Người nặng tình với biển, đảo quê hương
- Văn hóa - Giải trí
- 05:15 - 05/08/2015
Người nhạc sĩ của Trường Sa
Đã từ lâu, nhạc sĩ Hình Phước Long được cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa trân trọng gọi ông với cái tên rất gần gũi, thân thương như “Công dân danh dự của Trường Sa”, “Nhạc sĩ của Trường Sa”. Ông bộc bạch: “Từ đáy lòng mình, tôi rất biết ơn sự ưu ái của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa đã dành riêng cho tôi tình cảm hết sức đặc biệt này. Và, tôi cũng rất hạnh phúc khi được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba với những ca khúc mà tôi đã viết về Trường Sa. Chính vì niềm yêu mến đó mà tôi đã có 17 ca khúc viết về nơi đầu sóng ngọn gió này”.
Một trong những ca khúc để lại dấu ấn sâu đậm của nhạc sĩ Hình Phước Long là “Gần lắm Trường Sa”, được ông sáng tác cách đây hơn 30 năm. Đến chính tác giả cũng không lý giải được sức sống lâu bền của ca khúc này. Ông tâm sự: Ca khúc “Gần lắm Trường Sa” là lời tâm tình của một người con gái nơi đất liền, thủ thỉ với bạn trai của mình là người chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ biển trời nơi biên đảo Trường Sa. Với chất liệu âm nhạc mang hơi hướng dân gian khu vực Nam – Trung bộ, với ca từ trong sáng, thủy chung… có lẽ vì thế mà nhạc phẩm được công chúng đón nhận nồng nhiệt, tạo nên sức sống bền lâu cho ca khúc. Hiếm người biết rằng, ca khúc này được Hình Phước Long viết và hoàn thành vào khi ông chưa từng một lần đặt chân đến Trường Sa.
Nhạc sĩ Hình Phước Long .
Cảm xúc mãnh liệt từ đất liền
Chính cảm xúc mãnh liệt từ đất liền đã giúp làm nên những ca khúc hay về Trường Sa của Hình Phước Long. Năm 1980, khi đang công tác tại Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Cam Ranh, thì Hình Phước Long được lãnh đạo Lữ đoàn 146 – đơn vị bảo vệ quần đảo Trường Sa, hậu cứ đóng ở bán đảo Cam Ranh, mời vào dàn dựng giúp chương trình văn nghệ cho đơn vị để tham dự hội diễn văn nghệ toàn tỉnh Phú Khánh. Ông vào hậu cứ, được lãnh đạo đơn vị giới thiệu khá cặn kẽ về quần đảo Trường Sa với những bức ảnh trắng đen, với tấm sa bàn đắp nổi chừng 3 m2, cộng thêm bộ phim tư liệu trắng đen mới thực hiện xong ở Trường Sa... Chỉ vậy thôi mà hình ảnh quần đảo Trường Sa hiện dần và in đậm trong tâm hồn Hình Phước Long, để rồi ông gắn bó với vùng biển thiêng liêng này suốt nhiều năm.
Năm 1982, Hình Phước Long về dự trại sáng tác âm nhạc do Sở Văn hóa và Thông tin tỉnh tổ chức tại TP. Ông kể: “Đầu giờ chiều cuối năm 1982, hôm ấy tôi rời trại, một mình đạp xe vẩn vơ trên đường Trần Phú, đầu óc rỗng không, không một ý tưởng nào hiển hiện trong tâm trí. Bỗng tôi nhìn về phía biển, trước mắt là một cô gái với tà áo dài và mái tóc bồng bềnh bay trong gió. Dừng xe lại bên lề đường, nhìn cô gái từ phía sau lưng, tôi chợt nghĩ và tự hỏi với mình: “Giá như cô gái ấy có người yêu là chiến sĩ đang đóng quân ngoài quần đảo Trường Sa, liệu cô ấy có nghe được lời nói của người yêu mình đang quyện vào con sóng, từ Trường Sa vọng đến nơi này không nhỉ...?”. Và tôi tự đáp: “Có! Cô ấy sẽ nghe được…”. Thế là tôi bật lên câu hát: “Không xa đâu Trường Sa ơi! Không xa đâu Trường Sa ơi! Vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em. Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh!”.Tôi rút vội tờ giấy trong túi áo ra và vội vàng ghi lại cả nhạc và lời câu hát ấy, xong là đạp xe về trại.
Ngay chiều hôm ấy, tôi và Hình Phước Liên về Ninh Hòa để thăm má. Đến nhà đã 5 giờ chiều, tôi nhấc chiếc ghế ra ngoài sân, ngồi đó viết một mạch xong luôn bài hát trong khoảng gần một giờ đồng hồ mà không phải sửa lại một nốt nhạc, một ca từ nào cả”.
Trong 17 ca khúc về Trường Sa của Hình Phước Long còn có nhiều ca khúc ấn tượng khác, như: “Gặp anh trên đảo Sinh Tồn” (được tặng giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam), ca khúc “Vầng trăng nơi đảo xa” (Giải A của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam), và một số ca khúc khác: “Tâm tình người lính Trường Sa”, “Tiếng hát đảo Sơn Ca”, “Đêm trên đảo Thuyền Chài”...
Cho tới nay, dù đã ở tuổi 65, nhưng nhạc sĩ Hình Phước Long vẫn cần mẫn sáng tác trong căn nhà nhỏ của gia đình ở số 38/ 8 đường 2/4, phường Vĩnh Hải, TP. Nha Trang, Khánh Hòa. Và với ông, cảm xúc về biển đảo quê hương vẫn luôn dâng trào.