THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:12

Người luôn trăn trở, tâm huyết với ngành LĐ-TB&XH

Tâm huyết, trách nhiệm, cầu toàn

Với cương vị là người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH Ninh Bình, GĐ Lâm Xuân Phương ngay từ ngày đầu nhận nhiệm vụ, đã ổn định tổ chức, bộ máy, xây dựng quy chế làm việc. Ông xác định rõ khó ở đâu tập trung khắc phục ở đó; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên vừa "hồng" vừa "chuyên". Dù đảm nhiệm lĩnh vực, công việc gì, ông cũng luôn kiên định phương châm: Nói đi đôi với làm, chuẩn mực trong giao tiếp, ứng xử; tự học để nâng cao trình độ, tạo điều kiện cho cán bộ trẻ được thể hiện, học tập cũng như tạo nguồn kết nạp đảng viên. Hiện, đội ngũ cán bộ đảm bảo yêu cầu nhiệm vụ chuyên môn, đa số trưởng phòng có trình độ cao cấp lý luận chính trị và hoàn thành chương trình thạc sỹ, kết nạp đảng viên mới luôn đạt và vượt chỉ tiêu nghị quyết của đảng bộ cơ sở. Với lối sống chuẩn mực, đề cao tinh thần trách nhiệm, hiệu quả công việc, đặt lợi ích tập thể lên trên, ông đã góp phần tạo sự đoàn kết, thống nhất ý trí trong tập thể lãnh đạo, cán bộ, công viên chức ngành, phát huy tinh thần đoàn kết, xây dựng cơ quan vững mạnh, ngày càng khẳng định vai trò trụ cột chính của chính sách an sinh xã hội.

Người luôn trăn trở, tâm huyết với ngành LĐ-TB&XH - Ảnh 1.

Ông Lâm Xuân Phương, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Ninh Bình

Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, ông Lâm Xuân Phương cho biết: "Lãnh đạo Sở đã chỉ đạo, tổ chức quán triệt, triển khai tới toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan và cán bộ chủ chốt tại các đơn vị trực thuộc Sở các nội dung chính như: tiếp tục đổi mới, sắp sếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của nhà nước và chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị xã hội; phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; giảm chi thường xuyên và góp phần cải cách chính sách tiền lương. Qua đó giúp cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức năm được quan điểm chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh từ đó nhất quán trong nhận thức và hành động".

Đến ngày 15/2/2019 Sở đã thực hiện sắp xếp lại các phòng nghiệp vụ Sở (từ 10 đầu mối phòng giảm xuống còn 08 phòng). Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Sở đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan xây dựng Đề án Sáp nhập Trường trung cấp nghề Nho Quan và Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật và Tại chức Ninh Bình; xây dựng phương án tự chủ cho Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Tam Điệp trình và được UBND tỉnh phê duyệt. Đến nay đã hoàn thành việc sáp nhập 02 trường Trung cấp trên thành Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật và Du lịch tỉnh Ninh Bình (giảm 01 đầu mối đơn vị sự nghiệp). Ngoài ra Sở đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc rà soát chức năng, nhiệm vụ của các phòng, khoa chuyên môn trên cơ sở đó tổ chức sáp nhập, tổ chức lại. Kết quả đã thực hiện sáp nhập 01 phòng chức năng của Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Nho Quan; 01 Khoa của Trung tâm Phục hồi chức năng tâm thần và 02 phòng thuộc Cơ sở cai nghiện ma túy (giảm 04 đầu mối cấp phòng, khoa). Thực hiện số lượng cấp phó tại cơ quan Sở và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc: Lãnh đạo Sở đã quyết tâm thực hiện giảm số lượng cấp phó đảm bảo đúng quy định theo phương thức không bổ nhiệm mới khi có lãnh đạo phòng nghỉ hưu, chuyển công tác. Do đó từ năm 2018 đến nay đã giảm 07 cấp phó (03 Phó Giám đốc các đơn vị sự nghiệp và 04 phó phòng nghiệp vụ sở).

Trăn trở trong công tác NCC

Nói về những công tác của ngành, đặc biệt là công tác NCC, ông Phương nói: "Việc thực hiện chính sách ưu đãi Người có công là một nhiệm vụ quan trọng có ý nghĩa chính trị và nhân văn sâu sắc. Việc giải quyết chính sách, chi trả trợ cấp hàng tháng, trợ cấp 1 lần cho người có công và thân nhân phải luôn đảm bảo đúng, đủ, kịp thời, không để tồn đọng, kéo dài."

Người luôn trăn trở, tâm huyết với ngành LĐ-TB&XH - Ảnh 2.

Ông Lâm Xuân Phương, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Ninh Bình thăm hỏi Mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Phi ở thôn Cổ Loan, xã Ninh Tiến, TP Ninh Bình.

 Xác định việc thực hiện chính sách ưu đãi Người có công là một nhiệm vụ quan trọng có ý nghĩa chính trị và nhân văn sâu sắc, trong những năm qua được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ LĐ-TB&XH, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh việc thực hiện chính sách thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Việc giải quyết chính sách, chi trả trợ cấp hàng tháng, trợ cấp 1 lần cho người có công và thân nhân đảm bảo đúng, đủ, kịp thời, không để tồn đọng, kéo dài. 6 tháng đầu năm đã xác nhận hồ sơ, giải quyết chế độ chính sách đối với trên 2.100 hồ sơ NCC. Công tác chăm sóc sức khỏe cho người có công được quan tâm, đã xây dựng kế hoạch điều dưỡng năm 2020 cho 6.263 NCC, trong đó điều dưỡng tập trung cho 1.377 NCC, 100% Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các cơ quan, đơn vị phụng dưỡng đến hết đời. Phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" đã huy động sự tham gia tích cực của cộng đồng, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa và An sinh xã hội" của tỉnh Ninh Bình đến nay đã huy động được trên 110 tỷ đồng (trong đó cấp tỉnh là 48 tỷ đồng). Hằng năm toàn tỉnh tổ chức thăm, tặng trên 170 nghìn suất quà cho người có công với cách mạng và thân nhân dịp Lễ, Tết, ngày Thương binh liệt sỹ 27/7 với trị giá trên 38 tỷ đồng. Trong đó: ngoài quà của Chủ tịch nước, Tỉnh đã trích ngân sách địa phương để tặng quà cho các đối tượng NCC và thân nhân, với mức quà 300.000đ/người).

Sau 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết đã giúp 395 hộ thoát nghèo. Đến đầu năm 2020, toàn tỉnh còn 194 hộ nghèo có thành viên NCC. Để xóa nghèo cho nhóm đối tượng này, ngành đã chủ động tham mưu giúp UBND tỉnh Ninh Bình trình HĐND ban hành Nghị quyết số 23 quy định chính sách hỗ trợ các đối tượng thuộc hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh, thời gian thực hiện từ 2020 - 2025, với mức hỗ trợ từ 800 nghìn đồng - 1triệu đồng/người/tháng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình cơ bản không còn hộ nghèo có thành viên NCC.

"Việc cấp Bằng "Tổ quốc ghi công" theo Điều 13, Thông tư 16 của Bộ LĐ-TB&XH còn gặp khó khăn. Năm 2017, trên địa bàn tỉnh có 417 hồ sơ đề nghị cấp Bằng Tổ quốc ghi công, được sự quan tâm, chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ LĐ-TB&XH đến nay đã có 266 trường hợp được cấp Bằng Tổ quốc ghi công, còn 151 trường hợp chưa được giải quyết do thiếu các giấy tờ, tài liệu pháp lý ghi nhận là liệt sĩ hoặc hy sinh và giấy tờ có căn cứ xác định thân nhân liệt sĩ đã được giải quyết chế độ trước ngày 1/1/1995. Tỉnh cũng đã đề nghị Bộ LĐ-TB&XH nghiên cứu tham mưu với Chính phủ ban hành quy định phù hợp để cấp "Bằng Tổ quốc ghi công" đối với những trường hợp thiếu các giấy tờ, tài liệu pháp lý ghi nhận là liệt sĩ hoặc hy sinh và giấy tờ có căn cứ xác định thân nhân liệt sĩ đã được giải quyết chế độ trước ngày 1/1/1995"- ông Phương chia sẻ.

TƯỜNG LÂM

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh