THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:56

Người lao động cần phải có kiến thức kinh doanh

 

Lồng ghép SIYB trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, với dân số trên 90,5 triệu người, Việt Nam đang có 66,9% dân số sống ở khu vực nông thôn, trong đó trên 36,04 triệu người, tức chiếm 70% lao động cả nước.

Ông Đào Văn Tiến, Vụ trưởng vụ Dạy nghề thường xuyên, (Tổng cục Dạy nghề) cho biết: Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã được Thủ tưởng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 và được sửa đổi, bổ sung tại Quyết định số 971/QĐ-TTg ngày 1/7/2014, với mục tiêu chung mỗi năm sẽ đào tạo nghề cho khoảng 1 triệu lao động nông thôn. Cụ thể, sẽ đào tạo nghề cho 11 triệu lao động nông thôn, trong đó hỗ trợ đào tạo sơ cấp, dưới 3 tháng cho 6,54 triệu người; đào tạo bồi dưỡng cho khoảng 1 triệu lượt cá bộ, công chức xã.

PGS-TS Cao Văn Sâm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề phát biểu tại hội thảo

Theo đó,  hơn 4.350 lượt nghề bao gồm cả nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp đã được đào tạo cho lao động nông thôn giai đoạn 2010-2014, với sự tham gia dạy nghề của 1.710 cơ sở dạy nghề. Đặc biệt, 273 doanh nghiệp trực tiếp tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn và tuyển dụng nguồn lao động này.

Được biết, giai đoạn 2010-2014 đã có trên 3,5 triệu lao động nông thôn được đạo đào tạo nghề với trên 400 nghìn cán bộ, công chức xã được đào tạo bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng theo vị trí công tác. Trong đó, gần 2,2 triệu người được hỗ trợ đào tạo sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng, 1,53/1,95 triệu người đã học xong và có việc làm, đạt 78,7%.

Theo thống kê của Tổng cục Dạy nghề, sau đào tạo có trên 1 triệu lao động tiếp tục làm nghề cũ, tuy nhiên năng suất lao động đã có sự thay đổi đáng kể về thu nhập. Đặc biệt có gần 20.000 người thành lập tổ nhóm sản xuất, hợp tác xã sản xuất, doanh nghiệp và có gần 60.000 hộ nghèo sau học nghề đã thoát nghèo...

PGS-TS Cao Văn Sâm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề cho rằng: Người lao động dù ở bất cứ ngành nghề nào, lứa tuổi nào, bên cạnh kiến thức chuyên  môn, nghiệp vụ cũng rất cần phải có kiến thức về kinh doanh bởi nó không chỉ giúp người lao động nhanh nhạy hơn, nắm bắt xu thế tốt hơn mà khả năng thích nghi cũng như phát triển công việc cũng sẽ theo chiều hướng tốt hơn, năng suất lao động nhờ đó được nâng cao hơn. Chính vì vậy, việc đưa SIYB lồng ghép vào chương trình đào tạo của các cơ sở đào tạo nghề ở Việt Nam là việc làm có ý nghĩa vô cùng quan trọng, nhất là đối với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn hiện nay.”

Hàng chục nghìn người học nghề được đào tạo SIYB

Theo Th.S Lê Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ giáo viên và Cán bộ quản lý Dạy nghề, Tổng cục Dạy nghề: Từ năm 2012 đến nay, Tổng cục Dạy nghề với sự hỗ trợ của ILO đã đào tạo được một đội ngũ giảng viên cao cấp, trong đó có cả những giảng viên cao cấp được đào tạo tại nước ngoài đã trở thành hạt nhân nòng cốt cùng chuyên gia đến từ Thụy Sỹ triển khai chương trình SIYB tại Việt Nam. Hơn 80 giảng viên hạt nhân và 620 giảng viên được nhân rộng cho các cơ sở dạy nghề.

Theo đó, thời gian qua, từ các giảng viên cao cấp, giảng viên hạt nhân và giảng viên đã trực tiếp tổ chức các khóa đào tạo SIYB cho hàng chục nghìn người học nghề, chủ yếu là các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn. Trong đó, riêng tháng 9/2014, đã có 200 lao động nông thôn được hỗ trợ học chương trình SIYB lồng ghép vào chương trình đào tạo nghề theo chính sách của Đề án 1956. 

Một khóa tập huấn khởi sự kinh doanh cho người khuyết tật tại Đà Nẵng

“Chương trình SIYB giúp người lao động có ý tưởng kinh doanh sáng tạo, biết phương pháp, cách thức kinh doanh. Việc đưa Chương trình SIYB vào các cơ sở dạy nghề là sự kết hợp, lồng ghép đúng đắn, nhất là trong dạy nghề ngắn hạn, làm cho người học nghề nhận thức được mục đích rõ ràng hơn, có thêm động lực học tập hơn”, ông Vinh cho biết thêm.

Ý nghĩa, hiệu quả của SIYB trong việc lồng ghép đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã rõ, tuy nhiên tại Hội thảo diễn ra sáng 24/9 tại Đà Nẵng, không ít đại biểu băn khoăn bởi trên thực tế đội ngũ giáo viên, giảng viên tại các cơ sở đào tạo nghề hiện vẫn chưa chủ động triển khai SIYB đến lao động nông thôn. Bên cạnh đó, cũng phải thừa nhận, một số cơ sở dạy nghề chưa biết đến chương trình này; đối với lao động nông thôn, trong quá trình học còn e dè, ngại chia sẻ... cũng sẽ là một trong những trở ngại để phát triển SIYB.


BÙI MINH/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh