THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 09:23

Người lao động bị ảnh hưởng Covid-19 được hỗ trợ học nghề và tìm việc làm

Ông Nguyễn Quí Quý, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Nam thông tin, từ khi xảy ra đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 ở các tỉnh phía Nam, có hơn 12 nghìn lao động của tỉnh đã về quê tránh dịch. Trong số những lao động về quê tránh dịch lần này, nhu cầu đào tạo lại nghề và tìm việc làm mới của những lao động này không nhiều. Qua thống kê, khảo sát của các địa phương, nhu cầu lao động tìm việc ở địa phương chỉ khoảng hơn 1.300 lao động. Trong số này có 770 lao động có nhu cầu tìm việc mới, nhu cầu học nghề có 300 lao động; nhu cầu vay vốn khoảng 245 lao động. Cũng theo thống kê từ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Nam, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện chủ yếu tuyển dụng lao động tự do, không cần có tay nghề và doanh nghiệp tự đào tạo luôn vì doanh nghiệp đang cần.

hỗ trợ người lao động

Ông Quý cho biết thêm, trong số 1.300 lao động khảo sát có nhu cầu tìm việc làm và đào tạo nghề, đó là số thống kê lúc dịch bệnh ở các tỉnh phía Nam bùng phát mạnh. Với Nghị quyết 128 của Chính phủ - "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", nhiều lao động trở lại các tỉnh phía Nam làm việc. Thậm chí, có lao động đã nộp hồ sơ xin việc, vay vốn, học nghề ở địa phương rồi nhưng sau khi các doanh nghiệp tại phía Nam hoạt động trở lại họ lại chuyển đi. Vì các lao động này đã ở TP Hồ Chí Minh hơn 20 năm, có tay nghề ổn định nên khi dịch bệnh ổn, họ lại trở vào TP Hồ Chí Minh ngay, rất ít lao động ở lại Quảng Nam. Do đó, các doanh nghiệp tại địa phương rất cần tuyển dụng lao động có tay nghề nhưng đành phải tuyển dụng chính những lao động đang ở Quảng Nam mà chưa có việc làm là chủ yếu. Còn lao động ở vùng dịch trở về chỉ tuyển được rất ít.

Để giải quyết việc làm cho những lao động trở về từ vùng dịch, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Nam đã đề xuất UBND tỉnh các giải pháp hỗ trợ đào tạo, tuyển dụng lao động trong giai đoạn hiện nay. Theo đó, các ngành hướng dẫn, chỉ đạo việc khảo sát thu thập thông tin nhu cầu việc làm, học nghề của người lao động; nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh; tổ chức các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, cung ứng lao động, kết nối cung cầu lao động. Tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền các chính sách hỗ trợ việc làm, đào tạo nghề cho người lao động, nhất là thực hiện "Chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động" quy định tại Điểm 3, Mục II Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp có đủ điều kiện tham gia trực tiếp vào quá trình tự đào tạo nghề dưới 3 tháng phục vụ cho nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp. Phối hợp với Ban Quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức các hoạt động khảo sát nhu cầu việc làm, học nghề  của người lao động; nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh…

Bà Vũ Thị Phương Anh, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Quảng Nam cho hay, nhà trường mong muốn tham gia vào quá trình đào tạo để đào tạo ra một lực lượng lao động tốt, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Trường có thể tham gia vào quá trình tư vấn, đào tạo các ngành nghề mà doanh nghiệp cần. Hiện cũng có một số doanh nghiệp liên kết với trường để đào tạo và đào tạo lại.

Ông Trần Anh Tuấn yêu cầu các cơ quan chức năng cần khảo sát nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp sau đại dịch cần bao nhiêu. Cùng với đó, đẩy mạnh tư vấn, tìm việc làm cho những lao động ở vùng dịch về với mục đích "người lao động ly nông nhưng không ly hương". Ông Tuấn yêu cầu, sớm giải quyết việc làm cho người lao động trở về từ vùng dịch để đảm bảo an sinh.

Đ.THỌ
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

.

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh