Mẹ Dũng sĩ Thanh Khê
- Văn hóa - Giải trí
- 12:38 - 12/07/2015
.
Sau chiến dịch Xuân Mậu Thân, thực hiện chỉ thị của Đặc khu ủy Quảng Đà mở chiến dịch Xuân - X1- tháng 5 / 1968, Năm Dừa lại vào thành phố. Năm Dừa được đưa về ở lại trong nhà mẹ Nhu. Tên thật của mẹ Nhu là Lê Thị Dãnh, có chồng là ông Phạm Cầm, người làng Mỹ Thị, mẹ có người con trai đầu là Hai Nhu nên gọi là mẹ Nhu. Năm Dừa được Phạm Phú Long-con trai của mẹ-là cơ sở của thanh niên, học sinh, đưa về nhà, bề ngoài anh đóng vai bạn của Long, trốn bắt lính. Mẹ coi Năm Dừa như Long, đói no ngày ba bữa. Anh Năm Được (Ngô Văn Được) chồng chị Tám Trang (Huỳnh Thị Trang), con gái mẹ cũng đối xử với Năm Dừa như con em trong nhà. Phú Long bố trí cho Năm Dừa một cái giường nhỏ đặt ở một góc trong nhà, có bức màn che, bên trong một hàng chum, vại đựng mắm, muối. Tới bữa, mẹ dọn cơm lên mâm, đậy lồng bàn, bưng vô buồng cho Năm Dừa.
Tượng đài Mẹ Dũng sĩ Thanh Khê.
Thấy mẹ ngày ngày bưng cơm, ngại quá, Năm Dừa nói với mẹ: Bữa sau, mẹ thay cái lồng bàn bằng cái thúng cho tiện. Bưng cái thúng vào buồng không ai để ý. Thật ra thì mẹ đã để ý từng động thái của Năm Dừa, từ mối quan hệ với con trai của mẹ, ngày nào hai đứa cũng rầm rầm rì rì, tối lại thì dẫn nhau đi đâu, khuya lơ mới về nhà, đi về thì khỏa dấu chân. Năm Dừa vào trụ lại để trực tiếp chỉ đạo công tác thành phố, xây dựng lực lượng biệt động thành và nắm rõ hơn hoạt động của bọn ''bình định"- một lực lượng được Mỹ huấn luyện bài bản. Hai anh em bí mật làm một chỗ trú trong đống lưới vây to đùng ở sau hè nhà mẹ. Hôm nào đi làm về khuya, hoặc nghe bọn chúng rục rịch gì thì rúc vô cái ổ trong đống lưới nằm cho chắc chuyện. Một hôm, Năm Dừa từ trong đống lưới lom khom rúc ra, tay cầm cây K.54, thì mẹ ''bắt được quả tang''.
Mẹ sững sờ đứng nhìn Năm Dừa. Không còn biện bạch quanh co, Năm Dừa khai thật với mẹ: "Con là quân giải phóng. Nói sợ mẹ lo nên bọn con giấu. Mẹ thương tụi con". Ôm Năm Dừa, mẹ dậm chân, òa khóc: "Tau tưởng mi trốn lính, ai hay mi làm cách mạng, để mi chui ngủ trong góc buồng, ăn cực, ăn khổ...". Mẹ trách con trai sao không nói sớm cho mẹ biết bạn của con là quân giải phóng. Từ đó, mẹ đồng ý cho làm hầm bí mật ngay trong nhà, rồi việc ăn uống, qui chế đi lại cũng khác hơn. Chị Tám Trang trở thành người bảo vệ cho Năm Dừa, chị luôn để ba quả lựu đạn M26 trong cái trã treo trên giàn bếp, phòng khi bị phục kích thì chị tung lựu đạn cho Năm Dừa chạy thoát. Còn anh Năm Được thì làm nghề lái xe nên Năm Dừa giao chuyển củi, trong là vũ khí từ bãi biển Xuân Thiều vào nội thành, bí mật giấu trong nhà mẹ Nhu.
Phạm Phú Long làm giấy tờ giả cho Năm Dừa đi lại, tậu cho Năm Dừa một bộ đồ ''bình định''để che mắt người lạ. Từ căn hầm trong nhà, bên hàng chum vại, được sự đồng ý của mẹ, Năm Dừa cùng Phạm Phú Long làm thêm một cái hầm bí mật ngoài hàng rào cạnh bụi tre sau nhà, với lý do là ở ngoài sẽ an toàn hơn trong nhà. Ở trong nhà mẹ Nhu, Năm Dừa qua lại làm quen với hàng xóm xây dựng thêm được một số cơ sở ở Thanh Khê. Xóm nhà mẹ Nhu trở thành một cái lõm cách mạng. Có được ba căn hầm bí mật, Năm Dừa đưa hai Tổ biệt động về ở rồi xuất quân đánh tan tành một Trung đội ''bình định''đóng cách nhà mẹ hơn 200 mét.
Ngày 26-12-1968, địch phát hiện bởi một tên chỉ điểm, bất ngờ ập đến bao vây nhà và bắt mẹ Nhu tra hỏi, buộc mẹ phải khai nơi trú ẩn của các chiến sĩ Biệt động thành. Mẹ kiên quyết từ chối và tỏ vẻ ngơ ngác gan dạ bảo rằng hầm bí mật là gì, để làm gì mẹ không hề biết. Một tên cảnh sát dã chiến chĩa súng vào mẹ, đẩy mẹ về phía đặt những cái chum vại và quát: "Không chỉ thì tau chỉ cho. Ê! Tụi bây hãy lại giở tấm cót kia lên! Hầm bí mật ở dưới cái chum kia kìa". Không còn cách nào hơn, mẹ Nhu bèn thét lớn: "Nó phản bội rồi các con ơi! Đánh đi!". Lời mẹ chưa dứt thì tên chỉ huy bắn mẹ gục ngay giữa nhà. Mẹ la to: "Xông lên các con!". Hai mũi lính lăm lăm súng tràn vào sân, vây quanh nhà mẹ. Tức thì nắp hầm trong nhà bật mở, Nguyễn Văn Huề tung liên tiếp hai quả lựu đạn M26. Ba chiến sĩ vọt lên quét tiểu liên tung tóe lửa. Trong khi hai mũi lính bảo an, dân vệ lui ra, thì từ căn hầm bí mật ngoài bụi tre sau nhà mẹ Hiền, các chiến sĩ biệt động Nguyên Văn Phương, Nguyễn Văn Mười, Trần Chi và Võ Văn Năm đẩy nắp công sự vọt lên, hình thành ngay hai mũi tiến công phối hợp, làm cho bọn địch bất ngờ lui ra xa cố thủ. Bắt đầu một cuộc chiến đấu giữa 7 chiến sĩ biệt động thành với một Tiểu đoàn các sắc lính Sài Gòn suốt một ngày. Bên lực lượng Giải phóng, chiến sĩ Nguyễn Văn Huề hy sinh, Trần Chi, Võ Văn Năm sau khi thoát ra đến sông Phú Lộc, cả một ngày quần nhau với địch, mệt, đói đến ngất xỉu thì bị bắt...
Chỉ một tổ biệt động thành, từ thế bị động, nghe lệnh mẹ Nhu xông lên phản kích làm cho hàng chục tên địch chết, bị thương, tiếng súng nổ vang, tiếng la truy đuổi, làm náo động một góc phía tây thành phố Đà Nẵng giữa ban ngày...Sau ngày giải phóng 1975, thành phố Đà Nẵng đã tạc một pho tượng Mẹ Nhu bằng đồng lớn, đặt tại đầu đại lộ Điện Biên Phủ dẫn vào nội thành Đà Nẵng, được gọi là Tượng đài mẹ Nhu hay tượng đài mẹ Dũng Sĩ Thanh Khê. Và đặt con đường mang tên mẹ Nhu; Dũng Sĩ Thanh Khê. Mẹ Nhu cũng đã được Nhà nước phong tặng Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.
Hồ Duy Lệ