THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 11:17

Gặp lại các dũng sĩ làng Yên Vực năm xưa

Bà Nguyễn Thị Hiền kể về những ngày ác liệt thời chống Mỹ

Ký ức về những ngày ác liệt.

Theo chỉ dẫn của cán bộ chính sách phường Tào Xuyên (TP Thanh Hóa), chúng tôi may mắn được gặp lại một số dũng sĩ trong số 75 dũng sĩ năm xưa của làng Yên Vực. Dù nay họ đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, mái tóc  đã ngả hoa dâm, mắt đã mờ, chân đã chậm nhưng mỗi lần được kể về những kỉ niệm xưa thì dường như cái kí ức của tuổi 20 lại như sống dậy trong họ. Với họ đó là những ngày tháng gian khổ nhưng rất đáng tự hào. Tại phòng truyền thống của làng mỗi dịp gặp mặt các dũng sĩ vẫn vang lên khúc hát tuổi 20, vẫn bài ca may áo…vang vọng cả gian phòng. Cũng với tinh thần “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh” họ đã dám đối mặt với cái sống và cái chết để tạo nên một pháo đài nhân dân vững trãi và kiên cường. Bà Nguyễn Thị Hiền, một trong số những dũng sĩ ngày đó tâm sự: "Lúc đó làng của bác được ví là rốn bom, mệnh danh này cũng nói lên sự tàn khốc, ác liệt dù máy bay Mĩ ném bom ở phía nào thì cũng vào làng Yên Vực. Cả làng có 156 nóc nhà nhưng địch đánh phá không còn một nóc nhà nào, có gia đình cả 5 người đều bị bom Mĩ giết sạch. Cảnh làng tan hoang, tiêu điều vì vậy cả làng phải đi sơ tán hết. Lúc đó các bác là những thanh niên trẻ trong làng quyết tâm ở lại hỗ trợ bộ đội chiến đấu  để giữ làng và bảo vệ tổ quốc".Ông Nguyễn Đăng Thược, trưởng ban liên lạc của những dũng sỹ Yên Vực bồi hồi kể lại: "Đó là những năm tháng đau thương nhưng đầy oai hùng của quân và dân Thanh Hóa. Nhiệm vụ chính của chúng tôi lúc bấy giờ chủ yếu là tiếp đạn, tải thương, cứu thương, Khâu áo, lấy lá ngụy trang và khi cần thiết chúng tôi cũng có thể thay thế pháo thủ để chiến đấu và khi rảnh chúng tôi lại tranh thủ tăng gia sản xuất để tiếp tế lương thực cho bộ đội".

Hình ảnh  tư liệu các dũng sĩ  làng Yên Vực tại nhà truyền thống 

Bà Trần Thị Tẩn cũng bồi hồi nhớ lại những năm tháng đầy hào hùng: "Lúc đó các bác còn rất trẻ nhưng không hề sợ chết dù cái chết lúc đó như quả trứng để trên đầu gậy, các bác đã lấy tiếng hát át tiếng bom và cứ địch đánh bom xong các bác lại lấp những hố bom đó để cấy, có lúc đang làm máy bay lại ném bom khiến nước, bùn bắn tung tóe nhưng các bác vẫn làm, vẫn sản xuất và cùng bộ đội chiến đấu".

Thăm lại trận pháo năm xưa 

Theo dấu chân của các dũng sĩ làng Yên Vực, chúng tôi được đến thăm trận địa pháo năm xưa và cây cầu đã trở thành hyền thoại của lịch sử. Bởi cây cầu này đã bao lần bom Mĩ dội xuống nhưng nó vẫn hiên ngang sừng sững giữa trời nối đôi bờ sông Mã, nối liền con đường huyết mạch vận chuyển lương thực, đạn dược chi viện cho miền Nam. Kể lại kỉ niệm về cây cầu, bà Hiền vẫn nhớ như in: "Cầu Hàm rồng nối đôi bờ sông Mã, với vị thế rất hiểm trở, bên phải là mắt rồng, bên trái là hòn ngọc nên nhiều lần Mỹ đã quyết tâm đánh sập cầu nhưng không thành.

Cầu Hàm Rồng lịch sử

Có nhiều phi công Mỹ đã cảm tử và dùng nhiều cách để đánh móng cầu nhưng đều không thành. Những trận bom đánh phá ác liệt cũng chỉ làm đất ở 2 đầu cầu sạt lở và những thanh sắt bị méo mó nhưng cây cầu vẫn hiên ngang giữa khói bom của địch. Đã có lúc những dũng sĩ làng Yên Vực ngày ấy vác đạn chạy qua cầu mà không hề sợ địch và những lúc đó các anh bộ đội thường nói đùa, việc vác đạn đó giống như “làm xiếc trên đường day” vậy. Lúc đó các bác còn trẻ nên không nề hà bất cứ công việc gì dù là vác đạn chạy trên cầu hay vác đạn bơi qua sông. Các bác sống cùng bộ đội, ăn, ngủ cùng họ và chiến đấu trên một mặt trận nên không nề hà điều gì ngay cả đến việc lúc nòng pháo nóng quá có thể làm ảnh hưởng đến phạm vi truyền đi, bác xé 2 ống quần nhúng nước và đắp lên nòng pháo ngay trước mặt các chiến sĩ.Nhớ lại hai ngày đầu tháng 4/1965 oanh liệt không thể nào quên khi địch quây đánh cũng không thể đánh gãy cây cầu lịch sử Hàm Rồng. 18 tháng sau, máy bay Mỹ lại tái diễn cái kịch bản điên cuồng ấy".

Những chiến công ngày ấy vẫn được Đảng bộ phường Tào Xuyên ôn lại cho các thế hệ

Sáng ngày 21/9/1966 hàng loạt tấn bom Mỹ lại dội xuống cây cầu kiêu hãnh, dũng sỹ làng Yên Vực một lần nữa lại chứng tỏ sức mạnh bất diệt của cây cầu Hàm Rồng lịch sử. Máu và mồ hôi của đội dân quân tự vệ làng Yên Vực đã góp phần làm nên chiến thắng Hàm Rồng vang dội địa cầu. Sau 50 năm sau ngày khói lửa, đội quân dũng sỹ làng Yên Vực người còn người mất. Có người tiếp tục tham gia thanh niên xung phong xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, có người ở lại quê hương làm nòng cốt vững chắc cho tiền tuyến. Họ âm thầm hi sinh vì Tổ quốc không màng danh lợi và tuổi thanh xuân.

Hoàng Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh