CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 04:03

Người đi giữ đảo Tốc Tan

Cựu binh Nguyễn Viết Chức kể chuyện đi giữ đảo Tốc Tan.  

Ký ức về nhiệm vụ đặc biệt

Trưa cuối tuần, nắng như đổ lửa, cựu binh Nguyễn Viết Chức cùng con gái rửa xe máy cho khách trước cửa nhà. Miệng đeo khẩu trang, tay xách xô nước xà bông đầy bọt, ông vui vẻ đánh tiếng: “Chào nhà báo. Có việc gì hỏi tôi không?”. Ngẩng lên nhìn tôi, ông cười khà khà: “Xa biển đảo, về hưu rồi tôi gắn bó với căn nhà cấp bốn này”.

Ông Chức cởi bỏ khẩu trang, mời tôi vào nhà. Căn nhà cấp bốn của gia đình ông có phần chật hẹp, mới chớm hè đã hầm hập nóng. Một bộ bàn ghế gỗ đơn sơ, một cái tủ tường cũ kỹ. Bên trong là những tấm ảnh, bằng khen, huân, huy chương các loại. Chỉ hai con ốc nón chưng nơi góc tủ, ông bảo: “Kỷ niệm từ ngày đi giữ đảo Tốc Tan đấy. Nhìn vậy thôi chứ nó gắn bó với tôi cả đời lính biển”. Biết khách tò mò, ông Chức nhấp ngụm trà rồi trầm ngâm nói: “30 năm khoác áo hải quân có nhiều kỷ niệm lắm, nhưng lần đi giữ đảo Tốc Tan  thì tôi không bao giờ quên được”.

Cuối năm 1987, ông Chức- lúc đó đeo hàm đại úy, giữ chức Thuyền trưởng tàu HQ-07, loại tàu săn ngầm hiện đại lúc bấy giờ. Trước tình hình phức tạp ở Trường Sa, tàu HQ-07 nhận lệnh khẩn cấp hành quân ra Cam Ranh (Khánh Hòa) đi đảo. Trước ngày đi, ông Chức nhận được điện báo từ Thanh Hóa “gia đình có việc đặc biệt” nên phải cấp tốc về quê lo việc gia đình. Việc chỉ huy biên đội tàu đi đảo Tốc Tan được giao lại cho Thuyền phó quân sự Nguyễn Xuân Sơn. Lúc đó tàu được giao hai nhiệm vụ đặc biệt: Đưa lực lượng cán bộ chiến sĩ Lữ đoàn 146 Hải quân ra thay phiên và chở vật liệu ra các đảo xây dựng.

Đảo Tốc Tan hiện nay, ảnh tư liệu.

 Ra đi khi gió mùa đông bắc tràn về, tàu HQ-07 được mệnh danh là “cá mập săn ngầm” mà vẫn phải chồm lên, ngụp xuống trong giông tố. Sau 3 ngày đêm hải trình tăng tốc, tàu đến đảo Đá Tây. Những con sóng dựng như quả núi dồn dập liên tục làm tàu đứt neo, chân vịt bên phải hỏng, tàu quệt vào san hô ngầm, hầm máy B2 bị hỏng. Trước tình thế ấy, tàu HQ-07 đành quay ngược trở lại đất liền khắc phục. “Lúc đó tôi đang ngoài Thanh Hóa, nghe tin tàu đứt neo, hỏng máy, lòng như lửa đốt. Ngày hôm sau, Lữ đoàn trực tiếp đánh điện gọi tôi  vào chỉ huy biên đội hành quân khẩn cấp ra Tốc Tan. Bức điện ấy giờ tôi còn lưu giữ”, ông Chức hồi tưởng lại.

Ngày ông Chức trở lại Vũng Tàu cũng đúng thời điểm tàu HQ-07 cập cảng Chí Linh (Cảng Vụ thuộc Lữ đoàn 171). Để động viên cán bộ chiến sĩ, Tư lệnh Giáp Văn Cương đã khẩn cấp từ Hải Phòng vào Lữ đoàn 171 và gặp thuyền trưởng Chức. Ông kể: “Tại cuộc gặp Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn, Tư lệnh Giáp Văn Cương ra lệnh: Đây là nhiệm vụ đặc biệt, dù khó khăn gian khổ, dù phải hi sinh các đồng chí cũng phải giữ bằng được đảo Tốc Tan. Nếu có tranh chấp, thì cho tàu ủi lên đảo làm cụm chiến đấu dựng bia chủ quyền. Chúng tôi lên đường trong khí thế ấy”.

Cùng hải trình với tàu HQ-07 đi đảo Tốc Tan lúc đó còn có tàu HQ-713 của Hải đội 811. Ông Chức làm biên đội trưởng, đại úy Trương Huy Mão giữ chức Phó thuyền trưởng chính trị. Cán bộ Lữ đoàn, lúc ấy đi trên tàu có Đại tá Hoàng Kim Nông, Bí thư Đảng ủy, Phó Lữ đoàn trưởng về chính trị, là người chỉ huy cao nhất. Trước ngày tàu xuất bến, bà Kiệm- vợ ông Chức ốm nặng. Thương vợ, nhớ con, ông Chức ôm vợ trong lòng nói lời chia tay: “Em ở nhà cố gắng khỏe để chăm con. Đợt đi này anh không hẹn ngày trở lại. Nhưng tin rằng anh sẽ về”. Bà Kiệm gục vai chồng khóc. Ông Chức bế đứa con thứ ba nhỏ nhất hôn lên má rồi bước chân xuống tàu.

Tàu HQ-07 từng đưa ông Chức đi thực hiện “nhiệm vụ đặc biệt”.   

Cờ đỏ sao vàng trên đảo Tốc Tan

Sau 3 ngày đêm hải trình khẩn cấp, tàu HQ-07 đến vùng biển đảo Tốc Tan.  Ông Chức hồi tưởng: “Lúc đó tàu thuyền đối phương hoạt động rất phức tạp và có dấu hiệu chiếm đảo. Tàu HQ-07 đến đảo Tốc Tan lúc 8 giờ sáng ngày 27/2/1988.

Không chậm trễ, tôi chỉ huy tàu vào lòng hồ Tốc Tan neo đậu, đồng thời triển khai một tổ công tác hạ xuồng máy cơ động vào đảo cắm cờ Tổ quốc. Tổ cắm cờ có 6 người, gồm: Đại tá Hoàng Kim Nông; thiếu úy, trưởng ngành một Nguyễn Xuân Tuyên; thượng úy, thuyền phó quân sự Võ Tá Hùng; người điều khiển ca nô là thiếu úy chuyên nghiệp Nguyễn Văn Bền, cùng y tá, hạ sĩ Lê Xuân Thủy và thiếu úy Nguyễn Viết Thạch”.

Tôi đã có thời gian làm lính của đại tá Hoàng Kim Nông ngót 5 năm nên biết ông là một “rái biển” cừ khôi trong màu áo đặc công nước của Lữ đoàn 126 Hải quân. Tuy nhiên, chuyện đại tá Nông là người trực tiếp cắm cờ trên đảo Tốc Tan thì đây là lần đầu tiên tôi nghe kể. Từ lời kể của ông Chức, tôi xin gặp đại tá Nông với tư cách là một ký giả. Vị “rái biển” một thời kiêu hãnh, thân tình kể: “Lúc đó mình và 5 đồng chí khác đi xuồng vào bãi cạn Tốc Tan. Ca nô vừa cập bãi cạn, mình nhảy xuống cắm cờ để khẳng định chủ quyền. Đảo Tốc Tan- khi đó là bãi san hô chìm. Khi thủy triều dâng cao, đảo chìm trong nước biển. Thủy triều rút, đảo nhô lên mặt biển. Sau khi giữ chủ quyền, chúng tôi tổ chức hai ca xuồng đêm ngày canh giữ, bảo vệ. Tàu nước ngoài thấy ta cắm cờ Tổ quốc khẳng định chủ quyền, họ rút dần không còn lảng vảng ở đó nữa. Lúc đó là 9 giờ sáng ngày 28/2/1988”.

Hai con ốc nón gắn bó với cựu binh Chức một thời quân ngũ.

Để ghi nhận chiến công đầu tiên và động viên cán bộ chiến sĩ tàu HQ-07, đêm ấy trên con tàu nhỏ bé giữa đại dương bao la, đại tá Hoàng Kim Nông đã chủ trì lễ phát động thi đua “Tất cả vì Trường Sa thân yêu, cán bộ chiến sĩ tàu HQ-07 quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc”. Khúc ca “Hát mãi khúc quân hành” chen lẫn tràng pháo tay của cán bộ chiến sĩ vang dậy cả một vùng biển nước giữa biển đêm. Và cũng đêm ấy, những đảng viên của tàu ra nghị quyết chuyên đề, quyết tâm: “Dù phải hi sinh cũng giữ tàu, bám đảo đến cùng”.

Sau niềm vui là khoảng lặng. Giữa biển nước mênh mông, những người lính trẻ lần đầu đi đảo ngậm ngùi nhớ về đất liền thắt ruột. Những chiến sĩ có vợ con thì lấy thư, ảnh của vợ con ra xem dưới ánh điện bình ắc qui. Trong nỗi nhớ ấy, có người thuyền trưởng đau đáu về người vợ đang ốm nặng ở đất liền và ba con nhỏ đang ngày đêm ngóng đợi bố trở về.

Trang sử sống

Cựu binh Nguyễn Viết Chức được mệnh danh là “trang sử sống”. Để có “biệt danh” này, ngoài vốn sống và bản lĩnh người lính cả đời “sống với biển, vui buồn với biển”, ông Chức có một trí nhớ đặc biệt. Mặc dù đã bước sang tuổi 63, tóc đã nhiều sợi bạc; mặc dù đã “gác súng”, nhưng tất cả các sự kiện về biển đảo hầu như ông đều nắm chắc một cách tường tận đến từng giờ, ngày, tháng. Ngay sau khi chỉ huy tàu giữ đảo Tốc Tan, ông đã trực tiếp thị sát chất liệu san hô; độ dài, rộng của đảo và vẽ sơ đồ đảo có số liệu cụ thể. Đây là sử liệu đầu tiên để sau này Cục chính trị Hải quân viết lên những trang sử về Trường Sa nói chung, đảo Tốc Tan nói riêng. 

Bởi có trí nhớ đặc biệt, mà tại cuộc hội thảo khoa học của Lữ đoàn 171 Hải quân vừa qua về “Sách lịch sử Lữ đoàn 171” để chuẩn bị cho kỷ niệm 50 năm ngày thành lập, ông Chức được Đảng ủy Lữ đoàn mời với tư cách vừa là thuyền trưởng, vừa là nhân chứng lịch sử, vừa là người viết sử. Trong hàng trăm sự kiện mà Lữ đoàn 171 đã kinh qua, cả chiến công oanh liệt; cả những mất mát đau thương; cả tên hàng trăm đồng đội đã ngã xuống, ông Chức đều nắm rõ. “Thuyền trưởng Chức là một người khá đặc biệt về trí nhớ. Hầu như tất cả các sự kiện lịch sử của Hải quân ông đều nắm chắc tường tận, cả chiến dịch khi Hải quân giúp nước bạn Campuchia. Thành tích 50 năm của Lữ đoàn 171 có công của trung tá Chức. Ông là  một trang sử sống”, trung tá Bùi Văn Bền, Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 171 Hải quân khẳng định.

Sau 1/3 thế kỷ khoác áo màu xanh của biển và lăn lộn khắp quần đảo Trường Sa,  ngoài niềm tự hào vô bờ bến những ngày lặn lộn với biển đảo, kỷ vật quí nhất của ông Chức bây giờ là cột cờ cắm trên đảo Tốc Tan ngày ấy và hai con ốc nón mà ông trực tiếp mò dưới rạn san hô. Ông bảo: “Ngày ấy tàu trực ở đảo 132 ngày trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Nước ngọt chia từng cà men, thiếu rau xanh trầm trọng, có chiến sĩ phù nề không đi được, thiếu lương thực phải ăn lương khô trừ bữa, nhưng anh em đoàn kết thương yêu nhau như ruột thịt. Những kỷ niệm ấy cả đời tôi không bao giờ quên được”. 

TRẦN MẠNH TUẤN/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh