Theo báo cáo của Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, mặc dù các cấp, ngành đã triển khai nhiều biện pháp phòng chống ma túy nói chung, cai nghiện ma túy nói riêng, nhưng chưa đem lại kết quả mong muốn, tỷ lệ tái nghiện không giảm. Theo khảo sát mới nhất, đến cuối năm 2015, cả nước có hơn 200.000 người nghiện: 76% độ tuổi dưới 35 tuổi, 60% số người sử dụng ma túy lần đầu ở độ tuổi dưới 25, trong đó 8% sử dụng ma túy lần đầu ở độ tuổi dưới 18. Ngoài nghiện thuốc phiện, heroin, nghiện ma túy tổng hợp, nhóm chất kích thích dạng amphetamine (ATS) đặc biệt là methamphetamine (ma túy đá), cocaine, cần sa, cỏ Mỹ và các chất hướng thần khác đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều, gây khó khăn cho việc kiểm soát của các cơ quan chức năng.

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm chỉ đạo tại hội thảo.

Điều trị nghiện ma túy là một công việc hết sức khó khăn, phức tạp, đòi hỏi triển khai đồng bộ các giải pháp y tế, tâm lý, xã hội, pháp luật nhưng kết quả rất hạn chế. Các quốc gia trên thế giới hiện cũng đang tìm kiếm các biện pháp điều trị nghiện hiệu quả. Từ nhiều thập kỷ trước, do thiếu các bằng chứng khoa học về cơ chế tác động của ma túy lên người nghiện và do nhận thức nghiện ma túy gắn liền với vi phạm pháp luật, vi phạm các chuẩn mực đạo đức và quan hệ xã hội. Người ta cho rằng để chữa trị, cai nghiện, giải pháp đơn giản là tách người nghiện ra khỏi môi trường có ma túy một thời gian họ sẽ hết nghiện, dẫn đến nhiều nước đã áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc tại các cơ sở cai nghiện khép kín.

Ở Việt Nam, trong một thời gian dài, mô hình điều trị nghiện bắt buộc được nhìn nhận đã góp phần bảo đảm trật tự xã hội và làm giảm tội phạm liên quan đến ma túy. Tuy nhiên, mô hình cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện tập trung có nhiều hạn chế như tỷ lệ tái nghiện cao, tốn kém, thiếu các dịch vụ hỗ trợ xã hội khác như học nghề, giới thiệu việc làm dẫn đến hạn chế cơ hội tái hòa nhập cộng đồng của người nghiện.

Tại Việt Nam, Đề án đổi mới công tác cai nghiện đến năm 2020 với quan điểm coi nghiện ma túy là bệnh mãn tính; điều trị cai nghiện ma túy là một quá trình lâu dài bao gồm tổng thể các can thiệp hỗ trợ về y tế, tâm lý, xã hội làm thay đổi nhận thức, hành vi nhằm giảm tác hại của nghiện ma túy và giảm tình trạng sử dụng ma túy trái phép. Đề án cũng nhấn mạnh quan điểm đa dạng hóa các biện pháp và mô hình điều trị bao gồm điều trị tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và điều trị bắt buộc tại trung tâm theo hướng giảm dần, tiến tới điều trị tự nguyện tại cộng đồng là chủ yếu. Các quan điểm, tư duy mới đối với nghiện ma túy và điều trị, cai nghiện ma túy đã mang lại nhiều cơ hội cho người nghiện và cũng đặt ra những thách thức cho công tác điều trị nghiện ma túy đối với các cơ quan chức năng trong thời gian tới.

Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm nhấn mạnh, để công tác đổi mới cai nghiện đạt hiệu quả, cần triển khai các hoạt động thông tin, truyền thông về dự phòng và điều trị nghiện tới cộng đồng với nhiều hình thức, nội dung cụ thể, thiết thực. Để thực hiện giải pháp này, các cơ quan báo chí, truyền thông có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về vấn đề nghiện ma túy hiện nay. Đây là một yêu cầu khách quan và cấp thiết. Các cơ quan báo chí cần hiểu rõ bản chất của nghiện ma túy và phân biệt cai nghiện, điều trị nghiện ma túy, thuốc điều trị thay thế và thuốc hỗ trợ cắt cơn để có biện pháp giúp đỡ người nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng. Từ nhận thức sẽ ý thức được hiểm họa ma túy, bảo vệ con em, gia đình không sa ngã vào tệ nạn, không phân biệt đối xử và cùng chung tay giúp đỡ người nghiện ma túy cai nghiện, hòa nhập cộng đồng.       

THÀNH NAM/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh