CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:26

Người giữ lửa phố Lò Rèn

 

Ông Nguyễn Phương Hùng - người duy nhất còn “giữ lửa” cho 36 phố nghề của Hà thành.

 

Người không phụ nghề, nghề không phụ người

Chiều đông, tôi tìm đến địa chỉ 26 phố Lò Rèn (Hà Nội) - cửa hàng chỉ vẻn vẹn 3m2 hình tam giác, nằm khiêm tốn tại ngã tư phố Lò Rèn - Hàng Đồng (phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm), đó là lò rèn thủ công của ông Nguyễn Phương Hùng, người vẫn duy trì nghề rèn truyền thống của gia đình từ trăm năm nay.

Trước mắt tôi là bễ lò rèn đang rực lửa, ông Nguyễn Phương Hùng với đôi bàn tay rắn chắc nhưng lại dịu dàng và thong thả vào từng nhát búa với những cây sắt nhọn được nung đỏ rực. Gương mặt ám đen bụi than, cánh tay lốm đốm vết bỏng, chiếc áo loang mồ hôi và dầu mỡ. Tôi tần ngần: Thật khó tưởng tượng, giữa sự hối hả, bon chen của cuộc sống chốn Hà thành này vẫn còn đó người thợ rèn “lạc lõng” cần mẫn tay búa, tay kìm, rèn sắt thủ công để lò không bao giờ tắt lửa và tiếng búa cứ vang lên đều đặn từ sáng sớm cho đến khi phố lên đèn.

Vốn khá quen với những vị khách qua đây, thường dừng chân tham quan, chụp ảnh nên sự xuất hiện của tôi cũng chẳng khiến ông ngạc nhiên chút nào, thay vào đó là nét mặt tươi cười: “Hà Nội hôm nay lạnh lắm đúng không, nhưng không sao, cháu vào đây rồi sẽ thấy ấm ngay thôi mà”.

 

Ông Nguyễn Phương Hùng với đôi bàn tay rắn chắc thả vào từng nhát búa với những cây sắt nhọn được nung đỏ rực.

 

Nhanh tay tiếp than vào bễ, ông Hùng kể: Đến đời ông, nghề quai búa, thổi bếp than đã được 3 đời. 5 tuổi ông đã phụ gia đình quay bễ, quét đe và làm các việc lặt vặt, năm học lớp 7 ông đã là thợ phụ đóng buông cho lò rèn. Học hết lớp 10 ông đi học Trung cấp cơ khí sửa chữa ô tô. Ra trường, mặc dù nhà có nghề rèn nhưng ông muốn được tự mình thử sức ở những lĩnh vực khác nên đã bươn chải khắp chốn, trong đó lâu nhất là quãng thời gian công tác tại Xưởng cơ khí ô tô 3 - 2. Bố ông có 7 người con, nhưng tất cả đều không muốn theo nghề rèn. Khi tuổi cao sức yếu, bố đã gọi ông tới và bày tỏ nguyện vọng có người nối nghiệp. Cũng bởi nguyện vọng lớn của bố, năm 1996, ông quyết định trở về tiếp quản xưởng sản xuất của gia đình.

 

Bễ lò rèn của ông Hùng luôn đỏ lửa từ mờ sáng đến khi phố lên đèn.

 

Ngừng giây lát, đưa mắt nhìn ra phố đông người đang hối hả chạy đua với thời gian, bỏ vài thanh sắt vừa nung đỏ cho vào thùng dầu sủi bọt trắng xóa, ông Hùng trầm ngâm: “Ngày đó khi bố tôi gọi về và nói ước nguyện cuối cùng của ông muốn tôi là người giữ nghề của cha ông để lại. Vợ và con tôi đã phản đối kịch liệt vì nghề vất vả, suốt ngày mặt mũi nhem nhuốc vì bụi hàn… Nhưng không vì thế mà tôi nản chí, ngược lại tôi càng thêm quyết tâm. Bởi tôi luôn tâm niệm: Đối với người thợ mình không phụ nghề thì nghề cũng không phụ mình. Mình có tâm với nghề, nghề sẽ trả mình cái tâm. Mình có tâm với nghề, nghề sẽ nuôi sống mình.

 

Những thanh sắt sau khi đã nung đỏ được lấy ra và nhúng vào thùng dầu luyn thải của xe máy, sau đó nhúng tiếp vào xô nước lạnh để tăng độ già, dẻo và độ nguội của thanh sắt.

 

Lò rèn - nguồn vui cuộc sống

Đến phố Lò Rèn hôm nay, người ta dễ nhận thấy sự chuyển biến lớn của một phố nghề xưa. Nhiều gia đình đã chuyển đổi sang làm nghề hàn sắt, làm đồ sắt xây dựng như: Làm cầu thang, cửa cuốn, cửa sổ hoa sắt, làm đồ Inox hay làm gia công các đồ cơ khí... Những công đoạn thủ công đã ít dần đi, sức người được thay thế bởi các máy phay, máy cắt, máy hàn hiện đại. Nghề rèn dân gian tưởng chừng như chỉ thấy ở chốn thôn quê, hay một thời đã rất xa, vậy mà vẫn hiển hiện giữa phố thị đông đúc. Bởi vậy, cái bễ lò rèn thủ công duy nhất của ông Nguyễn Phương Hùng luôn là tâm điểm của khách tham quan phố cổ. Dường như đoán được những gì tôi đang nghĩ, ông Hùng khoe: “Tôi rất tự hào và thường xuyên nói với con tôi, người thân và bạn bè của tôi rằng: Tôi được đi du lịch khắp thế giới mà không cần hộ chiếu. Vì sao ư? Vì hằng ngày tôi ngồi làm việc, nhiều người ngang qua, trong đó số lượng khách nước ngoài rất nhiều, họ đều dừng lại quay phim, chụp ảnh tôi đang làm việc rồi mang về khoe với họ hàng bạn bè rằng ở giữa Thủ đô có ông thợ rèn “lạc lõng” hằng ngày cặm cụi bên bễ lò rèn luôn rực lửa. Hay trên các hãng hàng không dân dụng, họ quảng cáo báo chí tôi làm nghề thủ công… Kể ra thì cũng vui, thậm chí có nhiều khách nước ngoài qua đây thấy tôi cứ “đầu trần” nên khi về nước đã gửi tặng tôi mũ, kính, găng tay và đồ bảo hộ khi làm việc…”.

 

Dù luôn chân tay với công việc nhưng ông Hùng luôn nở nụ cười tươi mỗi khi có khách đến cửa hàng.

 

Chia sẻ về công việc hiện tại, ông Hùng hài hước: “Tôi như một bác sĩ đa khoa ấy vì làm đủ các việc. Cũng đúng thôi bởi 36 phố nghề thì giờ chỉ mình tôi có “nghề độc” này”. Theo ông Hùng, do dãy phố chỉ còn duy nhất xưởng của gia đình làm nghề rèn nên chẳng bao giờ lo hết việc, có những hôm nhiều hàng lò đỏ lửa từ sáng sớm đến tận 10 giờ đêm. Khách hàng ở Hà Nội và các vùng miền đều biết rõ về ông để tìm đến đặt hàng.

Trăn trở phố nghề

Bễ lò rèn ngọn lửa vẫn cháy hồng rực, chỉ vào chiếc búa mòn vẹt theo thời gian ông Hùng trăn trở: “ Hơn 15 năm gắn bó với nghề, cả ngày chan chát cùng tiếng búa, tiếng đe, bây giờ một ngày mà không được ngồi vỉa hè còng cọc cái búa hay nghe tiếng xèo xèo của sắt nóng gặp nước lạnh, tiếng nổ lách tách từ bễ lò rèn thì nhớ không chịu được! Nhưng điều khiến tôi vui nhất đó là thấy tự hào và hãnh diện với bản thân, toại nguyện với nghề và nghề cũng toại nguyện với người. Lò rèn là nguồn vui cuộc sống của tôi. Làm việc gì cũng phải có tâm hồn thì mới thành công trong cuộc sống, vì vậy khi bước vào ánh lửa là tôi thả hồn với nghề và quên hết mọi xô bồ của cuộc sống, mỗi nhát búa nện xuống những cây sắt đỏ đều có tâm hồn tôi gửi gắm trong đó. Khi về với gia đình được xum vầy trong sự ấm áp yêu thương của gia đình, nghe những đứa cháu ê a học bài rồi tò mò hỏi chuyện bễ lò, chỉ cần như vậy thôi tôi đã thấy mãn nguyện lắm rồi.

 

Ông Nguyễn Phương Hùng tâm sự: Lò rèn là nguồn vui cuộc sống của tôi. Làm việc gì cũng phải có tâm hồn thì mới thành công trong cuộc sống.

 

Mong muốn nhất của tôi lúc này là được truyền nghề lại cho thế hệ sau để làm và giữ được nghề, nhưng đòi hỏi người học phải có sự say mê với nghề thì mới tiếp thu được. Còn thế hệ trẻ bây giờ bản năng rất kém, không thích học nghề, chóng chán, ngại khổ mà chỉ muốn là nhà trí thức. Trong khi đất nước mình vẫn trọng vọng người tài giỏi, mong thế hệ trẻ hãy lựa chọn nghề cho đúng và phù hợp với bản thân, bởi một nghề nào giỏi vẫn cứ giỏi. Mình yêu nghề thì chắc chắn nghề sẽ không phụ mình”.

 

Cửa hàng ông Nguyễn Phương Hùng vẻn vẹn 3m2, nằm khiêm tốn tại ngã tư phố Lò Rèn - Hàng Đồng.

 

Hơn ai hết, ông Hùng cảm nhận rõ nhất về sự mai một của nghề đã gắn bó với gia đình ông qua nhiều thế hệ và cũng là cái nghề đã làm thành tên con phố. Liệu có mấy ai lo lắng phố Lò Rèn rồi một ngày sẽ chỉ còn lại tên gọi?

 

HÒA THANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh